Masan kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng
(DNTO) - Tập đoàn Masan kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó TGĐ VinCommerce, cho biết đây là giai đoạn dịch diễn biến căng thẳng, là hệ thống bán lẻ có quy mô hơn 2.500 siêu thị cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, VinCommerce gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa đến người dân.
Cụ thể, theo bà Phương, các nhân viên bán hàng tại siêu thị/cửa hàng mang tâm lý hoang mang khi dịch diễn biến phức tạp. Đây là lực lượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu khách hàng. Từ đầu năm, tỉ lệ nhân viên bán hàng xin nghỉ do lo sợ dịch bệnh khiến đơn vị gặp khó khăn trong việc huy động nhân sự.
"Ngoài việc thực hiện nghiêm 5K cùng các tuyến phòng dịch của riêng hệ thống, từ đầu năm nay, đặc biệt là từ đầu tháng 6, chúng tôi đã 2 lần gửi công văn đến Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế, Bộ Công thương và các tỉnh thành đề nghị đưa nhân viên bán lẻ, công nhân sản xuất hàng thiết yếu vào đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm. Điều này sẽ góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng và tạo điều kiện cho chúng tôi phục vụ người dân tốt hơn. Nhưng đến nay mới chỉ 6.500 trong tổng số 40.000 nhân viên Masan được tiêm vaccine. Chúng tôi tiếp tục khẩn thiết đề xuất cho đội ngũ nhân viên còn lại được tiêm vaccine sớm. Đây là lá chắn quan trọng đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy", bà Phương nhấn mạnh.
Liên quan tới khó khăn trong khâu kiểm dịch hàng hóa, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, cho biết hiện nay hàng hóa vào VinMart/VinMart+ tại TP.HCM cần có giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng cấp. Đồng thời tài xế cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 trong thời hạn 3 ngày.
Tuy nhiên, do giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian là nguyên nhân gây khó khăn chính cho công tác lưu thông hàng hoá. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TP.HCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị lưu giữ lại các chốt kiểm dịch.
"Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng tìm giải pháp triển khai mô hình xét nghiệm nhanh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đảm bảo luân chuyển hàng hoá không bị tắc nghẽn tại các chốt ven thành phố", ông Trinh nói.