Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Sẽ có đơn hàng lớn từ Chính phủ dành cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
(DNTO) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết để thúc đẩy kinh tế số, Chính phủ và các bộ ngành sẽ giao những bài toán cụ thể cho các doanh nghiệp công nghệ tham gia.
Phải có sản phẩm bảo mật “made in Việt Nam”
Phát biểu trong Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021, sáng 25/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bảo mật an ninh mạng đang là vấn đề nóng đối với sự phát triển nền kinh tế số.
Trung bình mỗi năm, mỗi người trên toàn cầu bị từ 3-4 cuộc tấn công mạng. Việt Nam hiện có khoảng 90 triệu điện thoại thông minh, hàng chục triệu máy tính, gần 30 triệu camera nhưng hầu hết chưa được đánh giá mức độ an toàn cũng như cài phần mềm bảo mật, nên đã có những hình ảnh riêng tư bị phát tán.
Trên thế giới, có khoảng 60% các dự án phát triển phần mềm áp dụng quy trình đánh giá an toàn thông tin, vận hành. Ở Việt Nam, con số này còn thấp hơn rất nhiều. Vì vậy còn rất nhiều lỗi lập trình gây mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Nếu những phần mềm này là những nền tảng số quốc gia thì hậu quả rất lớn.
Lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong dịch Covid-19 vừa qua khi chuyển đổi số được thúc đẩy. Trên thế giới hiện có 2 triệu website lừa đảo, còn tại Việt Nam, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hiện và xử lý 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc lộ, lọt thông tin vẫn có thể xảy ra nhưng cách tốt nhất là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải không dùng hoặc dùng ít đi. Các quốc gia phát triển có khả năng chống đỡ tốt hơn vì họ dùng công nghệ số sớm hơn, vấn đề bộc lộ sớm hơn và hệ thống của họ hoàn thiện sớm hơn.
“Đi đầu về công nghệ số và luôn quan tâm đến an toàn thông tin mới là cách tiếp cận đúng. Muốn an toàn thì phải chấp nhận rủi ro. Câu chuyện lộ, lọt thông tin từ các nền tảng số lúc nào cũng có, từ nước lớn đến nước bé, nước phát triển đến nước đang phát triển, công ty to đến công ty nhỏ, giống như trong đời sống thực luôn có trộm cắp, luôn có rủi ro và không có rủi ro bằng không, chỉ có quản lý rủi ro ở mức chấp nhận được, đi kèm với đó là chi phí, rủi ro thấp thì chi phí cao. Vì vậy, luôn phải có sự tính toán cấp độ an toàn thông tin phù hợp cho từng hệ thống công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Hùng nói.
Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia toàn dân, toàn diện các ngành, các lĩnh vực, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh cần có sản phẩm an toàn thông tin “made in Việt Nam” và đây là thị trường vô cùng rộng lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển.
“Bảo vệ Việt Nam thì tốt nhất là vũ khí Việt Nam và theo cách Việt Nam. Người Việt Nam có cảm thấy an toàn khi chuyển đổi số hay không phụ thuộc vào sự bảo vệ của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tin tưởng vào các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam và sắp tới, phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số sẽ chính thức giao một số bài toán lớn cho các doanh nghiệp an toàn thông tin”, Bộ trưởng Hùng cho biết.
Cần coi trọng các chuyên gia bảo mật thông tin
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, muốn an toàn thì mọi phần mềm, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển, đánh giá và sử dụng an toàn. Cục An toàn thông tin phải ban hành các quy trình này và tổ chức đánh giá; đồng thời chủ động kêu gọi chuyên gia tham gia phát hiện lỗ hổng bảo mật sau khi phần mềm đưa vào sử dụng.
“Việt Nam sẽ vinh danh Top 50 chuyên gia bảo mật có đóng góp trong việc phát hiện bảo mật của các nền tảng số quốc gia. Năm nay, giải thưởng khiêm tốn, 1 tỷ đồng; sang năm sẽ tăng lên 5 tỷ đồng và tiếp theo là 10 tỷ đồng mỗi năm.
Microsoft mỗi năm vinh danh 100 chuyên gia an toàn thông tin toàn cầu và cũng có năm, có tới 4 chuyên gia Việt Nam được vinh danh. Sắp tới đây, rất nhiều nền tảng số quốc gia phát triển, Việt Nam càng phải vinh danh chuyên gia bảo mật và coi đó là niềm tự hào Việt Nam.
Bởi lẽ chiến tranh hiện nay sẽ chủ yếu trên không gian mạng và đang diễn ra từng phút, từng giây. Không phải chỉ các tổ chức quốc gia mà từng người dân cũng chịu ảnh hưởng. Nếu coi họ là những chuyên gia bảo mật an toàn thông tin thì rất nhỏ, nhưng nếu coi họ là những chiến binh bảo vệ Việt Nam thì rất khác”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.