Khát vọng chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp
(DNTO) - Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia hưởng ứng với những mô hình hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ.
Câu chuyện về 5 chàng trai ở huyện Yên Châu (Sơn La) đã liên kết thành lập HTX Tuổi trẻ 26/3, phát triển các ý tưởng kinh doanh từ những sản phẩm nông sản đặc trưng ở địa phương.
Làm trà nhúng từ hoa đu đủ
Tôi được cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu và xã Sặp Vạt dẫn đi thực tế một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn. Thăm mô hình trồng cây đu đủ để lấy hoa chế biến thành trà lọc mới biết đây là mô hình của HTX Tuổi trẻ 26/3. Trên cánh đồng rộng hơn 1 ha tại xã Sặp Vạt được trồng những hàng đu đủ thẳng tắp, có lắp hệ thống tưới phun hiện đại. Dưới ánh nắng chói chang của vùng đất Yên Châu, thấp thoáng phía xa là hai chàng trai dáng người mảnh khảnh, cần mẫn đi kiểm tra từng hàng, từng gốc đu đủ để đánh giá mức độ sinh trưởng của cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Toàn, thành viên HTX Tuổi trẻ 26/3, chia sẻ: Hiện HTX đang sản xuất các sản phẩm từ hoa đu đủ, gồm: Hoa đu đủ sấy lạnh nguyên hoa; nghiền thành trà lọc gồm vị nguyên bản và vị mix (pha trộn). Trung bình mỗi tháng sản xuất 1-2 tấn hoa đu đủ khô và 2.000 hộp trà các loại để xuất bán ra thị trường. Để đảm bảo vùng nguyên liệu, chúng tôi đã thuê đất để trồng khoảng 8.000 cây đu đủ tại xã Sặp Vạt.
Chia sẻ ý tưởng làm trà từ hoa đu đủ, Toàn cho biết thêm: Hoa đu đủ đực có thể chế biến thành món ăn hoặc trà. Hoa đu đủ có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh: Tiểu đường, mỡ máu, huyết áp và phòng chống ung thư. Do vậy, hiện nay được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng. Giá hoa đu đủ tươi trên thị trường hiện tại dao động từ 10.000đ -30.000đ/kg tùy từng thời điểm. Hiện sản phẩm của HTX Tuổi trẻ 26/3 được quản lý, kiểm soát từ khâu thu hoạch, sấy và đóng gói. Do vậy, sản phẩm trà có tính đồng đều và đạt chất lượng cao nhất. Đặc biệt chúng tôi trồng quy mô lớn và khép kín lên giá thành phẩm rẻ hơn rất nhiều so với các loại đang bán trên thị trường. Yên Châu là vùng khí hậu nóng, có mùa đông ít, do đó thời gian thu hoạch hoa đu đủ cũng lâu và nhiều hơn so với trồng ở các nơi khác.
Nâng tầm sản phẩm tỏi Yên Châu
Về xưởng chế biến ở thị trấn Yên Châu, chúng tôi lại ấn tượng với những sản phẩm đang được các bạn trẻ ở HTX Tuổi trẻ 26/3 nghiên cứu thực hiện. Đáng chú ý là sản phẩm tỏi được nghiên cứu lên men và sấy khô. Anh Nguyễn Văn Tuấn, thành viên trong HTX, chia sẻ: Từ năm 2016, nhận thấy vùng đất Yên Châu trồng rất nhiều tỏi, tỏi Yên Châu rất thơm và ngon, nhưng chỉ bán nhỏ lẻ, nên giá trị sản phẩm chưa cao, do vậy đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu lên men để tạo sản phẩm tỏi đen. Đặc điểm nổi bật của việc lên men tỏi của HTX là: Nguyên liệu được chọn lọc kĩ, không có chất bảo quản, nhặt bỏ các củ hỏng; tỏi được lên men đủ ngày, theo quy trình chuẩn, an toàn và vệ sinh, ứng dụng công nghệ lên men của Nhật Bản.
Con đường khởi nghiệp có lẽ chẳng bao giờ “trải hoa hồng” bởi để có những sản phẩm được xuất bán ra thị trường như hiện nay, những chàng trai ở HTX Tuổi trẻ 26/3 cũng đã nhiều lần thất bại khi nghiên cứu, thử nghiệm và chế biến. Tuấn chia sẻ: Chúng tôi học hỏi, đi trực tiếp các xưởng tỏi đen lớn để tìm hiểu. Ban đầu khó khăn rất nhiều vì chưa có vốn, kỹ thuật chưa có, rất nhiều mẻ tỏi đã hỏng và phải bỏ đi; nhưng sau mỗi mẻ tỏi hỏng, chúng tôi lại rút ra được kinh nghiệm, dần dần đã lên men thành công, tạo ra sản phẩm tỏi đen đạt chuẩn, ngon dẻo ngọt và không còn vị hăng.
Thuận lợi là Yên Châu có diện tích trồng tỏi lớn nên nguyên liệu đầu vào rất nhiều và giá thành hợp lý, không tốn chi phí vận chuyển. Khởi đầu là 1 lò tỏi nhỏ với công suất chỉ được 50kg tỏi, hiện nay HTX đã có 20 lò với công suất 1 tấn/tháng.
Nhiều ý tưởng mới
Năm chàng trai có tuổi đời khác nhau và làm các công việc, ngành nghề khác nhau. Bạn Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1994, tốt nghiệp đại học, hiện đang làm kinh doanh; Nguyễn Văn Toàn, sinh năm 1990, Thạc sĩ Sinh học thực nghiệm, đang công tác Huyện đoàn Yên Châu; Hoàng Anh Văn, sinh năm 1983, Thạc sỹ Quản lý kinh tế, hiện đang công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện; Hoàng Văn Dũng, sinh năm 1985, trình độ đại học, công tác ở Ban Tổ chức huyện ủy; Trần Sỹ Hứng, sinh năm 1981, trình độ đại học, công tác ở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Với niềm đam mê, các chàng trai cùng chung nhiệt huyết, khát vọng khởi nghiệp trên con đường theo đuổi sản xuất bền vững, đã bắt tay hợp tác với ý niệm “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
HTX Tuổi trẻ 26/3 với mức đầu tư hiện tại hơn 800 triệu đồng từ góp vốn của 5 thành viên, gồm 300 triệu đồng đầu tư vào giống và vùng nguyên liệu; 500 triệu đồng đầu tư vào nhà xưởng và dây chuyền sản xuất, như: Máy sấy lạnh, máy xay, máy đóng túi trà, máy in date... Sau thành công từ nghiên cứu chế biến sản phẩm tỏi đen lên men (2016), đến năm 2021, các bạn trẻ đã làm thêm sản phẩm mới: Trà hoa đu đủ đực, trà đông trùng hạ thảo, đưa công nghệ trồng tỏi “cô đơn” đến bà con, bán giống tỏi “cô đơn” và bao thu mua đầu ra. Năm 2021, doanh thu của HTX đạt 5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 10-15%; giải quyết việc làm cho 10-15 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Tâm sự với chúng tôi, các bạn trẻ bày tỏ: Hiện HTX vẫn còn non trẻ, rất mong cơ quan có thẩm quyền, các ngành chức năng huyện Yên Châu tạo điều kiện giúp đỡ để HTX ngày càng phát triển hơn. Thời gian tới, HTX tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm bà con thực hiện canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cả người tiêu dùng. Dự kiến HTX sẽ tập trung sâu vào chế biến và bảo quản các sản phẩm của địa phương, như: Xoài sấy dẻo, vang chuối, vang xoài, vang mận...
Với khát vọng thành công trong lĩnh vực chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp, hy vọng những chàng trai ở HTX Tuổi trẻ 26/3 có chung chí hướng sẽ ngày càng khẳng định sức trẻ của mình, đưa các sản phẩm nông nghiệp của quê hương Yên Châu được “chắp cánh” vươn xa.