Người cố vấn và hành trình truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo

(DNTO) - Tác giả Lê Thị Thanh Lâm vừa cho ra mắt tập sách Người cố vấn được xem tài liệu tham khảo quan trọng, đóng góp vào hoạt động phát triển nguồn nhân lực của các tổ chức tại Việt Nam như doanh nghiệp, hội đoàn, cộng đồng khởi nghiệp và nghề nghiệp.
Tập sách được đánh giá là tài liệu tiếng Việt đầu tiên nói về câu chuyện của "Người tri kỷ, Người ảnh hưởng, Người dẫn dắt, Người cố vấn…" sau sáu năm nghiên cứu và gắn bó với nhiều tâm huyết của tác giả Lê Thị Thanh Lâm.

Tác giả Lê Thị Thanh Lâm. Ảnh: NVCC
Được biết đến là một doanh nhân thành công đã cố vấn cho hàng trăm mentee, một số là các start-up thành công, chủ các doanh nghiệp nổi tiếng, bà Lê Thị Thanh Lâm đã chia sẻ những câu chuyện liên quan đến vai trò của các mentor với góc nhìn của người trong cuộc sinh động, súc tích và sắc bén.
Lý giải về bản chất của Người cố vấn, tác giả Thanh Lâm chia sẻ: "Nếu bạn để ý sẽ thấy tất cả tên này dù khác nhau về ngữ nghĩa nhưng đều hướng đến một giá trị - sự cho đi. Đó chính là bản chất của Mentoring. Tôi tin rằng tất cả chúng ta, đến một thời điểm nào đó trong hành trình cuộc đời, khi đã nhận được sự giúp đỡ đủ nhiều từ người khác, khi đã có những trải nghiệm thú vị trên con đường sự nghiệp, hẳn đều sẽ có nhu cầu và trách nhiệm trao truyền những gì mình đã nhận cho thế hệ tiếp theo".

Tập sách Người cố vấn là tài liệu cần cho sự phát triển nhân tài của các doanh nghiệp. Ảnh: NVCC
Tập sách được chia thành 4 phần chính: Phần thứ nhất: Mentoring qua lăng kính lịch sử , giúp bạn đọc cách phân biệt Mentoring với những hình thức đào tạo khác, cũng như nó bao trùm các hình thức đào tạo khác như thế nào.
Phần hai: Mentoring - những cuộc “hôn nhân có bảo hành, là cách thiết lập, vận hành hệ sinh thái Mentoring với những vai trò chính. Ban điều hành, mentor, mentee… tất cả tạo nên một thế giới với những “cuộc tình” truyền cảm hứng và vô cùng thú vị là tại sao có bảo hành.
Phần thứ ba Đưa Mentoring vào doanh nghiệp: Những thuận lợi và khó khăn phải đối diện khi triển khai Mentoring vào một tổ chức. Cách linh hoạt ứng biến từ công thức Mentoring chung thành công thức Mentoring riêng biệt, phù hợp,phương thức phát triển nhân tài.
Phần cuối cùng: Những câu chuyện thành công là những câu chuyện người thật việc thật trong đó có câu chuyện của tác giả, từ một mentor bản năng đã phát triển thành chuyên nghiệp, trở thành“mentor của mentor”

Tác giả cùng các doanh nhân, bạn bè tại lễ ra mắt sách. Ảnh: NVCC
Với nhiều tâm huyết từ thực tế, tác giả cho rằng: "Khi một cá nhân muốn phát triển bằng sự cho đi, mentoring là một phương pháp hữu ích dành cho họ. Và khi cá nhân phát triển bằng một phương pháp tốt, họ sẽ ảnh hưởng tích cực và đóng góp nhiều hơn cho tổ chức, cộng đồng mà họ đang là một thành viên.
Vì để tâm nghiên cứu nên tôi đã biết đến những câu chuyện thành công trên thế giới khi áp dụng Mentoring vào nhiều loại hình tổ chức khác nhau. Vì chính mình trải nghiệm nên tôi đã tận mắt chứng kiến lợi ích của Mentoring đối với các tổ chức, từ trường học đến tổ chức hội và cả doanh nghiệp Việt ở mọi quy mô lớn nhỏ".
Theo đó, trong hệ sinh thái mentoring, mentee mới là người phát sinh nhu cầu, là đối tượng thụ hưởng chính. Với bản chất là một người đi học, mentee chưa từng và không thể tự gom lại để thành lập một tổ chức đi tìm người học hỏi. Sứ mệnh đó thuộc về người cố vấn. Với tầm nhìn của người đi trước, họ phát hiện nhu cầu học hỏi từ phía mentee và nhu cầu cho đi từ phía những lãnh đạo có tâm khác. Nhờ đó mà hệ sinh thái mentoring ra đời.

Tác giả và Bà Cao Thị Ngọc Dung. Ảnh; NVCC
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, một người bạn cũng là một hình mẫu mentor của chính tác giả đã nhận xét: "Tôi tin cuốn sách có ích cho các cá nhân muốn phát triển sự nghiệp, đồng thời rất có giá trị đối với các tổ chức muốn phát triển văn hóa học tập và chọn việc đầu tư cho con người làm chiến lược phát triển bền vững".
Ông Phạm Duy Hiếu, Chủ tịch Startup Vietnam Foundation, CEO i.Value Holdings cũng đánh giá cao về giá trị nội dung tập sách. "Đó chính là những bài học vô cùng quý giá đã được mentor Lê Thị Thanh Lâm đúc rút từ thực tiễn, từ mentoring 1-1 đến xây dựng văn hoá mentoring trong doanh nghiệp. Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực phát triển con người, phát triển tổ chức, kỹ năng lãnh đạo thì cuốn sách này không thể bỏ qua”.

Tập sách được nhiều bạn đọc đánh giá cao từ nội dung và tính thực tiễn. Ảnh: NVCC
Nguyên là một trong những cổ đông sáng lập, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food. Hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh thực phẩm, Tác giả Lê Thị Thanh Lâm đảm trách nhiều bộ phận quan trọng như kinh doanh nội địa, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, truyền thông đối ngoại, phát triển nhân lực... Người cố vấn là tập sách thứ ba của tác giả sau Người thả diều, Người dẫn chuyện
- Chúng ta đến với mentoring là hoàn toàn tự nguyện. Mentor đến là để cống hiến, cho đi những trải nghiệm, là muốn định hướng, dẫn dắt thế hệ đàn em. Mentee đến để học hỏi, mở rộng tầm nhìn, xây dựng mối quan hệ. Chúng ta cần tận dụng mỗi phút giây bên nhau làm tăng giá trị cho nhau.
- Trong bản nhạc mentoring, những bạn nhảy đồng điệu nhất chính là những “cặp đôi” cho và nhận đồng đều từ hai phía, dìu nhau đi qua những thăng trầm cảm xúc, để cuối cùng đến với kết quả là mentee có thể tự nhảy trên đôi chân của mình mà không cần mentor dìu dắt nữa.
- Khi bạn được vào môi trường Mentoring, bạn được bồi đắp tinh hoa từng ngày để cho dù bạn là hạt cát cũng sẽ trở thành hạt ngọc trai quý. Đó là thành quả của lòng kiên trì.
- Mentor sẽ giúp cho mentee của mình hiểu rõ bản thân hơn, khơi gợi các tiềm năng ẩn giấu, phát hiện ra điểm mạnh, chỉ cho mentee nhìn thấy “vùng mù”. Trên có sở đó, mentee sẽ tự tìm ra con đường ngắn nhất, tốt nhất để đạt được các mục tiêu của cuộc đời. Điều này sẽ tránh cho mentee không mất thời gian, công sức và tránh được cả những “ổ voi, ổ gà” có thể gặp trên con đường lập thân, lập nghiệp.