Cổ phiếu dầu khí sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2023
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, thuộc Khối phân tích của VNDirect, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng, doanh nghiệp xăng dầu có tình hình tài chính vững mạnh và rủi ro tối thiểu trước việc đồng USD mạnh hơn, sẽ không chỉ dễ dàng vượt qua khó khăn mà còn có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao.
Dự báo giá dầu vẫn sẽ giữ ở mức cao, cùng với Luật Dầu khí (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2023, sẽ giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất và biến động tỷ giá sẽ có tác động trái chiều lên lên các doanh nghiệp dầu khí.
Báo cáo Triển vọng vĩ mô và Chiến lược đầu tư 2023 do VNDirect mới phát hành cho thấy, năm 2023, nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1,5% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 101,04 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023, trong khi năm 2022 nhu cầu dầu toàn cầu tăng 2,2%.
Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung, đặc biệt là từ tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới. Về cơ bản VNDirect kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.
Về cơ hội tăng trưởng cho các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí trong năm 2023, Khối phân tích của VNDirect nhận định, do giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao, theo đó, nhu cầu đối với các dịch vụ Dầu khí sẽ tăng dần trong những năm tới. Bên cạnh đó, Luật Dầu khí sửa đổi hứa hẹn sẽ giúp thu hút đầu tư vào phân khúc thượng nguồn tại Việt Nam.
“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng một số dự án Thăm dò & Khai thác (E&P) như Lô B, Nam Du – U Minh và Kình Ngư Trắng, sẽ có khả năng khởi động trong vòng hai năm tới, trước hết sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí (EPC, khoan) trong những năm tới”, Khối phân tích cho hay.
Năm 2022 là một năm khó khăn đối với các nhà phân phối xăng dầu do sự bất ổn của thị trường đến từ sự cố tại lọc dầu Nghi Sơn trong 6T22 và các chi phí liên quan tăng cao trên toàn cầu.
Trong năm 2023, VNDirect tin tưởng vào tiềm năng phục hồi của các nhà phân phối lớn nhờ nguồn cung trong nước ổn định trở lại, điều chỉnh chi phí định mức tính giá xăng dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.
VNDirect cũng cho rằng, lãi suất cao hơn sẽ có tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế cũng như ngành dầu khí trong thời gian tới. Tác động của môi trường lãi suất tăng lên các doanh nghiệp dầu khí niêm yết là trái chiều, phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp có số dư tiền mặt ròng dồi dào và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thấp, môi trường lãi suất tăng có thể sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp này trong ngắn hạn, hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của của các doanh nghiệp. Mức độ ảnh hưởng của đà tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng đóng góp của thu nhập lãi thuần vào kết quả kinh doanh của công ty.
Qua đó, VNDirect nhận thấy Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi chính. Ngược lại, một số doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy cao như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí và Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (mã chứng khoán: PVC) sẽ gặp khó khăn khi lãi suất tăng.