Sai chính tả đã không còn là cá biệt

(DNTO) - “Chuẩn chính tả là một vấn đề có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ… Mỗi thành viên trong cộng đồng phải tự tìm hiểu, học tập, trau dồi những kỹ năng, trong đó có kỹ năng viết đúng”, PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Chính tả là hệ thống chữ viết được coi là chuẩn của một ngôn ngữ. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay viết sai lỗi chính tả đang là hiện tượng phổ biến. Đặc biệt là ở nơi công cộng, làm dấy lên mối quan ngại với những ai xem trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Lỗi chính tả do sai sót
Tối 13/3, tại Quảng trường 7/5, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) diễn ra đêm chung kết và trao giải Người đẹp Hoa Ban năm 2023. Tại buổi lễ, dải sash (băng) được gắn cho thí sinh đoạt giải “Người đẹp trả lời ứng xử hay nhất” đã in sai chính tả từ “ứng xử” thành “ứng sử”.

Lỗi chính tả do bất cẩn trên máy bay của hãng Vietjetair. Ảnh Đinh Hoa
Tương tự, ở tập 28 chương trình Vua tiếng Việt phát sóng hôm 14/4, trong phần thi của thí sinh ĐVT, ban tổ chức đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng giữa "trậm trễ" hay "chậm chễ". Người chơi đã chọn "chậm chễ" và người dẫn chương trình khẳng định đây là đáp án đúng. Trong khi trong tiếng Việt không có từ "trậm trễ" hay "chậm chễ" mà chỉ có từ “chậm trễ” mà thôi.
Cũng vậy, sáng ngày 19/9 vừa qua, mạng xã hội lại được một phen nhốn nháo khi xuất hiện hình ảnh băng - rôn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh in sai chữ “khuyến thành "khuến" và "nuôi ong nội theo hướng sinh thái" thành “nuôi ông nội…”. Tuy sai sót liền được phát hiện kịp thời nhưng hình ảnh đã bị chụp lại và tung lên mạng.
Còn trên đường phố, chỉ cần chịu khó để ý quan sát sẽ không khó nhận ra những bảng hiệu quảng cáo, biển báo thông tin viết sai chính tả như: “Chất lượng tạo lên (nên) sức mạnh; “Cấm bán hàng dong (rong) trên lòng đường, vỉa hè”; “Sin (xin) đừng đổ rác”, “phun xăm nông mày”, “mua bán chao đổi”, “khuyến mãi giành cho bạn”, “bầu trọn đại biểu”…
Hiện tượng trên đây không phải mới xảy ra cũng không phải là hiện tượng cá biệt.
Lỗi chính tả do cố ý
“Có lúc tự nhiên mình quên mất là từ tiếng Việt đó viết thế nào cho đúng chính tả…”, có lẽ là tâm trạng của không ít người, nhất là các bạn trẻ hiện nay. Nguyên nhân đến từ việc các bạn thường xuyên dùng ngôn ngữ “chat” - là thứ ngôn ngữ chỉ thích hợp trong phạm vi trao đổi riêng tư, không thể đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời với trào lưu cố ý viết sai chính tả nhằm mục đích hài hước mua vui trên các trang mạng xã hội… kiểu như: No nắng quớ (lo lắng quá), xứt xắc (xuất sắc), ăng kơm hok (ăn cơm không), em guột (em ruột), pé iu (bé yêu), hok hỉu (không hiểu)… Mỗi ngày một chút, hành vi này dần ám vào tâm trí trở thành thói quen của người viết hồi nào không hay.
Ở các hàng quán, nhằm gây chú ý, lôi cuốn thực khách, rất nhiều người kinh doanh cũng cố tình viết sai chính tả trên bảng hiệu, quảng cáo như: Ốc nuộc sào me, trân gà xả tắc, nghao hấp, chứng nộn, lem trua, súc sích gián... Đây là việc làm lợi bất cập hại vì sai lỗi chính tả trong nội dung quảng cáo sẽ làm giảm đi phần lớn độ tin cậy của khách hàng với doanh nghiệp.

Tấm băng - rôn “Nuôi ông nội theo hướng sinh thái” được xác định là do bên công ty in ấn in nhầm. Ảnh: Internet
Sự cố ý viết sai chính tả trên mạng xã hội và trên bảng hiệu đang trở thành trào lưu khiến nhiều người nhất là trẻ nhỏ hoang mang, không biết đâu là đúng, đâu là sai, dần dần hình thành suy nghĩ viết sao cũng được. Từ đó không bận tâm đến việc viết đúng chính tả.
Thái độ thỏa hiệp, không nghiêm khắc nhìn nhận sai sót, bao biện quanh co
“Chỉ là một lỗi chính tả, xin đừng buông lời cay đắng” là lời cảm thán được bắt gặp liên quan đến sự việc một chiếc cổng chào dựng lên ở đầu Phố sách Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) ghi dòng chữ: "Lễ phát động phong chào đọc sách 21/4" vào hồi năm ngoái. Cũng theo ý kiến trên, chỉ nên dừng lại ở sự chê trách về sử dụng chính tả tiếng Việt do nói ngọng, viết ngọng, do yếu tố xuất thân từ nhiều vùng miền của những người thợ làm cổng chào… chứ đừng cay nghiệt phê phán nặng lời.
Liên quan đến băng – rôn “nuôi ông nội…”, ông V - chủ nhà hàng nơi Trung tâm Khuyến nông thuê để tổ chức sự kiện – tuy nhìn nhận đây là sai sót của nhà hàng do không kiểm tra kỹ đồng thời xin lỗi lãnh đạo bên Trung tâm Khuyến nông, nhưng vẫn “nói đỡ”: “…Chẳng có gì là to tát cả nhưng không hiểu sao mọi người lại làm cho nó thành nghiêm trọng như vậy. Trong khi vị Giám đốc trung tâm Khuyến nông thì khẳng định, Trung tâm không có lỗi gì ở đây cả.
Nhẹ nhàng hơn, với lỗi "chậm chễ", một cố vấn của chương trình Vua tiếng Việt tập 28, thừa nhận lỗi sai nhưng “vẫn mong khán giả "rộng lượng" bởi bất cứ ai cũng có thể mắc sai sót”.
Đổ lỗi, chối bỏ trách nhiệm, làm giảm nhẹ sai sót là một thói quen làm trở ngại quá trình khắc phục sai sót. Đây là thói quen nên từ bỏ.

Nên từ bỏ thói quen chối bỏ trách nhiệm, làm giảm nhẹ sai sót, nguyên nhân làm trở ngại quá trình khắc phục. Ảnh: Internet
Cần thiết ra đời Luật tiếng Việt
Tuy nhiên, trong thực tế, ở một số trường hợp, một quy chuẩn thật sự thống nhất mang tính pháp quy về chính tả tiếng Việt cũng còn bất cập khiến người viết bối rối, kể cả các nhà khoa học.
Từ nhiều năm qua, các bộ ngành liên quan đã lên tiếng về việc cần có Luật tiếng Việt được rất nhiều người ủng hộ. Một bộ luật về tiếng Việt ra đời sẽ có giá trị pháp lý đủ mạnh để bảo vệ tiếng nói của dân tộc. Có quy định chuẩn chính tả sẽ tránh được tình trạng viết mỗi nơi một cách...
Trong khi chờ đợi luật tiếng Việt ra đời, mỗi người viết cần nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, xem đó như là một trách nhiệm công dân.