Hai mươi mốt năm Đường hoa Nguyễn Huệ

(DNTO) - Nói đến các hoạt động văn hóa chào đón Xuân về của người dân Sài Gòn- TP.HCM - không thể không kể đến Đường hoa Nguyễn Huệ - được xem như biểu tượng văn hóa truyền thống của TP.HCM. Dạo Đường hoa Nguyễn Huệ ngày nay đã trở thành một thói quen ngày càng thu hút người dân và du khách trong dịp Tết cổ truyền.
Từ chợ hoa Xuân đến Đường hoa Nguyễn Huệ
Gọi là Đường hoa Nguyễn Huệ đơn giản vì nó nằm trên Đại lộ Nguyễn Huệ. Đại lộ Nguyễn Huệ xưa có tên là Đại lộ Charner, được hình thành do việc lắp kênh đào Charner. Đại lộ Charner nối liền một đầu là Dinh Đốc Lý (Ủy ban Nhân dân Thành phố hiện tại) và đầu kia là bờ sông Sài Gòn (Bạch Đằng hiện tại).
Không chắc chắn là năm nào, cứ mỗi độ Tết đến, hoa từ khắp nơi trên những con thuyền lại nhộn nhịp tập kết về Đại lộ Charner. Khung cảnh mua bán hoa Tết diễn ra tấp nập, lâu dần hình thành nơi đây khu chợ hoa. Năm 1956, Đại lộ Charner được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ. Từ năm 1960 trở đi, chợ hoa Nguyễn Huệ chính thức là nơi tập trung mua bán hoa tết, cây cảnh vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Từ đó, đi chợ hoa là một hoạt động không thể thiếu trong chuỗi các sự kiện ăn Tết của người Sài Gòn.

Cho đến trước khi chợ hoa được trang trọng đổi tên thành Đường hoa Nguyễn Huệ, nó cũng đã trải qua “thăng trầm thế sự”: Đó là việc chợ hoa Nguyễn Huệ được quy hoạch sang công viên 23/9 trong một thời gian tương đối dài.
Việc di dời này nằm ngoài sự mong đợi của người dân thành phố. Có thể do đã quen “nếp cũ” nên người ta tiếc cái dấu ấn truyền thống bao đời ở chợ hoa Nguyễn Huệ, người ta không thể cảm nhận nét đẹp văn hóa mà chợ hoa công viên 23/9 mang lại. Mọi người vẫn ấp ủ nguyện vọng gây dựng lại Chợ hoa Nguyễn Huệ, các phương tiện truyền thông cũng đồng cảm với người dân và lên tiếng.
Nhiều bình luận và tranh cãi trái chiều được nêu ra. Sau nhiều cuộc họp, chợ hoa Nguyễn Huệ được trả về vị trí cũ, hơn nữa, được “nâng cấp” lên một “tầm cao mới”. Đó là sự xuất hiện lần đầu tiên Đường hoa Nguyễn Huệ vào Tết Nguyên đán Giáp Thân 2004. Sự kiện này lập tức được người dân hoan nghênh và đón nhận nồng nhiệt như chào đón một làn gió mới mang lại “sắc xuân” cho thành phố.
Không kể vào Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, do đường Nguyễn Huệ đang trong giai đoạn thi công thành quảng trường đi bộ nên Đường hoa Nguyễn Huệ năm đó được tổ chức trên đường Hàm Nghi với tên gọi “Đường hoa Tết Ất Mùi 2015” thì Đường hoa Nguyễn Huệ trong suốt 21 năm hình thành và phát triển xứng đáng là một hoạt động văn hóa độc đáo mang hương vị Tết của TP.HCM.

Tất cả các khung cảnh sự vật ở đường hoa đều là khung cảnh sự vật được tái hiện theo từng chủ đề của từng năm, con đường hoa cũng là con được bày biện theo một nghệ thuật sắp đặt. Sự công phu đó đã đem lại cho du khách cảm giác thích thú bởi sự mới lạ mà thân quen, gần gũi và ấm áp. Nó gợi nhớ quê nhà trong lòng kẻ xa quê, nó tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc Xuân giữa lòng thành phố.
Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025
Theo kế hoạch, Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ năm 2025 sẽ nằm trên tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, đoạn từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ đến giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng (Quận 1). Đơn vị tổ chức thi công là Saigontourst Group, bắt đầu thi công từ ngày 9/1 và được Hội đồng nghệ thuật thành phố nghiệm thu từ 16g ngày 25/1/2025.
Lễ Khai mạc Đường hoa bắt đầu vào lúc 19g ngày 27/1/2025 (tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn). Mở cửa phục vụ du khách vui Xuân trong 7 ngày, và sẽ chính thức đóng cửa lúc 21g ngày 2/2/2025 tức (Mồng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Năm nay Đường hoa còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao các nước, và sự đồng hành của các doanh nghiệp với nhiều hoạt động phong phú.
Thể hiện linh vật của năm là cặp đôi rắn duyên dáng Kim Tỵ, Ngân Tỵ đặt tại vị trí cổng chào đường hoa. Ngân Tỵ dài 25m, Kim Tỵ dài 42m, toàn thân uốn lượn 3 vòng đan xen lẫn nhau tạo thành đế rộng hơn 11m. Bên cạnh sự các linh vật rắn, là sự xuất hiện của nhiều đại cảnh, tiểu cảnh độc đáo gắn với biểu tượng văn hóa.
Tại Đường hoa Nguyễn Huệ còn có sự xuất hiện của 2 chú robot được lắp đặt hệ thống điện tử, lập trình để đầu và cánh tay có thể cử động, phát ra âm thanh trò chuyện với du khách.
Với chủ đề "Non sông gấm hoa, vui Xuân thái hòa”, đường hoa Tết Ất Tỵ 2025 được chia thành 3 phân đoạn: Kết đoàn, Chuyển mình và Phát triển, khắc họa hành trình chuyển mình phát triển, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo UBND TPHCM, điểm nhấn của Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay vẫn là các hoạt động mang đặc trưng văn hóa ngày Tết nhằm đáp ứng một điểm đến vui xuân lý tưởng cho người dân thành phố.
Mỗi năm, Đường hoa Nguyễn Huệ lại mang đến những điều thú vị khác nhau. Các linh vật được thiết kế rất độc đáo và sáng tạo, tạo nên nét riêng” độc quyền” của TP.HCM.
Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ năm 2025 năm nay hứa hẹn sẽ là nơi du xuân đầy hấp dẫn cho thị dân thành phố và du khách khắp nơi.