Xu hướng lười kết hôn, ngại sinh con

(DNTO) - Cấu trúc gia đình trong xã hội hiện đại đang trở nên đa dạng và cá nhân hóa hơn bao giờ hết. Mặc dù gia đình truyền thống vẫn mang lại nhiều ưu thế, nhưng ngày nay, việc trở thành cha hoặc mẹ đơn thân không còn là điều hiếm gặp.
Tâm lý chung của giới trẻ
Hiện nay tổng tỷ suất sinh của TP.HCM năm 2022 là 1,39 con/phụ nữ, hiện đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con/phụ nữ (Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình).
Nỗi sợ về những lời phán xét, đánh giá từ những người xung quanh đã khiến cặp đôi mới cưới e ngại việc sinh con. Chị Phương Thi (28 tuổi, trưởng phòng Marketing tại TP.HCM) cho biết chị vừa lấy chồng được được 2 năm, chị chia sẻ: “Vợ chồng mình chưa định có con bởi vì một phần là do công việc của vợ chồng mình quá bận, không có thời gian chăm con. Ba mẹ bảo sinh con thì phải nghỉ việc ít nhất 2 năm, và còn phải mang bé về quê. Chưa kể đến, mang bầu và sinh con cần có thời gian kiêng cữ, chăm sóc, nuôi con... Nên, khỏi sinh cho khỏe”!
Vợ chồng Trung ở quận 5 đã “về chung một nhà” được 4 năm, cả 2 đều có công ăn việc làm ổn định, có căn hộ riêng nhưng quyết định không sinh con vì “trái đất chật rồi”. Với họ, hạnh phúc và sự gắn kết vợ chồng không nhất thiết phải ràng buộc bởi đứa con, bởi họ cho rằng, với thu nhập hiện tại, việc sinh con và không lo cho con có cuộc sống thật tốt sau này, là sự thiếu trách nhiệm của người làm cha mẹ. “Đã qua rồi cái thời, “trời sinh voi, sinh cỏ”, Trung cho biết.
Anh Tuấn (29 tuổi, IT tại TP.HCM) lại có một góc nhìn khác hơn về viễn cảnh khi có con. Anh tâm sự:“29 tuổi, lương mỗi tháng 15 triệu chỉ vừa đủ tiêu, mình chưa nuôi nổi làm sao mà nuôi con”. Tài chính là nỗi trăn trở lớn nhất của anh Tuấn mỗi khi nhắc đến việc nuôi con. Quan điểm của anh trước khi một đứa trẻ sinh ra đời, người làm cha mẹ phải có một “chiến lược” cụ thể: “Trước khi vợ mang thai, hai vợ chồng tôi phải sẵn sàng cho việc ngưng nguồn thu nhập từ phía vợ và tập trung hoàn toàn tài chính vào tôi. Khi vợ sinh con, tôi phải đảm bảo rằng con có một ngôi nhà ấm áp, đầy đủ tiện nghi. Những năm về sau chúng tôi phải cực kỳ vững vàng về tài chính để con có những bước đi đầu đời an toàn”.
Thậm chí hiện nay, thế hệ cuối 8X, 9X còn không muốn kết hôn và sinh con, họ hầu hết đều đi học ở nước ngoài về, tự chủ về tài chính, công việc và “ngại” chuyện sinh con cũng như ràng buộc chuyện gia đình. Thế hệ này đang “đóng góp” cho tỉ lệ sinh ở TP.HCM thấp dần di.

Tài chính là nỗi trăn trở của nhiều gia đình trẻ. Ảnh:Internet
Nhiều vấn đề liên quan
Khi mà có quá nhiều vấn đề xoay quanh về việc trước khi có con hay sau khi có con làm nhiều gia đình quan ngại. Và lâu dần mức sinh trung bình bị giảm xuống tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai. Đó là lý do tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm đi.
Theo Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Liên Hương: “Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn”.
Vấn đề đầu tiên phải đối mặt là dân số già hoá. Khi mà giới trẻ ngày nay ngại sinh con, mức sinh ngày càng giảm thì đồng nghĩa tỷ lệ phần trăm số người trong độ tuổi lao động từ 20 - 65 tuổi giảm là điều không thể tránh khỏi. Kéo theo đến việc thiếu hụt nguồn lao động trẻ, gây ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Chi phí cuộc sống quá cao, có nhiều con đồng nghĩa với mức chi trả lớn, những vấn đề an sinh xã hội, là bài toán đau đầu cho nhiều gia đình nhất là khi ở các thành phố lớn. Cũng chính vì vậy việc trì hoãn sinh con để cân bằng tài chính là điều không tránh khỏi.
Cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh có mức sinh rất thấp, đang bước sang giai đoạn già hoá dân số. Theo ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM: “Mức sinh thấp đưa đến nhiều thách thức cho sự phát triển của thành phố. Đầu tiên, TP.HCM cần phải tìm kiếm một lực lượng dân số bù vào lượng dân số thiếu hụt để thực hiện tái sản xuất dân số, đảm bảo sự phát triển mọi mặt về đời sống kinh tế - xã hội. Tương lai TP.HCM sẽ đối diện về vấn đề giải quyết bài toán thiếu hụt dân số rất nghiêm trọng”.

Dân số già hoá dẫn đến bài toán chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020, trong số gần 13 triệu người cao tuổi đã có 12,1 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đa phần là người thuộc diện hưởng lương hưu, những người được nhận chính sách hỗ trợ của xã hội… Lúc này, các bệnh viện lại phải trú trọng hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ y tế cho các khoa Lão khoa. Tuy nhiên, các dịch vụ tư vấn và chăm sóc còn nhiều bất cập về nguồn kinh phí và nhân lực hạn chế, các hoạt động tổ chức chưa mang tính hệ thống.
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Chí Thương, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Giảng viên bộ môn phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Độ tuổi có thai tốt nhất đối với phụ nữ là 20-30 tuổi. Ở độ tuổi này, chất lượng noãn còn tốt và số lượng noãn chưa giảm nhiều. Sau 30 tuổi chất lượng và số lượng noãn bắt đầu giảm nên phụ nữ sẽ khó có thai hơn. Sau 35 tuổi thì càng khó đậu thai, tăng khả năng sảy thai và thai lưu.”
Bên cạnh đó, tỷ lệ biến chứng thai kỳ cũng xuất hiện cao hơn khi phụ nữ lớn tuổi mang thai. Vậy nên, để hạn chế được nguy cơ để lại các di chứng về sau, phụ nữ cần tìm hiểu và lập kế hoạch phù hợp với bản thân để có nhiều cơ hội thực hiện thiên chức của mình.