Bất chấp Covid-19, 'trùm vàng' PNJ vẫn xoay sở tốt, đạt nửa đường đua lợi nhuận
(DNTO) - Bốn tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) nhờ chèo chống khéo léo nên đã thực hiện được 43% chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, 49% chỉ tiêu kế hoạch lãi sau thuế mà cổ đông giao phó trong năm nay.
"Xa xa có ánh mặt trời"
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến nhiều ngành kinh tế, trong đó phải kể đến ngành kim hoàn, đặt ngành này trước nhiều rủi ro như sự biến động bất thường của giá vàng hay sự thay đổi hành vi tiêu dùng của nhiều người trong đại dịch, khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, bốn tháng đầu năm nay, PNJ đã có cú lội ngược dòng trong kết quả kinh doanh của mình.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, công ty đã thu về 9.033 tỷ đồng doanh thu, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 598 tỷ đồng, tăng 95%. Lý giải về điều này, lãnh đạo PNJ cho biết, nếu quý 1 năm ngoái, PNJ chịu tác động nhiều của dịch bệnh thì đến năm nay, thị trường đã khởi sắc. Đặc biệt, công ty đã triển khai các mô hình mới trong kinh doanh cũng như đầu tư cho công nghệ, nhân lực...
Riêng tháng 4 năm nay, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.851 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ, tức gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Công ty thu về 85 tỷ đồng, trong khi đó cũng thời điểm này năm 2020 đã "đánh mất" 102 tỷ đồng vì dịch bệnh.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng bán lẻ trong tháng 4 chiếm hơn 61%, tiếp đó là mảng bán sỉ chiếm 17%. Phân khúc vàng miếng dường như "trầm lắng" hơn khi chỉ chiếm 20% doanh thu, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái chiếm hơn 37%. Theo lý giải của công ty này, do tháng 4, công ty đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, đồng thời đưa ra tỷ lệ chiết khấu hấp dẫn cho khách hàng nên kênh bán lẻ chiếm được ưu thế vượt trội.
Tại đại hội cổ đông gần đây, các cổ đông đã đặt ra kỳ vọng: doanh thu thuần khoảng 2.100 tỷ đồng và lãi ròng khoảng 1.230 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 15% so với năm trước. Như vậy sau 4 tháng, PNJ đã đi được gần nửa chặng đường với lợi nhuận sau thuế đạt gần 49%, doanh thu đạt 43% so với kế hoạch.
Có được thành công trên là nhờ công ty đã kịp thời thay đổi cơ cấu sản phẩm trong thời gian qua, như tăng tỷ trọng vàng miếng và sản phẩm trang sức có hàm lượng vàng cao để hướng đến các nhà đầu tư muốn tìm kiếm kênh tài chính an toàn. Đồng thời, doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký thêm các ngành nghề nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và mảng bán hàng trả góp.
Đánh giá về triển vọng năm nay, tại Đại hội Cổ đông thường niên 2021, ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ khiêm nhường cho biết: "Nhìn 2021 tại thời điểm này so với 2020 thì đang ấm hơn, nhưng những câu chuyện cho 2021 thì không hoàn toàn sáng rõ. Con đường vẫn ẩm ướt, trơn trượt dù xa xa có ánh mặt trời".
Không có đối thủ
Theo Công ty chứng khoán Everest, PNJ hiện vẫn là "ông trùm" dẫn đầu cả nước về hệ thống cửa hàng. So với các đối thủ lân cận như Bảo Tín Minh Châu hay DOJI thì PNJ hiện đang có nhiều vượt trội.
"Với 200 cửa hàng bán lẻ, Bảo Tín Minh Châu là đối thủ tiềm tàng nhất có thể đe doạ PNJ lúc này. Tuy nhiên, cục diện thị trường đã khá rõ ràng: Bảo Tín Minh Châu chỉ có hệ thống phân phối từ Quảng Trị đổ lên, trong khi đó, PNJ có hơn 80% cửa hàng ở miền Nam" - các chuyên gia của Everest cho biết.
Tại thời điểm cuối tháng 4, PNJ có 340 cửa hàng và dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục mở thêm 40 tới 45 cửa hàng - con số cửa hàng vượt xa so với đối thủ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia của Everest, hiện PNJ cũng chưa phải cạnh tranh với thương hiệu lớn nào của nước ngoài. Do ngành trang sức có rào cản gia nhập lớn nhưng "khi thị trường trang sức lớn hơn, các doanh nghiệp lớn của nước ngoài sẽ quan tâm đến Việt Nam. Tâm lý sính ngoại của nhiều người Việt Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến thị phần".
Trong khi nhiều công ty bán lẻ kim hoàn chủ yếu là nhập khẩu sản phẩm thì PNJ tiến tới mảng tự sản xuất, tự cung ứng sản phẩm. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ, hướng đi mới của PNJ chính là mảng sản xuất và đây sẽ được xem là mảng trụ cột trong thời gian tới, bởi "không phải công ty bán lẻ kim hoàn nào cũng có mảng này" - bà Dung chia sẻ.
Cũng theo bà Dung, điều này sẽ giúp PNJ giảm được thuế phải chịu khi nhập khẩu nữ trang (tổng mức thuế là 35%, trong đó 20% thuế nhập khẩu và 10% thuế VAT), đồng thời đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong giai đoạn nhập khẩu hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.
"Việc tăng trưởng doanh thu - lợi nhuận hay thậm chí là tăng trưởng về quy mô kinh doanh so với quá khứ hầu như không phải là chỉ báo tốt để hiểu được tính bền vững trong tương lai. Vấn đề cốt lõi nằm ở sự khác biệt để các đối thủ trong ngành khó hoặc không thể “bắt chước” được" - chuyên gia của Công ty Everest nhận định.