Đêm nhạc Mozart và Rachmaninov tại Nhà hát TP.HCM
(DNTO) - Chương trình diễn ra vào lúc 20g ngày 9/6 tại Nhà hát TP.HCM với sự tham gia của nghệ sĩ Lê Trang Linh. Nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ dàn dựng và chỉ huy đêm nhạc cùng các nghệ sĩ của Nhà hát giao hưởng vũ kịch HBSO.
Một trong những nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm được ngưỡng mộ nhất trong thế hệ của ông, nhà soạn nhạc người Nga Sergei Rachmaninov, được sinh ra cách đây 150 năm. Để kỷ niệm ngày sinh của ông, HBSO sẽ giới thiệu một đêm âm nhạc của Rachmaninov cùng với một số tác phẩm đặc biệt của Wolfgang Amadeus Mozart.
Sinh năm 1873 trong một gia đình âm nhạc, Rachmaninov đã thể hiện khả năng chơi piano điêu luyện từ khi còn nhỏ, qua quá trình trau dồi tại Nhạc viện Moscow. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở Nga, ban đầu chỉ đạt được những thành công khiêm tốn và sự hoạt động bị gián đoạn bởi chứng trầm cảm. Sự nổi tiếng của ông với tư cách là một nhạc trưởng và nghệ sĩ độc tấu tăng lên vào đầu thế kỷ 20. Giữa những bất ổn chính trị, ông rời Nga và cuối cùng di cư đến Hoa Kỳ, nơi ông dành phần lớn thời gian và năng lượng sáng tạo của mình để biểu diễn.
Sau nhiều thập kỷ lưu diễn rộng khắp ở Mỹ và châu Âu, ông đã hoàn thành Symphonic Dances, Op. 45 vào năm 1940. Đây là tác phẩm lớn cuối cùng của ông, đại diện cho phong cách giai đoạn cuối trong sự nghiệp sáng tác của Rachmaninov với sự thay đổi, hòa âm đặc biệt tươi tắn và nhiều ưu tiên cho các nhạc cụ solo, thậm chí ông đưa cả kèn saxophone alto vào làm nhạc cụ độc tấu.
Symphonic Dances, Op. 45 sử dụng một số thành tố âm nhạc từ các tác phẩm khác của Rachmaninoff trước đó, cho phép nó khái quát toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông và đó là một cách tuyệt vời để kỷ niệm sinh nhật của ông sau một thế kỷ rưỡi. Sự kết hợp thú vị cho đêm nhạc với những tác phẩm đặc biệt của Wolfgang Amadeus Mozart.
Sinh năm 1756, trong cuộc đời ngắn ngủi đầy bi kịch của mình, nhà soạn nhạc thiên tài này đã sáng tác hơn 800 tác phẩm bao gồm gần như mọi thể loại âm nhạc tồn tại vào thời điểm đó. Sức diễn cảm trong âm nhạc của ông thông qua giai điệu và sự phong phú về điệu thức, sự tranh nhã, tính tế trong tác phẩm của ông tiếp tục ảnh hưởng đến âm nhạc cổ điển ngày nay.
Mở đầu đem nhạc là Khúc mở màn của opera Cosi fan Tutte. Vở opera gồm hai phần chỉ được trình diễn năm lần trong suốt cuộc đời của Mozart. Khi các chuẩn mực xã hội thay đổi đối với vấn đề về sự chung thủy vào thế kỷ 19 và 20, sau Thế chiến thứ hai, vở opera được biểu diễn thường xuyên trở lại.
Tiếp theo là Bản concerto số 21 cung Đô trưởng, K 467 của Mozart. Được hoàn thành vào năm 1785, phần trình diễn của dàn dây, kèn đồng, piano và hơi gỗ có thể sẽ quen thuộc với khán giả vì nó đã được sử dụng trong nhiều bộ phim bao gồm bộ phim nổi tiếng năm 1967 của Thụy Điển, phim Elvira Madigan. Tác phẩm kết hợp nhuần nhuyễn sức cuốc hút đặc trưng và sự tao nhã tinh tế của Mozart thông qua sự tương tác, hòa quyện tuyệt vời của bè piano độc tấu và dàn nhạc.
Nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ dàn dựng và chỉ huy đêm nhạc. Ông học theo Kazuo Yamada và Michiyoshi Inoue và từng là Chỉ huy trưởng Thường trực của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka và Cố vấn âm nhạc kiêm Chỉ huy trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Hiện đang giữ vai trò Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.
Một trong những tài năng trẻ piano rất đáng ngưỡng mộ sẽ tham gia chương trình là Lê Trang Linh. Sinh năm 2007 tại Hà Nội, Linh bắt đầu học piano từ năm 7 tuổi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện cô đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc Colburn, cô đã giành chiến thắng trong các cuộc thi ở Nhật Bản, Ý, Anh, Mỹ và Ba Lan.