Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Đức
(DNTO) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz, tối 13/11, Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Đức đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Chào đón các doanh nhân và đại diện các doanh nghiệp Đức tới Việt Nam để tìm hiểu, hợp tác đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - Đức đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với những tiến triển và dấu ấn nổi bật ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục...
Đức là một trong những nước châu Âu viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam (khoảng 2 tỷ USD từ 1990). Đức cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.
Về đầu tư, Đức hiện có 437 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng đầu tư đạt 2,34 tỷ USD, tăng 2,87 lần so với năm 2010 (đứng thứ 18/141 quốc gia, vùng lãnh thổ và thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU).
Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (52,1%) và năng lượng (27,8%).
9 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp đà khởi sắc với tăng trưởng 8,83%. Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, minh chứng là Hội nghị LHQ về Thương mại và phát triển đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Thủ tướng đánh giá, kết quả hợp tác kinh tế giữa hai bên đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã mở đường cho hàng hóa "made in Việt Nam" ngày càng trở nên thông dụng ở Đức và ngược lại.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng nhiều lần chủ động trao đổi với các doanh nghiệp Đức để tháo gỡ những bất cập phát sinh trong quá trình hợp tác.
Trong bối cảnh kinh tế một số nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm đà tăng trưởng, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Đức chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam - điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn với nền tảng chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh, nhân lực dồi dào, môi trường kinh doanh thuận lợi...
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác kinh tế của hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa hợp tác. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị hai bên cùng phối hợp chặt chẽ để để tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định, làm cơ sở để đảm bảo thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó Đức là đối tác hàng đầu.
Dẫn chứng việc Đức xác định Việt Nam là đối tác toàn cầu trong chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030, Thủ tướng mong muốn Đức hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách để tiếp cận, huy động các nguồn tài chính xanh, xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần hài hòa về lợi ích, chia sẻ khó khăn, rủi ro. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, quan hệ giữa Việt Nam và Đức chính là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp tin tưởng hợp tác với nhau. Ông cũng cho biết, đối với nhiều công ty của Đức và châu Âu, Việt Nam là điểm đến rất quan trọng do nằm trong mạng lưới giao thương, cung ứng nguyên liệu dồi dào của châu Á, với sức đề kháng ấn tượng của nền kinh tế trong thời gian dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để hai nước cùng thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa trong nửa cuối thế kỷ này, theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, doanh nghiệp hai nước cần phối hợp chặt chẽ trong đào tạo nghề. Hiện các chương trình dạy nghề đang triển khai ở Việt Nam theo mô hình của Đức, đồng thời nhận được sự giúp đỡ của doanh nghiệp Đức.
Thủ tướng Đức cũng cho biết, trong đoàn đại biểu thăm chính thức Việt Nam lần này có nhiều doanh nghiệp Đức muốn tìm đối tác hợp tác về kinh tế, hạ tầng cơ sở, năng lượng... Ông tin tưởng từ hội nghị bàn tròn này, doanh nghiệp hai nước sẽ tìm được cơ hội đầu tư, kinh doanh.