Đèn trung thu truyền thống ‘đổ bộ’ lên nền tảng xã hội Facebook, Zalo... để bán hàng
(DNTO) - Trước sự ra đời ngày càng mạnh mẽ của những loại lồng đèn điện tử hiện đại, những loại đèn trung thu truyền thống cũng đang tìm đường đi để giữ khách hàng. Gần đây, nhiều cơ sở sản xuất đèn truyền thống đã chọn kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm.
Làng nghề dần vắng lặng trước công nghệ
Tại làng nghề chuyên làm lồng đèn Phú Bình (Quận 11, TP.HCM), những năm trở lại đây đang dần mất đi sự sôi động vốn có của một làng nghề trăm tuổi. Bởi do sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, những loại đèn điện tử đa dạng màu sắc, mẫu mã, chất liệu đã dần chiếm thị hiếu của người tiêu dùng vào những dịp Tết Trung thu.
So với trước đây, có vài chục hộ chuyên làm những loại đèn truyền thống thì hiện tại, chỉ còn chưa đến 20 hộ, trong đó, có những hộ chỉ kinh doanh và không thực hiện gia công.
Chị Nguyễn Kim Thu - chủ cơ sở lồng đèn cho biết: "Tôi làm lồng đèn này hơn 20 năm nay, đến giờ vẫn gắn bó và yêu nghề. Cứ mỗi dịp Trung thu là tôi lại háo hức bắt tay vào làm. Nhưng mấy đứa con nhà tôi lại không muốn theo nghề vì sợ cực. Ở đây giờ đã bỏ nghề nhiều”.
Theo nhiều chủ cơ sở cho biết, nguồn thu nhập không còn như trước đây do sự tiến bộ của công nghệ, nhiều loại lồng đèn truyền thống ngày càng ít thị trường tiêu thụ, nhiều loại đèn trung thu hiện đại đã dần thay thế loại truyền thống. Nguồn thu giảm khoảng 30 triệu đồng so với trước đây, do lượng hàng giảm đi nhiều.
Đáng nói, tại làng nghề này đa phần những hộ sản xuất chỉ thực hiện thủ công trong những công đoạn từ lắp ráp đến tạo hình, khắc hoa văn in ấn. Ngày nay, máy móc cũng chỉ được áp dụng trong công đoạn chuốt nan tre.
Cũng theo nhiều chủ cơ sở, do chưa cập nhật được công nghệ máy móc hiện đại, một phần cũng giá cả máy móc đắt đỏ mà lợi nhuận từ các sản phẩm thấp nên chưa thể mạnh dạn trang bị những thiết bị mới.
Chị Thu cho biết: “Nếu nguồn hàng có đầu ra nhiều, máy móc rẻ thì cũng mạnh dạn mua máy hiện đại về làm cho đỡ phần gia công tại nhà, vừa tốn thời gian vừa tốn sức và số lượng người. Bây giờ, chỉ có thuê chỗ khác làm phần chuốt nan tre; cắt, dán thì mình lành nghề làm nhanh được”.
Theo đó, lồng đèn điện tử chiếm được ưu thế do độ bền, lưu giữ được lâu, đa dạng hình dáng, có thể cập nhật mẫu mã theo xu hướng ưu thích của trẻ em như nhân vật hoạt hình, truyện tranh… Còn đối với những loại đèn truyền thống chỉ có ít mẫu như ngôi sao, cá chép, rồng, bướm... và chỉ vẽ hoa văn thủ công, màu sắc cũng chưa đa dạng.
Chưa hiện đại nhưng nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo nhiều cơ sở cho biết, tuy số lượng cơ sở đã giảm nhưng nguồn đầu ra gần như được đảm bảo hoàn toàn. Được biết, công đoạn sản xuất được bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, đến tháng 5 Âm lịch sẽ có khách hàng là các mối ở các tỉnh và tại TP.HCM đến đặt hàng. Hàng hóa chỉ làm theo số lượng khách đặt và một phần nhỏ sẽ dành bán lẻ tại thị trường thành phố.
Với giá thành từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng cho mỗi loại, mặc dù, năm nay nguồn nhập nguyên liệu tăng nhưng mặt bằng giá cũng ở mức ổn định khi bỏ sỉ và bán lẻ. Trên thị trường những loại lồng đèn trung thu điện tử đang có giá từ 20.000 - 200.000 đồng, tùy theo loại, vì thế các đại lý vẫn chọn bán xen kẽ các hai loại lồng đèn để khách hàng lựa chọn.
Chị Ánh Loan - chủ cơ sở Ánh Loan cho biết: “Nhiều cơ sở, đại lý đặt hàng nhưng nhà tôi đã hết hàng, nhiều nơi tăng thêm 2.000- 3.000 đồng/sản phẩm nhưng cũng đành chịu vì không kịp sản xuất kịp”.
Đáng khích lệ hơn, những cơ sở nếu rơi vào tình trạng “ế” hàng thì chính quyền địa phương sẽ là cầu nối thu mua để tạo đầu ra cho sản phẩm. Điển hình, trong đợt dịch Covid-19 đỉnh điểm năm ngoái, tuy đang trong thời điểm giãn cách xã hội, thế nhưng lượng lồng đèn cũng được tiêu thụ hết do được lực lượng Quân đội mua hỗ trợ.
Năm nay, lượng hàng được mở bán sớm và đang trong tình trạng hết hàng, nhiều mẫu đã không còn sản phẩm và đang được gia tăng sản xuất thêm cho khách hàng. Bên cạnh đó, có vài loại lồng đèn hầu như đứt hàng do không đủ nhân lực gia công.
Mặc dù chưa áp dụng các loại thiết bị hiện đại vào sản xuất, nhưng một số cơ sở đã cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhiều nơi đã chủ động gia công các loại lồng đèn có tính năng điện tử, như đặt hàng in ấn mẫu mã trên nhựa và nhập những tay cầm gắn pin nguồn cho bóng đèn, vì thế cũng phần nào đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Chị Loan cũng cho biết: “Do tay cầm đèn do Trung Quốc sản xuất nên mình phải nhập, còn các bộ phận còn lại mình làm được. Hiện tại, còn nhiều người không còn ưa chuộng đồ nhập nữa vì giá thành mắc hơn đèn truyền thống rất nhiều”.
Để tìm thêm đầu ra, nhiều cơ sở đã bắt đầu lựa chọn hình thức kinh doanh thông qua các nền tảng mạng xã hội và đang cho thấy tín hiệu tích cực do đã có nhiều đơn hàng được đặt thông qua các kênh như Facebook, Zalo… Được biết thêm, sản phẩm được bán thông qua mạng xã hội sẽ lời thêm được 1.000 đồng/sản phẩm sau khi trừ tất cả các chi phí.
Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều khách hàng đặt lồng đèn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vì tại đây có nhiều người Việt sinh sống, tập quán đón Tết Trung thu sẵn có nên một phần tạo đầu ra cho sản phẩm của làng nghề. Hiện tại, những hộ còn sản xuất sẽ tạo ra một mẫu riêng biệt nên cũng tránh được vấn đề trùng hàng và kết hợp nhau để mỗi hộ đều có được đầu ra như nhau.
Làng nghề lồng đèn trung thu Phú Bình đang có nhiều tín hiệu lạc quan hơn trước thời đại công nổi trội, để giữ nghề nhiều người vẫn lựa chọn “lấy công làm lời”, chỉ cần đầu ra ổn định là sức sống vẫn còn mạnh mẽ với làng nghề này.