Sống ‘phông bạt’ không làm tăng giá trị bản thân
(DNTO) - Gần đây, người dân ngoài đời thực và cả cư dân trên mạng xã hội đang xôn xao vì hiện tượng "phông bạt", thậm chí trong đề thi văn của học sinh mới đây cũng đề cập đến lối sống "phông bạt". Vì sao "phông bạt" trở nên “đình đám” như vậy?
“Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”, đó là nội dung đề thi Ngữ văn giữa học kỳ 1 năm học 2024-2025, dành cho học sinh khối lớp 10 của một trường trung học ở Quận 6, TP.HCM. Vụ việc gây xôn xao mạng xã hội và dẫn đến các luồng ý kiến trái chiều.
Nhiều người khen đề thi có tính thời sự, bắt đúng "trend" của giới trẻ. Nhưng cũng có nhiều người thuộc giới chuyên môn lại cho rằng, cụm từ “lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay” mang tính áp đặt. Không phải toàn bộ giới trẻ hiện nay có lối sống phông bạt mà chỉ có một bộ phận mà thôi.
Phông bạt là gì?
Phông bạt là một từ ghép gồm có:
Phông là tấm màn vẽ cảnh trí phía sau sân khấu còn gọi là phông nền sân khấu, là một yếu tố trang trí không thể thiếu trong các sự kiện, lễ hội hay chương trình biểu diễn, tạo nên bối cảnh và không gian phù hợp với bối cảnh của vỡ diễn hay chương trình sự kiện.
Bạt: tấm vải hoặc nhựa dày cứng và thô, thường dùng để che mưa nắng.
Từ lâu, từ “phông bạt” được người ta sử dụng như tiếng lóng để ám chỉ một cách mỉa mai việc phô trương, bốc phét, khoác lác, chém gió, lấy le, làm màu, đánh bóng, nổ… của một người nào đó.
Nhưng sự việc chỉ “bùng nổ dữ dội” khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đăng sao kê danh sách các nhà hảo tâm đóng góp cứu trợ nạn nhân do bão Yagi gây ra vào ngày 13/9 vừa qua. Qua đó, phát hiện hàng loạt “chuyên gia phông bạt” khai khống số tiền mình đóng góp lên gấp nhiều lần và khoe trên trang cá nhân. Thông tin sai sự thật này ngoài việc gieo tiếng oan cho đơn vị nhận tiền hỗ trợ còn cho thấy rõ có một bộ phận người dân - đa số là giới trẻ - đang có lối sống “phông bạt”: phô trương, bốc phét, khoác lác…
Những hành vi thể hiện lối sống “phông bạt”
Hiểu theo nghĩa hẹp, xuất phát từ hiện tượng nói quá lên về số tiền ủng hộ công tác cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bão lũ của một số người, thì "phông bạt" là một hình thức làm ít nói nhiều, ăn gian nói dối nhằm tô vẽ bản thân mưu cầu danh tiếng. Nhìn rộng ra, tình trạng phô trương, hình thức, thiếu trung thực, lãng phí, bệnh thành tích… suy cho cùng cũng là “phông bạt”.
Cảnh đón rước rềnh rang, liên hoan bù khú, hoa chất đầy sân trong các hội nghị… gây lãng phí tiền của nhân dân, phô trương hình thức…, hay mới đây, việc một cô gái miền Tây được mẹ tặng 1.050 lượng vàng, 9,9 tỷ đồng làm của hồi môn, không biết đằng sau câu chuyện đó có bí ẩn gì không. Nhưng chuyện đàng trai tặng vàng, tiền cho cô dâu trong ngày cưới, sau đó “đòi” lại, hoặc chuyện đàng gái “lòn” vàng qua cho đàng trai làm sính lễ để... chụp ảnh, xảy ra khá phổ biến.
Dịp lễ tết khoe hoa quà giá trị hàng triệu; khoe lương, khoe nhà, khoe xe, khoe con ông cháu cha, khoe lối sống sang chảnh, ăn nhà hàng 5 sao, xài túi xách hàng hiệu… nhưng thực chất chỉ là “ phông bạt”. Khoe nhan sắc, body nhưng thực chất là dùng ứng dụng bóp eo, bóp mặt... Khoe hình ảnh "đập hộp" điện thoại, laptop nhưng đa số là ảnh sưu tầm hay “ké” bạn bè với sattus mang tính chất ỡm ờ… là những trường hợp dễ nhận ra nhất.
“Phông bạt” dưới góc nhìn chuyên gia
Dưới góc nhìn văn hóa xã hội, thì lối sống "phông bạt" phản ánh nhu cầu được công nhận theo các chuẩn mực xã hội đương đại. Các chuẩn mực này thường nghiêng về sự thành công trong công việc, sự nghiệp; những thành tựu thiên về vật chất… Khi vượt xa năng lực cá nhân, họ sẽ nói quá lên sự thật để bù đắp cho những cảm giác tự ti của mình. Thế là sa vào lối sống “phông bạt”.
Sự lan truyền nhanh chóng và rộng rãi của các nền tảng mạng xã hội giúp cho việc chia sẻ hình ảnh, câu chuyện một cách thuận lợi dễ dàng, cũng góp phần quan trọng thúc đẩy trào lưu sống “phông bạt” của giới trẻ. Họ bị cuốn hút bởi những lượt thích, những lời bình luận khen ngợi lên tận mây xanh, coi đó như thước đo giá trị và sự thành công của bản thân.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, xu hướng "phông bạt" dễ dẫn cá nhân đến phụ thuộc vào sự xác nhận bên ngoài và lâu dài làm mất kết nối chân thực với bản thân.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Thảo My, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên: “Sống “phông bạt” không giúp tăng sự ngưỡng mộ của người khác mà sẽ gây phản tác dụng, bị chỉ trích".
Còn Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng – Trưởng khoa Báo chí Truyền thông Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên thì có lời khuyên các bạn sinh viên nên hạn chế so sánh mình với người khác. Hãy học cách chấp nhận và yêu thương bản thân mình, thay vì theo đuổi những giá trị không phù hợp với bản thân và những hình ảnh phi thực tế trên mạng.