Hoạt động từ thiện: Không chỉ cần có tấm lòng
(DNTO) - Để giải tỏa nghi vấn trong dư luận về số tiền cứu trợ đồng bào bị bão lụt, nghệ sĩ Hoài Linh đã có lời giải thích. Theo nhiều người, lời trần tình này của ông không mấy thỏa đáng. Tuy nhiên, vụ việc cũng để lại cho chúng ta bài học thực tiễn cần suy ngẫm trong hoạt động từ thiện.
Tương thân tương ái: Nét đẹp của văn hóa Việt
Có thể khẳng định là người Việt Nam, không ai không thuộc câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, hay “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”…, nói lên tinh thần tương thân tương ái đã trở thành giá trị cao quý trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta từ rất lâu đời.
Vì thế, hoạt động từ thiện xưa nay trong dân gian đã trở thành thói quen, là thái độ ứng xử, là phẩm chất văn hóa của người Việt. Trong đời sống thường nhật, tinh thần tương thân tương ái của dân ta thể hiện qua câu “Hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”, qua nhiều việc làm “nhường cơm sẻ áo”, qua các hoạt động quyên góp, ủng hộ người nghèo, người khuyết tật, trẻ em nghèo hiếu học…
Cụ thể hóa cho các hoạt động này trong xã hội hiện nay không thể nào kể xiết, từ các công trình lớn, bền bỉ, hiệu quả như: “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi Trẻ, “Quán cơm nụ cười”, khởi động từ nhà báo Nam Đồng, quỹ “Chung một tấm lòng” của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh - HTV…, cho đến những việc làm hết sức nhỏ bé đời thường của nhiều người dân nhưng sức lan tỏa không kém.
Mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh, giá trị này càng được khẳng định một cách rõ ràng nhất. Đó là sự bày tỏ, là lòng trắc ẩn, tình cảm, trách nhiệm; là mong muốn bằng những hành động thiết thực thiên về vật chất để được cùng chia sẻ hoạn nạn khó khăn với đồng bào mình.
Hơn lúc nào hết, khi cơn đại dịch Covid-19 xảy ra khiến cho mọi người trên khắp thế giới lao đao, khốn khổ, thì ở nước ta, tinh thần tương thân tương ái đang trở thành một làn sóng mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân vững vàng vượt qua đại dịch.
Những cây ATM gạo, những hình thức phát quà từ thiện đã xuất hiện khắp nơi trên cả nước, nhằm giúp đỡ những người lâm vào khó khăn khi dịch bệnh còn kéo dài. Mới đây nhất là các chương trình quyên góp cùng chính phủ mua vaccine phòng Covid-19 được phát động và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa ủng hộ, hỗ trợ Bộ Y tế mua 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Đây thật sự là những tín hiệu đáng mừng.
Hoạt động từ thiện: Cần kịp thời, đúng thời điểm
Trở lại cuộc vận động quyên góp cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão lụt năm vừa qua. Từ lâu, khi xảy ra thiên tai, khúc ruột miền Trung luôn nhận được sự giúp đỡ của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, chưa bao giờ tinh thần ấy lại sôi nổi và hình thức quyên góp lại phong phú mới mẻ như vừa qua.
Dễ nhận thấy nhất là việc các cá nhân huy động nguồn lực trong dân bằng tầm ảnh hưởng và uy tín của họ. Sức ảnh hưởng càng lớn thì sự thu hút các nguồn lực của họ càng dễ dàng, càng được nhiều người giúp đỡ, càng huy động được nhiều tiền. Nổi bật là các nghệ sĩ danh tiếng như ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Mỹ Tâm, vợ chồng Lý Hải - Minh Hà, vợ chồng Lương Thế Thành - Thúy Diễm, ca sĩ Hòa Minzy, nghệ sĩ Trấn Thành, MC Đại Nghĩa, nghệ sĩ Hoài Linh…
Tuy nhiên, thật khó khăn để vừa hỗ trợ đúng người - đúng nhu cầu - đúng thời điểm, vừa làm hài lòng những mạnh thường quân đã tin tưởng ủy thác. Vì thế, bên cạnh những chia sẻ, ủng hộ, không tránh khỏi nhiều ý kiến phiền hà, băn khoăn nghi ngờ về nguồn giám sát, tính minh bạch của việc giải ngân… Điều này tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều, nhiều ý kiến tập trung vào mặt trái của câu chuyện làm sôi sục cộng đồng mạng không thua gì sự dữ dội của cơn bão lũ đã tàn phá làng mạc, ảnh hưởng cuộc sống bao con người. Nó làm cho người trong cuộc có lúc chạnh lòng và nhụt chí.
Sự việc trôi qua nhiều tháng sau cơn bão, thì mới đây, nghệ sĩ Hoài Linh bị cho rằng vẫn chưa trao số tiền huy động cứu trợ tới tay đồng bào. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, bức xúc, thậm chí phẫn nộ.
Tối qua, 24/5, nghệ sĩ Hoài Linh đã lên tiếng trần tình về nguyên nhân sự việc. Xem ra, những lời trần tình ấy không thuyết phục được mọi người. Mấu chốt câu chuyện nằm ở tính kịp thời và cấp bách là ý nghĩa quan trọng của việc cứu trợ thiên tai. Việc ông giữ tiền quá lâu, cho dù số tiền đó ông không sử dụng, vẫn còn nằm trong tài khoản riêng dành cho mục đích thiện nguyện mà ông đã thiết lập, thì cũng là một sai sót không thể biện minh.
Có thể có một nguyên nhân sâu xa nào khác mà chỉ bản thân nghệ sĩ Hoài Linh mới biết được tận tường, nhưng thật sự, việc làm của ông khiến người mộ điệu Hoài Linh gần ba mươi năm nay hoàn toàn thất vọng.
Tuy nhiên nhìn chung, đây là sai sót của một cá nhân, không vì thế mà chúng ta mất niềm tin với cuộc sống, với các cá nhân làm thiện nguyện chân chính. Chúng ta càng không thể làm mất đi một giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc mình.
Có lẽ sau sự cố này, chúng ta cần có những quy định chặt chẽ về vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền huy động làm từ thiện, cần sự phối hợp gắn kết hơn nữa giữa cá nhân và các tổ chức đoàn thể, chính quyền để cùng nhau hỗ trợ, giám sát, tiến đến hiệu quả hơn trong hoạt động từ thiện, cứu trợ thiên tai.
Làm từ thiện không chỉ cần có tấm lòng mà còn phải trang bị kỹ càng kiến thức về pháp luật, kỹ năng điều hành và nhất là cách ứng xử văn hóa.