Hơn 2.000 trang thiết bị y tế được chuyển tới kho dã chiến TP.HCM
(DNTO) - Hơn 2.000 trang thiết bị gồm máy thở, máy lọc máu, máy tạo oxy; hơn 12 triệu khẩu trang các loại… đã được chuyển đến kho dã chiến phục vụ chống dịch Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ Y tế đã chuyển đến kho trang thiết bị này 399 máy thở các loại (trong đó có 299 máy thở chức năng cao, máy xâm nhập và không xâm nhập để điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch). Vingroup đã chuyển 800 máy thở do tập đoàn này sản xuất để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển, hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam từ nguồn một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ khi nhận được hàng để bảo đảm 2.000 máy thở các loại tăng cường cho thành phố và các tỉnh phía Nam.
Cùng đó, Bộ Y tế đã chuyển 3 hệ thống ECMO (2 cho TP.HCM và 1 cho Đồng Nai); 32 máy lọc máu liên tục; 113 máy theo dõi bệnh nhân, 290 máy tạo oxy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ này.
Ngoài số trang thiết bị trên, Bộ Y tế cũng đã chuyển 60 hệ thống thở oxy dòng cao đến kho dự trữ này.
Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ cấp tiếp 500 hệ thống do một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ; tổng cộng 560 hệ thống; 1,4 triệu test xét nghiệm nhanh đã được phân bổ cho TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Về vật tư y tế trong kho dã chiến sẵn sàng cho công tác chống dịch, đến nay có 125.000 khẩu trang N95; 14.500 bộ quần áo chống dịch các loại; 12 triệu khẩu trang y tế.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển một số vật tư, trang thiết bị điều trị cho các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở đề xuất, đề nghị của Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế.
Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bộ ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test từ các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính… đàm phán mua máy móc phục vụ điều trị và hồi sức cho bệnh nhân Covid-19.
“Dù vận động được viện trợ kit test, nhưng nhu cầu thực tế để chống dịch còn rất cao. Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test và máy móc, thiết bị y tế từ các nhà sản xuất nước ngoài, đồng thời tăng cường sản xuất trong nước. Các sinh phẩm xét nghiệm sẽ ngay lập tức được chuyển về các vùng có dịch một cách công khai minh bạch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Cùng đó, để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các bệnh viện triển khai mọi giải pháp không để thiếu oxy, khí y tế cho điều trị Covid-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế về việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng VPBank đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp TP.HCM và các tỉnh phía Nam 715 máy thở các loại.