Cần bài trừ tâm lý 'Đổ lỗi cho nạn nhân'

(DNTO) - Cụm từ “Đổ lỗi cho nạn nhân - Victim blaming” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách Blaming the Victim của William Ryan - vào năm 1971. Những người ủng hộ cho nạn nhân trong những tội ác, đặc biệt là các vụ án hiếp dâm đã sử dụng và phổ biến cụm từ này.
Cô bạn tôi kể, chồng cô ấy ra ngoài cặp bồ với một phụ nữ khác. Cô ấy bèn “mách” với phụ huynh. Mẹ chồng cổ phán một câu: “Cũng tại mình làm vợ thế nào, chồng mới ra đường 'ăn phở'”. Đang là nạn nhân còn bị đổ lỗi, bạn tôi ức quá buộc miệng: “Ơ! Con nghe bảo, ngày xưa bố cũng từng ăn phở đấy thôi!”. Thế là “gia tộc sóng gió”.

Có nhiều luồng dư luận cho rằng hai nghệ sĩ Việt trong nghi án hiếp dâm tại Tây Ban Nha là do sập bẫy lừa đảo của nạn nhân. Ảnh: TL
Lại nhớ khi còn bé, có lần tôi bị con bé hàng xóm vụt cho một hòn đất sưng vù như quả trứng vịt bắc thảo độn vào trán chỉ vì nó đang chơi với đám bạn trò gì đấy, bị trét đầy bùn lên mặt, mà tôi đi ngang nhìn nó “cười đểu” (nó bảo thế). Tôi về mách mẹ, mẹ tôi bảo: “Không có lửa sao có khói, mi cười đểu nó thì nó táng vào đầu chứ sao”. Tôi bảo tôi không có cố ý cười đểu nó thì mẹ tôi phán như đinh đóng cột: “Thế sao đứa nào nó không tán mà tán mi?”. Tôi đuối lý nhưng tức tưởi khóc vì rõ ràng mình là nạn nhân mà còn bị đỗ lỗi.
Hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân được cho là đã xuất hiện từ lúc lịch sử con người được hình thành. Ở nước ta nó thể hiện qua các câu nói: "Không có lửa làm sao có khói", "Nó phải làm sao thì mới bị người ta đánh"…
Sự đỗ lỗi cho nạn nhân mới đầu nghe qua chỉ như là một thái độ “dĩ hòa di quý” hay “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Trong một số trường hợp được chấp nhận như một đánh giá khách quan. Nhưng đến khi khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân phổ biến hơn ở những vụ tấn công tình dục thì sự việc trở thành vấn đề tranh cãi. |
Đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục là cách để bảo vệ lợi ích và làm nhẹ tội cho hung thủ trong trường hợp họ là nhóm người chiếm ưu thế hơn và đặc biệt nếu nạn nhân và thủ phạm quen biết nhau từ trước, với các lý do đưa ra: Do phụ nữ ăn vận hở hang khêu gợi, chủ động nói lời thân mật, đụng chạm cơ thể; lẳng lơ; Do “Mỡ treo miệng mèo”, “Cám treo không lẽ heo nhịn đói”; Thậm chí còn suy đoán “do nạn nhân tự nguyên dâng hiến rồi không đạt được mục đích bèn tố hiếp dâm”…
Mới đây, xảy ra tại Tây Ban Nha, hai nghệ sĩ người Việt bị cho là hiếp dâm một cô bé người Anh 17 tuổi. Có nhiều luồng dư luận cho rằng hai nghệ sĩ này đã sập bẫy lừa đảo của nạn nhân. Trên trang cá nhân của mình, NSƯT K.O đưa ra bằng chứng để chứng minh tại Mallorca, chuyện tấn công tình dục du khách là có thật. Thậm chí facebooker P.C.T còn gán do hai nghệ sĩ bị mafia giở trò giăng bẫy để tống tiền. “Hoặc bị tống tiền suốt đời, nếu thỏa thuận, hoặc bị ra tòa, bồi thường mệt luôn, đằng nào mafia cũng có lợi”, facebooker này viết.

Đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục là cách đổ lỗi khủng khiếp nhất, tàn độc nhất Ảnh: TL
Có thể nói đang có một luồng dư luận xã hội đi theo hướng đổ lỗi cho nạn nhân trong nghi án hiếp dâm của hai nghệ sĩ Việt Nam ở Tây Ban Nha.
Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ việc xâm hại tình dục khiến cho nạn nhân vừa bị xâm hại đau đớn tủi nhục vừa bị dư luận xã hội phán xét, bạo hành dẫn đến việc nạn nhân không dám lên tiếng. Họ chỉ tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan chức năng trong trường hợp không thể giấu nổi. Điều này vô tình gây khó khăn cho cơ quan chức trách trong việc xử lý tội phạm.
Cảm thấy mình có lỗi hoặc sẽ bị đổ lỗi, cảm giác không an toàn khi muốn đưa tội ác ra ánh sáng. Từ đó nạn nhân sẽ im lặng, cam chịu. Đó là trường hợp của MC Phan Anh và doanh nhân Hoài Anh khi các anh chị từng chia sẻ, đã bị xâm hại tình dục mà không dám lên tiếng. Sau bao đấu tranh, dằn vặt mới dám nói ra sự thật chôn giấu và hành hạ bản thân nhiều năm qua. Còn ca sĩ Thủy Tiên thì cho biết cô bị con trai của bảo mẫu xâm hại, cô có nói lại với mẹ và bảo mẫu nhưng không ai tin vì cho rằng cô bịa đặt.
Đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục là cách đổ lỗi khủng khiếp nhất, tàn độc nhất; Là hành vi sỉ nhục nhân phẩm nạn nhân, đẩy họ đến tâm thế thấy sự sống của mình không còn ý nghĩa, rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng, xấu hổ, mặc cảm, tự ti, họ sợ hãi tương lai, tuyệt vọng, bế tắc, uất ức dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.
Trong thực tế rất nhiều vụ việc tự tử vì nguyên nhân trên. Điển hình là hai vụ việc gây xôn xao dư luận rất nhiều người biết, đó là vụ nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai bị bạn trai tung clip nóng lên mạng và bị cộng đồng mạng dùng những lời lẻ chê bai, miệt thị, xỉ vả thậm tệ. Điều này đã khiến nữ sinh bị khủng hoảng tâm lý và đã tự kết liễu đời mình. Sau đó không lâu, một bé gái 13 tuổi ở Cà Mau cũng tìm đến cái chết vì quá uất ức bởi những lời độc địa, đổ lỗi từ những người xung quanh, sau khi tố cáo bị người hàng xóm xâm hại.

Nạn nhân không dám lên tiếng. gây khó khăn cho cơ quan chức trách trong việc xử lý tội phạm. Ảnh: TL
Thay đổi một tâm lý đã trở thành định kiến xã hội không thể một sớm một chiều. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều công cụ, phương tiện như mạng xã hội khiến cho việc đổ lỗi trở nên dễ dàng và nghiêm trọng hơn nhiều. Nhưng cũng hy vọng trên nền tảng các phương tiện nầy, cụm từ “Đổ lỗi cho nạn nhân - Victim blaming”, càng được nhiều người biết đến trên tinh thần thấu đáo hơn về ý nghĩa nhân văn của nó.