6 tiêu chí đề xuất cho phép ăn uống tại chỗ: Quá khó cho doanh nghiệp
(DNTO) - Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM, nếu cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ hoạt động nhưng áp dụng 6 tiêu chí, nhất là tiêu chí không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ; không bán rượu, bia thì quá khó cho doanh nghiệp, cho phép mà như không cho.
Hôm qua, 25/10, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM về Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM.
Bộ tiêu chí có 6 tiêu chí mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đáp ứng.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, những tiêu chí trong bộ tiêu chí này, nhất là tiêu chí thứ 6: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: Không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thực sự không khả thi đối với họ.
Ông L.H.L, chủ một chuỗi nhà hàng sushi tại TP.HCM cho rằng nếu mở cửa mà áp dụng bộ tiêu chí này, nhất là tiêu chí 6, thì hệ thống của ông vẫn phải đóng cửa.
“Tiêu chí này rất khó để nhà hàng kinh doanh. Mở ra còn khổ hơn là không mở cửa. Khách hàng tất nhiên sẽ không đi ăn với điều kiện như vậy. Nhà hàng sẽ không có doanh thu bởi để đảm bảo thu vào đủ bù chi thì lượng khách phải lớn, thậm chí phải được lấp đầy. Mô hình của hệ thống chúng tôi là trải nghiệm tại chỗ nên hiện nay cũng không thể mở bán online vì không đủ chất lượng và thẩm mỹ”, ông L.H.L. tâm sự.
Bà Bảo Tuyên, chủ của một quán ăn miền Trung trên đường Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình cũng cho rằng, quán của bà không thể mở nếu áp dụng bộ tiêu chí mà Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đề xuất.
Cụ thể, theo bà Tuyên, tiêu chí 2 có nêu để được kinh doanh phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở, phải thực hiện đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan).
Cơ sở kinh doanh của bà là một quán ăn bình dân, bà đã đi đăng ký cơ sở an toàn thực phẩm nhưng khi cán bộ phụ trách xuống quán đánh giá, kiểm tra thì không đạt. Không đạt từ cửa sổ quán, mái tôn…
“Nguồn nguyên liệu của quán là đồ từ quê gửi vào, không có giấy chứng nhận gì cả, cửa sổ, mái tôn, rồi vật dụng trong quán nếu chiếu theo quy định cũng không đạt. Mà không đạt điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở thì không được cấp mã QR. Tôi nghĩ, bộ tiêu chí này sẽ phù hợp với những cơ sở, nhà hàng kinh doanh lớn còn những quán bình dân thì không thể đạt để được mở cửa.
Quán đã đóng cửa hơn 5 tháng nay rồi, nếu cho phép mà yêu cầu theo 6 tiêu chí như trên thì cũng như không. Cho phép hoạt động mà quy định khoảng cách giữa khách ngồi hay giới hạn thời gian hoạt động còn có thể mở chứ như này đành chịu”, bà Tuyên nói.
Nhà sáng lập chuỗi Pizza Home Hoàng Tùng cũng cho rằng, nếu TP.HCM cho phép mở cửa các cơ sở kinh doanh ăn uống với 6 tiêu chí đề xuất, đặc biệt là tiêu chí 6 thì người kinh doanh sẽ gặp khó khăn khi công suất vận hành không thể nào đạt được. Vì hàng quán kiểu gì cũng có không gian có máy điều hòa nhiệt độ để phục vụ khách, đặc biệt với những tệp khách là quán nhậu. Quy định này cũng khiến khách hàng e ngại, dẫn đến việc đến quán ăn trực tiếp sẽ ít hơn.
Theo ông Tùng, từ những rào cản về mặt quy định của chính quyền cũng như rào cản về mặt tâm lý của khách hàng, ngành F&B xác định sẽ mất thêm một thời gian dài nữa thì hàng quán mới có thể phục vụ được 100% công suất.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhìn nhận tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và chính quyền cũng đã có cân nhắc để mở lại dần dần.
“Hy vọng cùng với việc khống chế dịch tốt hơn, các quy định về giãn cách sẽ nới lỏng dần dần cho đến khi phủ 100% vaccine ngừa Covid-19 cho dân thì ngành F&B mới có thể phục hồi như bình thường”, ông nói thêm.
Chiều 25/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM.
Tại buổi họp, liên quan đến đề xuất cho phép dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, UBND TP.HCM đang xem xét và cùng với các sở, ngành cân nhắc.