Dòng chảy bền bỉ của đam mê
(DNTO) - Thorakao đã chuẩn bị bước vào tuổi 65 và hiện tại, ông chủ cũng ngót nghét 70 tuổi. Ông vẫn ấp ủ nhiều kế hoạch từ việc mở rộng vùng trồng nguyên liệu, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, các công trình nghiên cứu khoa học… Tinh thần ấy, tựa như những dòng chảy trong vắt của đam mê vẫn miệt mài xuôi về biển lớn.
Ủ lửa đam mê
Tôi gặp Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoá Mỹ phẩm Thorakao, đồng thời là Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Bến Tre tại một chương trình khởi nghiệp dành cho sinh viên. Ông tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, tranh thủ từng phút để được nói chuyện, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh rằng khởi nghiệp là chuyện trọng đại của đời người, bất kể giàu hay nghèo. Hành trình đó trải qua năm nấc thang quan trọng: Khởi nghiệp - Sáng tạo - Đổi mới – Phát triển và Bền vững, mà trong đó Sáng tạo và Đổi mới là mấu chốt. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chữ “Đức” và sự tử tế trong khởi nghiệp.
Những năm qua, ông dành nhiều thời gian cho thế hệ trẻ, vì theo ông, đó là trách nhiệm của thế hệ đi trước - những người nhiều kiến thức và kinh nghiệm. “Tôi đã đến lúc phải nghỉ ngơi, nhưng vì học sinh, sinh viên và đất nước, mình phải trao lại tâm huyết và kiến thức cho họ”, ông chia sẻ.
Nhìn lại Thorakao, chặng đường Sáng tạo và Đổi mới đã rất dài. Giờ đây, Bền vững không còn là đích đến mà đã trở thành bến đỗ của thương hiệu này.Toà nhà ngay ngã tư Điện Biên Phủ và Cách mạng Tháng Tám, TP.HCM, với hai mặt tiền bề thế cùng dòng chữ Thorakao, đã hiện diện nhiều thập kỷ như một minh chứng cho chặng đường dài của thương hiệu.
Khoảng sân rộng có cây khế trĩu quả tỏa bóng mát, cạnh đó là cửa hàng nhỏ khoảng 10 m² trưng bày và bán sản phẩm. Khách hàng phần lớn là các cô chú lớn tuổi, họ tấp xe vào mái hiên nhỏ, miệng đọc vanh vách từng sản phẩm cần mua vì đã quá quen thuộc.Trải qua bao thăng trầm, Thorakao vẫn có nhiều khách hàng trung thành, yêu thương thương hiệu.
Bao năm qua, doanh nghiệp luôn giữ phương châm không đổ tiền nhiều vào quảng cáo, sản phẩm vẫn giữ kiểu dáng chai lọ cũ, đôi khi mộc mạc đến đơn điệu. Nhiều người nói đó là phong cách của Thorakao, không ít lại cho rằng Thorakao “kiêu”. Nhưng ít ai chú ý rằng giá bán của Thorakao rất ổn định suốt nhiều năm qua.“Thorakao chấp nhận định vị sản phẩm cấp thấp nhưng chất lượng cao, để phục vụ người lao động”, ông Trân cho biết.
Đưa công trình ra thế giới
Nói về số lượng các công trình nghiên cứu thảo dược của mình, ông Trân cho biết không nhớ rõ vì quá nhiều, nhưng đáng tiếc không ít trong số đó đang “đắp chiếu” chờ ngày sản xuất.
Thorakao đã phải mang nhiều công trình nghiên cứu sang Mỹ để xin bằng sáng chế độc quyền, nhằm mở đường cho sản xuất đại trà phục vụ người tiêu dùng. “Chi phí xin cấp phép tại Mỹ nhanh chóng và rẻ hơn rất nhiều. Máy móc làm nhanh, thủ tục đơn giản. Những cây cỏ này đã được người dân dùng hàng ngàn năm nay rồi”, ông chia sẻ.
Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USP) đã cấp bằng sáng chế độc quyền cho Giải pháp chiết xuất chiết phẩm từ lá trầu không để trung hoà virus gây ra các bệnh như: bệnh đau mắt đỏ, bệnh tay chân miệng… Công trình nghiên cứu các chất trong lá trầu không giúp ngăn cản sự phát triển và trung hòa được virus SARS-CoV-2… Đó là niềm tự hào vô cùng to lớn của ông.
Thông thường, các công trình nghiên cứu về thuốc phải mất trên 10 năm mới được cấp phép sản xuất đưa ra thị trường. Mỗi công trình cũng mất khoảng 5-10 năm tìm tòi nghiên cứu, tiêu tốn hàng tỷ đồng của doanh nghiệp. Như vậy, Thorakao khó ra sản phẩm mới. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ông Trân từng vô cùng trăn trở bởi nếu không vướng các quy định trên, Thorakao đã có thể giúp được nhiều người hơn.
Nhìn lại quá khứ, từ năm 1961, Thorakao đã được cấp bằng sáng chế trong nước số 1779. Thương hiệu Thorakao cũng nhận được chứng nhận kỷ lục Việt Nam về công ty ứng dụng đầu tiên và lâu đời nhất khi dùng thực vật bản địa để làm ra mỹ phẩm. Trải qua nhiều thăng trầm, thương hiệu vẫn bền bỉ mỗi ngày theo thời gian bằng cách riêng của họ.
Nói về thế hệ kế thừa, ông Huỳnh Kỳ Trân cho biết thế hệ thứ ba của Thorakao có nhiều người tài giỏi đang làm việc tại đây. Các con ông đều có ước mơ riêng, ông không ép các con và luôn có sự chuẩn bị cho thế hệ kế thừa.
Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên toàn cầu, khi các startup vượt qua biên giới với tốc độ ánh sáng và nói nhiều về trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn… nhưng lại khó đoán định về sự phát triển bền vững. Câu chuyện của Thorakao có lẽ còn được nhắc nhiều bởi ngọn lửa đam mê của họ vẫn đang được truyền lại cho các thế hệ sau, mỗi ngày, như dòng sông không ngừng chảy, mải miết xuôi về biển lớn.