Chén dĩa bằng lá cây - Cách người trẻ khai thác nguồn tài nguyên tái tạo trong tự nhiên
(DNTO) - Chỉ với một chiếc máy ép đơn giản cùng những nguyên liệu dễ tìm là lá cây khô, tươi, bộ ba sinh viên - học viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã cho ra đời dự án ''Chén dĩa từ lá'' làm ''dậy sóng'' làng công nghệ môi trường tại các cuộc triển lãm lớn nhỏ.
Dùng các loại lá to để đựng thức ăn, nước uống không chỉ mang ý nghĩa văn hoá, truyền thống lâu đời với một số quốc gia châu Á, mà còn mang lại giá trị kinh tế và xã hội nhất định trong hoạt động sinh kế của người dân tại nhiều miền quê xưa. Tại Việt Nam, lá chuối, lá dong, lá nghệ, lá sen... đều là các loại lá bản rộng với khả năng cất trữ tốt các loại thực phẩm tươi, dùng ngay như xôi, cơm, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh. Sự gần gũi, an toàn của chúng đã trở thành ''cái hồn'', nét văn hoá bản địa độc đáo của con người ở vùng đất ấy.
Dự án ''Chén dĩa từ lá'' - nghĩ ra được, nhưng không phải ai cũng làm được
Mất gần 4 năm ròng với dự án này, bộ ba Bùi Thị Kim Ngân (Học viên cao học ngành Quản lý tài nguyên môi trường), Tô Vĩ Nhân và Nguyễn Minh Hiếu (Sinh viên năm cuối ngành Công nghệ môi trường, đều thuộc Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.CHM) chia sẻ: “Bọn em mang hết loại lá này đến lá kia về thử, thành công ít, thất bại nhiều, liên tiếp thử nghiệm cho đến khi đạt được sản phẩm ''cận hoàn hảo'' nhất và rút ra được nhiều công thức quyết định chất lượng thành phẩm. Bọn em mang đi dự thi, triển lãm tại các chương trình tuyên truyền về môi trường, từ đó, ''Chén dĩa từ lá'' đã được tiếp cận thật sự đến những người quan tâm.
Tuy nhiên, với thiết bị, quy mô nhỏ trong phòng thí nghiệm trường, thời gian hoàn thiện và hiệu suất của dự án này chưa cao. Trong tương lai, với sự hỗ trợ của PGS.TS Lê Hùng Anh -Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường - Đại học Công nghiệp TP.HCM và khoa, chúng em sẽ hoàn thiện dần việc lắp đặt máy ép với công suất cao hơn để đi vào sản xuất đại trà, phục vụ thị trường nhanh nhất, với hiệu quả tối ưu''.
Lợi ích đầu tiên của chén dĩa lá là chúng thân thiện với con người, có thể phân huỷ sinh học, lưu trữ tốt và dễ dàng bỏ đi mà không sợ ảnh hưởng đến môi trường, không tốn nước và xà phòng để rửa.
Lá cây có đặc tính kháng khuẩn và nấm, nó cũng chứa polyphenol, khi hoà tan vào thực phẩm sẽ khiến chúng hình thành chất chống oxy hoá tự nhiên lý tưởng.
Sau hơn 3 năm nghiên cứu các loại lá thông dụng như lá chuối, lá sen, lá bàng và một vài loại lá khác, nhóm rút ra kết luận lá sen và lá bàng dễ tìm, khả thi và dễ ép nhất hiện nay. Riêng lá chuối, vì máy ép 4 chiều nên loại lá gân song song này khó ép hơn một số loại có gân hình cung. Vì ưu tiên lá vàng, lá rụng hơn là lá xanh, nhóm đang nhắm đến nguồn nguyên liệu khá dồi dào từ các vùng biển đảo của Việt Nam, nơi trồng nhiều loại bàng khác nhau và quanh năm rụng lá. Với sen, nhóm cũng thử nghiệm trên các loại lá sen 3 miền, riêng với sen Huế lá bản to nhưng độ căng gân lá không bằng các loại sen 2 miền còn lại.
Tại các buổi triển lãm, sản phẩm của nhóm được các chuyên gia công nghệ môi trường đánh giá cao và gây chú ý bởi người tiêu dùng và các giáo sư đầu ngành, các tiền bối trong ngành cũng đưa ra những lời khen, bình luận giá trị. Chỉ cần tối ưu chi phí sản xuất, dòng sản phẩm này sẽ vô cùng khả thi khi đưa ra sản xuất đại trà và tiêu thụ với số lượng lớn hàng ngày.
Hiện tại, có 3 dòng sản phẩm chính là chén đựng nước chấm với đường kính 8cm, đĩa đựng thức ăn hình oval với chiều dài 20cm và đĩa hình tim tròn với đường kính 25cm.
Dự án mới và những dự định tương lai
Trong năm 2025, hai thành viên Tô Vĩ Nhân và Nguyễn Minh Hiếu sẽ tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư; Bùi Thị Kim Ngân còn 1 năm để bảo vệ học vị Thạc sĩ. Các bạn vẫn tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi thêm những nguồn nguyên liệu khác để hoàn thiện công trình nghiên cứu. Trong đó có nhiều loại lá cây thuộc hàng “đại trà’’ ở các quốc gia khác, phù hợp với việc ép, tạo hình dùng làm chén, đĩa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân tại Việt Nam.
Cùng với nhiều lời đề nghị hợp tác nghiên cứu và sản xuất, nhóm cũng ấp ủ dự định phát triển dự án lên một tầm cao hơn với công nghệ, nguyên liệu và điều kiện thử nghiệm tốt hơn trong tương lai.
So với nhựa, thuỷ tinh, sứ và kim loại, lá cây luôn có nhiều lợi thế về khả năng tái tạo, phân huỷ sinh học và giàu chất chống oxy hoá, hơn hết, nó còn đóng vai trò quan trọng trong văn hoá và xã hội. Nhưng nếu muốn sản xuất và sử dụng ở quy mô lớn, chén đĩa lá đòi hỏi nguồn cung nguyên liệu lớn, đòi hỏi về cải tiến thiết kế, quy trình sản xuất và tiếp thị, trong đó, yếu tố then chốt và quan trọng vẫn là giá cả và sự cạnh tranh với đồ nhựa hiện đang quá rẻ, quen thuộc với người tiêu dùng.
Không chỉ có nhu cầu trong nước, chén đĩa lá còn là vật phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo để làm quà tặng tại các buổi triển lãm, phục vụ tại các cuộc họp, hội thảo và giới thiệu đến các dịch vụ du lịch, tạo dấu ấn xanh đến du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đạt đến công đoạn này, sản phẩm buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt do các cơ quan quản lý chuyên trách đặt ra.
Ngoài ra, chính sách của Nhà nước cũng quan trọng trong việc khuyến khích người tiêu dùng bỏ bớt việc sử dụng đĩa nhựa, chuyển sang dùng chén đĩa lá, ít nhất là tại các nhà hàng, khách sạn, đường phố, lễ hội hay tiệc tùng nơi công cộng… Đó là một quá trình dài để đạt đến hiệu quả như mong muốn, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các ban ngành, địa phương… nhằm mục đích chung vì một xã hội, một thế giới xanh hơn, sạch hơn, an toàn hơn.