Cần lắm sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua dịch bệnh
(DNTO) - Thời điểm này, với nhiều người, nỗi sợ về cái đói, thiếu ăn thậm chí còn hơn sợ dịch bệnh, đặc biệt là với người lao động từ các tỉnh, thành tới TP.HCM ở trọ, mưu sinh.
Hơn hai tháng qua, TP.HCM cùng một số tỉnh thành trong cả nước lại bước vào làn sóng thứ tư của cơn đại dịch toàn cầu Covid-19. Đây là làn sóng dữ dội nhất từ trước đến nay với sức tàn phá khủng khiếp. Con số ca bệnh ở Sài Gòn tăng lên từng ngày đã vượt quá hai ngàn, tính đến ngày 16/7, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có sự khủng hoảng về lương thực, thực phẩm, nhất là khi dịch bệnh tấn công vào các chợ đầu mối và một số siêu thị, cửa hàng tiện ích…
Với nhiều người dân, đói ăn và bệnh tật là hai nỗi sợ ngang nhau. Thậm chí, nhiều người còn sợ đói hơn sợ dịch. Nỗi sợ tưởng như có thể cầm nắm, sờ mó được ấy đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân lao động, đặc biệt là những người từ các tỉnh, thành tới TP.HCM ở trọ, mưu sinh bằng các công việc lao động chân tay hoặc buôn bán hàng rong, vỉa hè. Họ không có tiền để mua lương thực dự trữ đã đành, nếu có cũng không có tủ lạnh để trữ; nhiều bạn trẻ do phòng trọ chật hẹp nên không có cả bếp để nấu ăn.
Thấu hiểu tình cảnh này của bà con, từ tấm lòng nhân ái, từ những trái tim nồng nàn thương yêu, từ truyền thống nhiễu điều phủ lấy giá gương, từ tinh thần tương thân tương trợ, với tinh thần lá lành đùm lá rách đã thấm nhuần trong cách sống của dân ta…, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã gom góp từng cọng rau con cá để hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn.
Mô hình nổi bật có tính hiện đại, chuyên nghiệp, lan tỏa và an toàn trong mùa dịch chính là các gian hàng 0 đồng, siêu thị 0 đồng. Thời gian gần đây, gian hàng, siêu thị 0 đồng là một mô hình từ thiện được lan tỏa rầm rộ và rộng khắp, nhất là trong cơn đại dịch Covid-19. Không thể nói một cách chính xác phiên chợ 0 đồng nào là phiên chợ đầu tiên, và ai là người đã nghĩ ra nó. Nhưng điều đó đâu có quan trọng. Quan trọng là ý nghĩa và hiệu quả mà mô hình này mang lại.
Gian hàng không đồng thường được kết hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, tập thể, tổ chức với chính quyền địa phương. Do đó địa điểm được chọn thường là nơi có mặt bằng rộng rãi, thoáng mát. Bằng cách phát phiếu trước cho các hộ gia đình, chia làm nhiều khung giờ, mô hình gian hàng 0 đồng tránh được cảnh tụ tập đông người chen lấn, góp phần an toàn phòng, chống dịch.
Để các gian hàng 0 đồng lan tỏa và duy trì được phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp. Nhờ sự ủng hộ kinh phí, hàng hóa của họ mà có những gian hàng tập hợp được đến cả ngàn phần quà với các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, mắm, muối, rau củ quả…, chung tay giúp đỡ được nhiều gia đình lay lắt vượt qua đại dịch. Nhiều người cầm trên tay túi thực phẩm nhận được tại các "Gian hàng 0 đồng" đã không giấu được xúc động, thậm chí rơi nước mắt.
Tinh thần tương thân tương ái là nét đẹp văn hóa trong ứng xử của dân mình xưa nay. Nhưng rất tiếc, trong lúc tinh thần ấy đang lan tỏa làm ấm lòng hàng triệu con tim, thì mấy hôm nay, trên các phương tiện truyền thông đăng tin một số cá nhân đã gom các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... với số lượng lớn đem ra ngoài bán để hưởng chênh lệch.
Điều này dẫn đến việc một số người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng, gây bức xúc trong nhân dân. Thật ra, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, cũng có thể nhiều người do mất việc, mất thu nhập nên tìm cách xoay sở. Tuy nhiên, cho dù với bất cứ lý do gì thì việc gom hàng trục lợi trong lúc đồng bào mình đang lao đao vì dịch bệnh cũng khó được thông cảm. Tính về mặt đạo lý hay về luật pháp, đây cũng đều là hành vi sai trái không thể chấp nhận.
Ngay trong lúc này, hơn lúc nào hết, chỉ có sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau mới tạo nên sức mạnh niềm tin và sự an ủi để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.