Tuổi thọ của hôn nhân đâu phụ thuộc vào sính lễ

(DNTO) - Với những gia đình giàu có, việc nhà trai trao món sính lễ “khủng” đến "cực khủng"cho cô dâu trong ngày đính hôn hay trong lễ cưới đã được biết đến khá nhiều. Nhưng chỉ vì nhà trai không mang đủ sính lễ theo thỏa thuận mà phải “quay xe” về thì thật là hy hữu.

Trong lễ cưới truyền thống, sính lễ được hiểu là lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin kết thông gia. Đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Ảnh Internet
Hình ảnh cô dâu “oằn mình” trong ngày cưới bởi mang trên mình số lượng vàng cực khủng ngày nay không còn là hình ảnh lạ. Được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội gần đây là việc cô dâu Bến Tre, diễn viên Kim Chi, trong lễ ăn hỏi đã được bố mẹ chú rể Ginô Tống, trao tặng 18 cây vàng bao gồm rất nhiều kiềng, nhẫn, vòng tay…
Còn trong lễ ăn hỏi kết hợp lễ thành hôn của Khánh Thi - Phan Hiển vào tháng 12 năm ngoái. Khán giả không khỏi choáng ngợp trước sính lễ mà nữ kiện tướng dancesport nhận được gồm vàng, tiền mặt từ gia đình chồng là 10 cây vàng.
Khủng hơn nữa, trong một đám cưới ở Bình Dương, mẹ chú rể đã trao tặng cô dâu tới… 200 cây vàng. Cũng không kém phần hoành tráng, trong đám hỏi ở Kiên Giang, cô dâu Minh Thư nhận sính lễ từ gia đình chú rể Trần Đông gồm 1 cặp nhẫn kim cương, 1 đôi bông tai kim cương, 13 cây vàng và xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Với những gia đình giàu có, việc nhà trai trao món sính lễ “khủng” đến "cực khủng" cho cô dâu trong ngày đính hôn hay trong lễ cưới đã được biết đến khá nhiều. Nhưng chỉ vì gia đình nhà trai không mang đủ sính lễ theo thỏa thuận mà phải “quay xe” về thì thật là hy hữu.
Theo đó, mới đây, không gian mạng xã hội bỗng “nhộn nhịp” hẳn lên trước bài đăng của một tài khoản Facebook, chia sẻ về việc cô dâu ở Tây Ninh nhất quyết không chịu ra ngoài làm lễ trong buổi lễ đính hôn vì gia đình nhà trai chỉ đem sang 1,8 cây vàng cùng 40 triệu đồng làm sính lễ thay vì 3 cây vàng và 50 triệu đồng tiền nộp tài như đã hứa.
Mặc dù mức độ xác thực của câu chuyện trên có thể còn phải chờ thêm thời gian kiểm định nhưng hiện vụ việc vẫn đang gây xôn xao trên khắp các diễn đàn mạng.

Cuộc hôn nhân có bền chặt, có viên mãn hay không cốt lõi nằm ở tình yêu và sự đối đãi với nhau, chứ vật chất không quyết định được. Ảnh Internet
Nó gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ và một góc nhìn mới hơn, phù hợp thực tế hơn về sính lễ trong ngày cưới, không kể trong một số trường hợp còn liên quan đến quy định của luật pháp.
Lễ cưới trong lịch sử văn hóa Á Đông là một nghi lễ mang thông điệp rất quan trọng. Nếu giấy đăng ký kết hôn là cơ sở pháp lý để Nhà nước thừa nhận quan hệ hôn nhân của cặp đôi thì đám cưới là nghi lễ được tiến hành nhằm để xã hội công nhận mối quan hệ đó. Đây cũng là sự kiện để cô dâu chú rể thông báo với họ hàng, người thân, bạn bè… họ chính thức trở thành vợ chồng.
Trong lễ cưới truyền thống, sính lễ được hiểu là lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin kết thông gia, việc trao sính lễ cũng là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Nó mang ý nghĩa “đóng dấu chứng nhận” thể hiện cuộc hôn nhân đã được xác nhận của nhà trai và đồng thuận của nhà gái. Mặt khác, sính lễ cũng được xem là vốn ban đầu cha mẹ giúp cho cặp đôi xây dựng một cuộc sống mới.
Ngoài phẩm vật, sính lễ thường có cặp nhẫn đính hôn cho cô dâu, chú rể, đôi hoa tai, vòng cổ, lắc tay cho cô dâu và một món tiền mặt. Tùy theo điều kiện kinh tế của nhà trai mà sính lễ nói chung và trang sức cho cô dâu nói riêng nhiều hay ít (miễn là phải có đôi bông tai). Tuy nhiên sự cách biệt cũng không quá lớn do người ta xem sính lễ chỉ là tượng trưng. Cũng không ai dùng nó để so đo đẳng cấp giàu nghèo hay lấy làm căn cứ mà đong đếm tình thương cha mẹ dành cho con cái, càng không lấy đó để phô trương thanh thế gia tộc.
Ngày nay do xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng sung túc, ngày càng có nhiều gia đình giàu có tặng quà sính lễ cho cô dâu bằng những món đồ trang sức có giá trị “cực khủng”. Hình ảnh cô dâu với vòng vàng đeo kín người được dịp lan tỏa, tạo nên một trào lưu trên mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến ngưỡng mộ, tấm tắc ngợi khen và tỏ sự ao ước thì cũng có bình luận phê phán sự phô trương, khoe mẽ. Một cư dân mạng còn tỏ ra lo lắng, không biết sẽ giáo dục cách sống giản dị, khiêm nhường cho giới trẻ như thế nào.
Trong thực tế, đã từng xảy ra không ít trường hợp dở khóc dở cười do “đu” theo trào lưu khoe mẽ này. Có gia đình đi vay tiền mua vàng cho cô dâu. Sau đám cưới bèn thú thật và “xin” lại để bán trả nợ. Tất nhiên cô dâu cảm thấy vô cùng hụt hẫng nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Trường hợp “nhẹ nhàng” hơn: Cô dâu chú rể cùng thỏa thuận lấy số tiền dành dụm làm vốn dồn hết vào mua vàng làm sính lễ. Sau đám cưới, gom bán lại, chịu lỗ không ít.
Trước thực trạng tuổi thọ hôn nhân ngày càng bấp bênh và ngắn ngủi, việc phô trương hình thức nếu không đi song song với một cuộc sống hôn nhân viên mãn rất dễ gây ra tác dụng ngược, có khi thị phi làm ảnh hưởng tới cả thanh danh người trong cuộc.
Liên quan đến sính lễ, một luật gia còn cho biết, không ít lần anh tư vấn cho trường hợp khách hàng bị hủy hôn giữa chừng và muốn đòi lại sính lễ đã cho trong lễ đính hôn. Theo anh, xét về khía cạnh pháp lý đây là một hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản. Thông thường, việc tặng cho trong hôn nhân là do nhà trai tự nguyện trao tài sản và nhà gái đồng ý nhận mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Cho nên số sính lễ thuộc về nhà gái, dù cho nhà gái hủy hôn, họ cũng không có nghĩa vụ phải trả lại số tài sản này cho nhà trai.
Vậy nên chăng các bạn trẻ, nhất là các bạn đang chuẩn bị tổ chức đám cưới, hãy cân nhắc cẩn thận, nếu cần nên thỏa thuận rạch ròi giữa đôi bên, xung quanh vấn đề sính lễ. Tuy nhiên, một cuộc hôn nhân có bền chặt, có viên mãn hay không cốt lõi nằm ở tình yêu và sự đối đãi với nhau, chứ vật chất không quyết định được. Bằng chứng là sau sóng gió ba đào trong cuộc hôn nhân của mình, ông vua cà phê Trung Nguyên đã thốt lên: Tiền nhiều để làm gì?...