Khuyến khích sinh con không thể hô hào suông

(DNTO) - Các chuyên gia dân số cho rằng già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Số người già tăng lên nhưng số trẻ em sinh ra ngày càng ít đang trở thành nỗi lo chung của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam tình trạng này được đánh giá là diễn ra khá nhanh.
Tại Nhật Bản, năm 2012, Viện Quốc gia về dân số và an ninh xã hội đã dự báo: Nếu không có các thay đổi chính sách mạnh mẽ, thì đến năm 3000 dân số Nhật Bản chỉ còn… 62 người. Còn ở Việt Nam, Đại biểu Phạm Văn Thịnh, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết đã tính toán thử, với tốc độ giảm sinh hiện nay thì đến năm 2500 dân số Việt Nam còn 3,6 triệu người.
Trên đây là những con số được tính toán tham khảo có tính chất “giải trí”. Còn trên thực tế, đi tìm lời giải cho bài toán “tre già mà măng không mọc” ở nước ta hiện nay không hề dễ dàng, mặc dù chúng ta vẫn buộc phải làm cho đến nơi đến chốn.

Cần xây dựng mạng lưới an sinh xã hội tốt cho người cao tuổi để nâng cao chất lượng sống cho họ. Ảnh: Internet
Nói về việc giới trẻ ngày nay không sinh hoặc chỉ sinh một con trở thành xu hướng và là nguyên nhân đưa đến tình trạng già hóa dân số. Thật ra, với quan niệm của người Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng, trong thâm tâm họ vẫn mong muốn có con, thậm chí có nhiều con. Quan điểm “được hào con đặng hào của” với nhiều người Việt đến nay vẫn chưa lỗi thời.
Bằng chứng cho thấy, mặc dù slogan “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1-2 con” vẫn chưa hết “hạn sử dụng” nhưng trong thực tế rất nhiều gia đình có đầy đủ điều kiện kinh tế, không bị lệ thuộc vào các “ngành nghề” bị bắt buộc, họ vẫn chọn sinh nhiều con và nuôi dạy tốt.
Dễ nhận biết nhất vì họ là người của công chúng gồm có, gia đình Diễn viên Lý Hải - Minh Hà 4 con, nghệ sĩ Ốc Thanh Vân 3 con, người mẫu diễn viên Diễm Châu 5 con, ca sĩ Trang Nhung 4 con, Jennifer Phạm 4 con… Thậm chí Hoa hậu Oanh Yến còn được biết đến là hoa hậu đông con nhất showbiz Việt khi liên tục sinh 6 người con.
Điều này cho thấy chính sách quy định mức sinh không có tác động quá nhiều đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng. Khi đời sống được cải thiện thì vấn đề sinh bao nhiêu con là do nhu cầu của mỗi gia đình chứ không do quy định của Nhà nước. Và ngược lại.
Các cặp vợ chồng ngại sinh con hiện nay cho biết, chủ yếu xuất phát từ những lo ngại về tình hình kinh tế và áp lực cuộc sống hiện đại. Họ lo lắng việc có thêm con sẽ gây áp lực tài chính đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và giáo dục ngày càng tăng. Nỗi lo này đối với người dân lao động nghèo, người nông dân thu nhập bấp bênh là nỗ lo chính đáng. Đặc biệt là giới công nhân, còn là nỗi lo mất việc làm sau khi sinh con.
Cho thấy, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để các gia đình có điều kiện thuận lợi sinh và nuôi con chứ không chỉ tuyên truyền suông mà có thể khuyến khích sinh con được. Ví dụ, cần có thêm các chính sách liên quan đến hỗ trợ chi phí chữa trị hiếm muộn, chi phí mang thai và sinh đẻ, chế độ thai sản và nghỉ hộ sản; Miễn phí học tập cho trẻ từ mầm non đến hết phổ thông đối với gia đình thật sự khó khăn… Được như vậy, mới mong gỡ bỏ được nút thắt trong việc ngại sinh con của các cặp vợ chồng.
Liên quan nhân quả của vấn đề này là tình trạng già hóa dân số tạo thành một nỗi lo kép: “Tre già mà măng không mọc".
Khi mức sinh giảm, ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động sẽ tăng nhanh quá trình già hóa dân số. Trong khi người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng họ lại mang bệnh tật trong người nhiều hơn.
Do đó, để sẵn sàng cho một xã hội "già", Việt Nam còn cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới an sinh xã hội tốt, có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để nâng cao chất lượng sống cho họ.
Ở phương diện quốc gia, “Tre già mà măng không mọc" hiện tại sẽ ảnh hưởng đến tiềm lực, sức mạnh quốc gia trong tương lai. Bởi các nhà đầu tư luôn nhìn vào tiềm năng dân số để đánh giá thị trường lao động.

Khuyến khích sinh con không thể hô hào suông Ảnh: Internet
Trong bối cảnh dân số thế giới cùng đang giảm như hiện nay, quốc gia nào duy trì được mức sinh thay thế đảm bảo và có tăng trưởng sẽ thành công cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Đây là động lực để chúng ta phấn đấu.
Xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người già. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, "thu ít mà chi nhiều".
Tóm lại, có tính chất quyết định vẫn là các quyết sách cụ thể có hiệu quả thiết thực của chính phủ chứ không thể hô hào suông mà đạt kết quả.