Bạn trẻ tích cực, nỗ lực trau dồi bản thân cùng Sài Gòn hồi phục sau đại dịch Covid-19
(DNTO) - Qua gần một tháng nới lỏng giãn cách (từ 1/10), các hoạt động tại TP.HCM từng bước trở lại cuộc sống bình thường, phóng viên Doanh Nhân Trẻ Việt Nam đã thực hiện cuộc trao đổi nhỏ với một số bạn trẻ về cảm xúc trong và sau giãn cách, cũng như những điều tích cực của bản thân.
Những cảm xúc chẳng thể nào quên
Với tất cả chúng ta, đợt giãn cách toàn thành phố vừa qua là một thời điểm lịch sử, cuộc sống của mỗi người diễn ra trong bốn bức tường, hoạt động như lặp đi lặp lại trong một không gian nhỏ hẹp. Sau giãn cách, dù trạng thái tâm lý của nhiều người rất vui vẻ, hân hoan và hạnh phúc nhưng ký ức trước đó rất khó quên.
Bạn Nguyễn Tuấn (Marketing Manager) chia sẻ: “Thời gian lockdown cho mình một trải nghiệm kinh khủng. Lần đầu tiên ở trong căn nhà với bốn bức tường, mình không thể bước ra ngoài, cảm giác bí bách, bức xúc; mọi cảm giác tiêu cực đều hiển hiện. Khi bước ra ngoài thì lại sợ, lớn nhất là sợ nhiễm bệnh vì mình chưa tiêm mũi vaccine nào”.
Cũng có chút cảm xúc tiêu cực trong thời gian đầu giãn cách, chị Vũ Nguyễn Phương Thùy (nhân viên một công ty du lịch) cho biết: “Mình làm về du lịch. Lúc đầu ở nhà thì cảm thấy vui và hạnh phúc vì có nhiều thời gian hơn để chăm sóc nhà cửa, nghỉ ngơi, làm những việc mình thích.
Nhưng khi thời gian đó kéo dài quá lâu thì từ vui và tận hưởng chuyển sang cảm giác sốt ruột, lo lắng và có chút trầm cảm vì nhiều công việc, dự định của mình không có cơ hội thực hiện như lúc trước. Những vấn đề tiêu cực của dịch bệnh khiến mình cảm thấy buồn, rất bức bối”.
Còn chị Tô Hồng Vân (tác giả sách thiếu nhi) nhớ lại: “Thời gian giãn cách vừa rồi quả là một sự kiện lịch sử. Trải nghiệm lớn nhất của mình có lẽ là cùng con cảm nhận sự trống vắng khi nhìn đường phố không một bóng người - một cảm giác mình không bao giờ quên”.
“Thú thật, tôi mong chờ từng ngày, từng giờ TP.HCM trở lại cuộc sống bình thường, để tôi được ăn tô phở ở một quán quen mà mình hay ăn; ăn một ổ bánh mì nóng hay uống một ly cà phê ngon ở một quán nào đó mà lâu nay tôi vẫn hay uống” – tâm sự của Nguyễn Đức Mạnh (phóng viên truyền hình).
Nếu để cảm xúc tiêu cực giữa một đại dịch đầy ảm đạm nhấn chìm bạn, có thể khiến cuộc sống ngày càng trở nên bế tắc hơn. Nhiều người đã tự tìm đến tâm lý tích cực, một trạng thái đối lập hoàn toàn với hoàn cảnh hiện tại.
Suy nghĩ tích cực, học thêm điều hay để nhanh chóng hòa nhập "bình thường mới"
Tâm lý học tích cực là một ý tưởng khoa học rất non trẻ ra đời trong vòng 20 năm trở lại đây, nghiên cứu dựa trên những điểm mạnh cá nhân và những phẩm chất để con người có thể vượt lên nghịch cảnh. Đại dịch Covid-19 không chỉ là phép thử đối với các nền kinh tế, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về tâm lý con người. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng rõ ràng, việc giữ vững tinh thần lạc quan và nỗ lực phát triển bản thân ngay trong thời gian giãn cách vì đại dịch Covid-19 trở thành chìa khóa giúp nhiều bạn trẻ tại TP.HCM gặt hái thêm kinh nghiệm sống, sẵn sàng quay lại cuộc sống bình thường.
Theo bạn Nguyễn Ý Lan (kinh doanh tự do): “Trong thời gian lockdown, mình duy trì được lối sống xanh, thay vì ngày xưa sống nhanh, chạy theo công việc, hàng ngày bù đầu bù cổ, không có thời gian cho bản thân, bây giờ mình sống chậm lại một xíu, coi đó là thời gian tận hưởng cuộc sống. Mình tập thiền, yoga và ăn chay suốt thời gian giãn cách; gần như thay đổi luôn chế độ ăn uống”.
Đối với Vblogger Hoàng Dũng: “Thời gian lockdown cho nhiều trải nghiệm. Đây là dịp để suy nghĩ lại về tất cả dự án trong thời gian vừa qua; suy nghĩ về chiến lược mới để hết dịch đặt mục tiêu thực hiện, và là thời gian vàng để học thêm kỹ năng còn thiếu như học vẽ, học những phần mềm mới bổ trợ cho công việc, phát triển nhiều thứ trên các nền tảng xã hội. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội của bản thân”.
Cùng suy nghĩ tích cực đó, bạn Nguyễn Đức Mạnh (một phóng viên-biên tập viên báo chí) cho biết: “Gần 5 tháng TP.HCM thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội là khoảng thời gian ý nghĩa, chúng ta cùng với thành phố phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người có cơ hội để nhìn lại bản thân; dành thời gian chăm sóc gia đình, lo cho những đứa con; trân trọng hơn những mối quan hệ, những tình cảm mà chúng ta đang có. Chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của việc luyện tập sức khỏe mỗi ngày”.
“Trong thời gian này bắt buộc mình sống chậm lại, suy nghĩ về quá trình đã làm được và chưa được trong quá khứ và ở hiện tại; cần làm gì cho giai đoạn tiếp theo khi dịch bệnh qua đi” – bạn Nguyễn Tuấn cho biết.
Theo tiến sĩ Martin Seligman, giáo sư tâm lý học tại Trường Đại học Pennsylvania và là Giám đốc của Trung tâm Tâm lý Tích cực Penn, người sáng lập ra Tâm lý học tích cực, đã xuất bản hơn 350 ấn phẩm học thuật, 30 cuốn sách, cựu Chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (1998): “Phải phân biệt rõ ràng về các loại hạnh phúc khác nhau. Sự khác biệt giữa tươi cười, vui vẻ, hạnh phúc, được gọi là tình cảm tích cực và lạc quan hướng về tương lai, không phải là cảm giác, mà là nhận thức về tương lai. Đó là về hy vọng”.
Không gì khác hơn là tâm lý tích cực trước đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người hy vọng về sự bình yên, sức khỏe và tình cảm trân quý cuộc sống. Tác giả sách thiếu nhi Tô Hồng Vân cho biết: “Trở lại cuộc sống bình thường sau giãn cách, cảm xúc lớn nhất có lẽ là hy vọng, rất mong TP.HCM lấy lại sức sống vốn có và mình nghĩ hầu hết mọi người cũng chia sẻ cảm xúc này. Mình cảm thấy rất ấm áp khi bạn bè, đối tác gặp nhau đều hỏi “đã tiêm vaccine chưa?”, cảm nhận rất rõ ràng sự chung sức chung lòng bảo vệ thành phố khỏi dịch bệnh”.
Bạn Nguyễn Ý Lan nói về cảm xúc sau giãn cách: “Mình cảm giác năng lượng tích cực đang tràn ngập khắp nơi. Khi ra đường, trông mọi người vui vẻ. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi có người ra vào đông vui hơn. Khi dậy sớm buổi sáng, mình nghe được những âm thanh mà trong thời gian giãn cách không nghe được là tiếng xe cộ, tiếng người qua lại đông vui, nhộn nhịp”.
Còn bạn Nguyễn Tuấn thì: “Cảm xúc khi trở lại cuộc sống bình thường đó là sự háo hức. Lần đầu sau giãn cách, khi lái xe, nhìn thấy phố phường nhộn nhịp, xe cộ chạy qua chạy lại, mình nghĩ là Sài Gòn sẽ sớm hồi phục”.
Nói về những dự định sau giãn cách, nhiều bạn kịp trang bị thêm cho mình kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng một hành trình mới. Bạn Phương Thùy cho biết: “Giờ là lúc bắt đầu công việc và cảm thấy quý trọng hơn công việc mình đang có. Tạo cho mình công việc mới; một startup riêng mình sẽ ra đời, đó như một workshop nho nhỏ, mời bạn bè cùng sở thích đam mê làm đồ handmade hay vẽ tranh, có không gian để trải nghiệm. Sau đợt dịch, mình thấy vui hơn, hạnh phúc hơn và mong là kế hoạch này sẽ được thực hiện lâu dài”.
Tác giả Tô Hồng Vân chia sẻ: “Các ý tưởng và kế hoạch công việc bắt đầu được thai nghén dựa trên việc tìm hiểu thêm các nền tảng công nghệ. Ví dụ bản thân mình tham gia khóa học podcast, tự mày mò kỹ thuật và tìm hiểu thêm thiết bị thu âm, những điều bình thường hay dựa vào ekip chuyên nghiệp sẵn có, dù có thể bắt tay vào thực hiện thì nay với việc trang bị những kiến thức, kỹ năng mới đã thúc đẩy mình năng động hơn, tự lập hơn nữa”.
Cũng tranh thủ giãn cách để học hỏi, nay Vlogger Hoàng Dũng sẵn sàng đi nhiều nơi, thực hiện các sản phẩm du lịch chất lượng hơn và tích lũy nhiều tư liệu hơn cho hành trình sáng tạo mới.
Dường như tất cả chúng ta đều tự rút ra cho bản thân một số bài học trong suốt thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, nhìn nhận mọi vấn đề một cách rõ ràng hơn, trọng tâm và hiểu rõ bản thân mình hơn.
Đặc biệt, nhiều bạn đồng quan điểm với bạn Nguyễn Đức Mạnh: “Sức khỏe là thứ đặt lên trên hết”. Tâm lý tích cực là một phần tất yếu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và giờ đây sẽ là tấm vé cho cuộc hành trình mới hậu Covid-19.