Hành trình về quê ăn tết, niềm vui và nỗi 'ám ảnh'
(DNTO) - Về quê ăn tết không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm của những người con tha hương. Tuy nhiên, hành trình về quê của họ ngày càng trở thành nỗi “ám ảnh” bởi chuyện tàu xe.
Về quê, một khái niệm mang nặng ý nghĩa, giá trị tình cảm. Về quê để cùng đón tết cổ truyền với gia đình càng có ý nghĩa gấp bội phần. Bởi vì sự sum họp vốn đã trở thành nét đặc trưng mang ý nghĩa thiêng liêng của ngày tết. Về quê ăn tết không chỉ là niềm vui của những người con xa nhà mà còn là niềm an ủi vô biên, niềm hãnh diện của bố mẹ với dòng họ, bà con lối xóm.
Trong bối cảnh mà phần lớn người dân nhất là các bạn trẻ trong phạm vi cả nước chọn TP.HCM là nơi học tập, làm việc, thậm chí lập nghiệp, an cư thì mỗi năm tết đến, số lượng người dân về quê ăn tết ngày càng đông đảo.
Để có được một cái tết sum vầy, chuyện tàu xe càng ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Từ việc chen lấn, xô đẩy nhau đến việc lên mạng Internet hoặc cạy cục nhờ người thân “săn” dùm tấm vé tàu xe mà có khi chỉ được vé ghế phụ, thậm chí vé đứng hoặc vé ngồi trong khoang hành lý với giá cao ngất ngưởng từ chợ đen. Điều này khiến nhiều hành khách phải chen chúc lẫn nhau trong một không gian chật chội, bít bùng.
Tấm vé cho ngày đoàn tụ vì thế trở thành nỗi ngao ngán cho nhiều người xa quê nhất là những người có thu nhập thấp.
Có được một chỗ ngồi trên xe, họ lại phải tiếp tục đối mặt với cảnh kẹt xe… Mới đây, trên nhiều tuyến cao tốc như TP. HCM - Long Thành – Dầu Giây; Phan Thiết – Vĩnh Hảo; Cam Lâm – Nha Trang, Quốc lộ 1 khu vực qua Khánh Hòa… tình trạng kẹt xe kéo dài diễn ra khiến hành khách chật vật, lao đao. Nhiều đoạn, xe không nhúc nhích. Có đoạn, xe bị kẹt gần một tiếng đồng hồ như ở khu vực cuối cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo và đường dẫn ra Quốc lộ 1 vào sáng ngày 3-2.
Người dân đi bằng phương tiện xe máy cũng vất vả không kém trong tình trạng nón áo, khẩu trang… bịt kín, chở lỉnh kỉnh đồ đạc, quà cáp chen chúc nhau dưới trời nắng nóng.
Ngoài ra, tình trạng xe “dù xe bến cóc”, “phóng nhanh vượt ẩu” gây ra tai nạn giao thông cũng là nỗi ám ảnh không nhỏ cho hành khách trong những chuyến xe về quê ăn tết.
Đặc biệt năm nay cộng thêm ảnh hưởng thời tiết xấu khiến trong vòng ba ngày đã có gần 700 chuyến bay bị đổi lịch khai thác hoặc khởi hành chậm, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay khai thác của các hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tình cảnh mệt mỏi, chờ đợi vật vả cùng tâm lý nôn nóng về quê khiến rất nhiều hành khách cảm thấy bất bình. Nhiều người cho biết phải chờ từ 3-6 tiếng đồng hồ khi máy bay về muộn hoặc chậm chuyến.
Theo đó, mới đây, cộng đồng mạng đã không khỏi xôn xao trước đoạn clip quay lại hình ảnh một cậu bé bất lực ngồi gục khóc ở một góc sân vì chuyến bay bị delay, trong khi đây là chuyến bay trở về để gặp mặt bố lần cuối cùng.
Không chỉ mang nỗi sợ hãi đối mặt với việc mua vé xe, kẹt xe, hoãn chuyến, ăn vật ngủ vạ, mà còn có nỗi lo giá vé tăng cao vượt quá khả năng của nhiều người, nhất là công nhân và người lao động ở đô thị, khi với giá vé lên đến vài triệu đồng cho phương tiện hàng không.
Để hỗ trợ hành trình về quê ăn tết của người dân, nhiều năm qua, các bộ ngành có liên quan và ở từng địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh, ứng phó. Tuy nhiên, không mấy có hiệu quả do khó lường được tình huống chủ quan và khách quan cho từng năm.
Ngoài chuyện tàu xe, chi phí sắm sanh quà tết… cũng là một gánh nặng đổi lấy cái tết sum họp ở quê nhà. Quyết định có về quê ăn tết hay không ngày càng trở thành nỗi trăn trở rất lớn mỗi năm với những người con xa quê.
Không thể chối bỏ ý nghĩa sum vầy của ngày tết cổ truyền trong văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng trước tình hình thực tế cuộc sống, để bớt đi gánh nặng cho những người con vì hoàn cảnh phải tha hương tìm kế mưu sinh, chúng ta nên bớt đi tâm lý ràng buộc lễ nghi.
Tùy hoàn cảnh, có thể chúng ta quy ước việc sum họp của từng gia đình diễn ra rải rác trong năm thay vì tất cả dồn vào ngày tết. Thời điểm đó có thể rơi vào một ngày giỗ nào đó trong năm, ngày sinh nhựt hay mừng thọ bố mẹ, thời điểm sau thu hoạch vụ mùa v.v… Để thực hiện chúng ta có thể dùng kỳ nghĩ phép năm, kỳ nghỉ hè hoặc những mùa buôn bán ít hiệu quả như mùa mưa dầm, mùa năng nóng… chẳng hạn.
Thay đổi một tập tục, một thói quen nhất là một phong tục nặng về tình cảm có từ lâu đời không phải là chuyện một sớm một chiều, và không hề đơn giản. Nhưng trong xu thế phát triển của xã hội, trước thực tế cuộc sống, chúng ta cần điều chỉnh sao cho vẫn giữ được sự kết nối gia đình mà không làm tổn thương người ở lại đồng thời bớt đi áp lực cho người đi xa.