Nợ đọng trong xây dựng gia tăng, chủ thầu ‘khóc ròng’ trước sức ép vốn
(DNTO) - Trong nửa đầu năm 2021, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tiếp nhận 27 vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng thầu xây dựng, bằng cả năm 2020, chủ yếu liên quan đến tình trạng nợ nhà thầu, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình luân chuyển và sử dụng vốn của chủ thầu.
Sức ép vốn đè nặng lên vai chủ thầu
Chia sẻ thực tiễn tại dự án The Artemis (số 3, Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội) được xây dựng trong năm 2015, do ACC Thăng Long là chủ đầu tư, Công ty Delta cùng một số đơn vị khác như Eurowindow, Nam Minh Hoàng, Sigma… cùng làm chủ thầu, ông Hoàng Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết, việc khó khăn trong quá trình thanh quyết toán, nghiệm thu công trình không riêng gì Delta mà tất cả nhà thầu đều vướng mắc.
Có 3 vướng mắc chính mà Delta gặp phải trong dự án này là vấn đề về giá trị hợp đồng thực tế hay trọn gói, cố tình phạt vi phạm tiến độ, cố tình phạt vi phạm chất lượng… với tổng mức phạt tối đa là 12%. Trong quá trình tranh chấp, hai bên đã họp rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
“5 hợp đồng đã ký đều bị chủ đầu tư đánh giá chậm hợp đồng, phạt 12%. Lý do không có biên bản nghiệm thu hoàn thành mốc chi tiết. Trong khi đó, chủ đầu tư liên tục bổ sung các công việc phát sinh nhỏ lẻ để trở thành nguyên cớ chính cho gói thầu lớn…”, ông Tú chia sẻ trong hội thảo trực tuyến “Bàn về những tranh chấp trong hợp đồng thầu xây dựng hiện nay và cách giải quyết”, sáng 22/7.
Với sức ép của dòng tiền, hầu hết các chủ thầu đều phải chấp nhận giảm trừ giá trị quyết toán để thu hồi vốn. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh như hiện nay, ông Tú cho biết, thực tế, lợi nhuận của các chủ thầu tại các công trình không đáng kể. Do vậy, nếu giảm giá trị quyết toán, các công ty xây dựng sẽ lỗ.
“Chúng tôi phải thi công, phải quản lý, phải quản trị dự án một cách bài bản thì mới giữ được khoản lợi nhuận eo hẹp của mình. Còn với khoản tồn đọng nợ kéo dài, trong khi nhà thầu phải tự bỏ vốn, vay ngân hàng để làm thì coi như lỗ. Vì vậy, chúng tôi đang đưa tranh chấp ra tòa án để giải quyết, nhằm thu lại sớm nhất chi phí của nhà thầu”, ông Tú cho hay.
‘Nóng’ tình trạng tranh chấp trong hợp đồng thầu xây dựng
Cũng trong hội thảo, ông Huỳnh Đăng Hiếu - Phó trưởng phòng Ban Thư ký, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin, thời gian qua, tình trạng tranh chấp hợp đồng thầu xây dựng, giải quyết các nợ đọng có xu hướng tăng cao.
Trong nửa đầu năm 2021, VIAC đã tiếp nhận 27 vụ tranh chấp, bằng cả năm 2020, nhiều hơn năm 2019 và gấp 4,5 lần thời điểm năm 2015 (6 vụ). Trong đó, tổng trị giá tranh chấp xây dựng mà VIAC đã giải quyết lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Tình trạng nợ nhà thầu là một thực trạng phổ biến.
Thống kê tình hình giải quyết tranh chấp hợp đồng thầu xây dựng tại VIAC cho thấy, các khoản nợ tồn đọng từ 6 tháng – 1 năm chiếm 20%, nợ từ 1-2 năm chiếm đa số 65% và nợ trên 2 năm là 15%. Cá biệt, có những khoản nợ kéo dài tới 5 năm. Riêng tiền lãi chậm thanh toán đã chiếm trên 70 tỷ đồng.
Lý giải về tình trạng xảy ra tranh chấp trong các hợp đồng thầu xây dựng, ông Hiếu chỉ ra một số nguyên nhân như việc tìm hiểu năng lực tài chính của chủ đầu tư chưa kỹ; công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, quản lý triển khai thanh quyết toán còn yếu và chưa có biện pháp để thu hồi công nợ hiệu quả. Đây là thực trạng chung của nhiều nhà thầu, dẫn đến nợ đọng kéo dài.
Ở góc độ là cơ quan giải quyết tranh chấp, theo ông Hiếu, có nhiều trường hợp chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính thanh toán cho các nhà thầu, tuy nhiên, cũng rất nhiều trường hợp nhà đầu tư có dòng tài chính mạnh, nhưng vẫn cố tình kéo dài, không trả nợ cho nhà thầu, thậm chí trong quá trình tố tụng còn gây khó khăn cho việc thanh quyết toán hồ sơ.
“Như vậy, quá trình đôn đốc thanh quyết toán với chủ đầu tư không đạt kết quả, nhà thầu không còn biện pháp nào khác ngoài việc khởi kiện để thu hồi công nợ”, ông Hiếu cho hay.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, trong hơn 20 năm qua, ngành xây dựng đã có bước tiến vượt bậc, đóng góp từ 8-9% GDP của cả nước. Có thể thấy, ngành xây dựng đang giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế. Quy mô của ngành xây dựng từ những hợp đồng xây dựng chỉ 5-10 tỷ đồng, cho đến hiện nay là những hợp đồng cả nghìn tỷ…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành xây dựng vẫn tồn tại mâu thuẫn như tranh chấp hợp đồng kinh tế xây dựng giữa chủ thầu và chủ đầu tư, những vấn đề liên quan đến thanh toán, chính sách, chế độ… và đây là những vấn đề ngày càng trở nên bức xúc. Nếu không giải quyết kịp thời, những vấn đề này sẽ cản trở sự phát triển của ngành xây dựng.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, vấn đề nợ đọng trong xây dựng không những ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung mà còn ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài nói riêng; không chỉ ảnh hưởng đến một ngành kinh tế mà còn ảnh hưởng đến pháp luật môi trường kinh doanh, vì chỉ số thực hiện hợp đồng là một yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư quốc tế sẽ nhìn vào để đánh giá môi trường kinh doanh.