Ngày vía thần tài nghĩ về khát vọng làm giàu
(DNTO) - Theo tín ngưỡng phương Đông, thần tài là vị thần mang lại tài lộc, sung túc cho con người, đặc biệt là trong việc kinh doanh buôn bán. Theo thông lệ, người dân Việt ta lấy ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch làm ngày Vía thần tài
Truyền thuyết kể rằng, thần tài vốn ngự ở thiên đình, trong một lần say quá, ông rơi xuống trần gian, đầu va vào đá bị mất trí nhớ. Ông đi lang thang khắp nơi xin ăn. Kỳ lạ thay, cứ quán nào ông vào xin ăn thì quán đó khách đông nườm nượp. Mọi người thấy vậy ai cũng giành mời cho bằng được ông đến ăn ở hàng quán của mình.
Một thời gian sau, những người buôn bán quanh đó không còn xem ông như một người xin ăn mà là người mang đến may mắn cho họ. Họ bèn dẫn ông đi mua quần áo mới mặc cho tươm tất sạch sẽ. Lạ thay, sau khi mặc quần áo, đội mũ nón vào thì ông bỗng nhớ lại mọi chuyện. Thế là ông bay về trời. Hôm đó đúng vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Từ đó mọi người lập bàn thờ thờ ông, coi ông như vị thần cai quản của cải và mang tài lộc tới cho gia chủ, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý.
Khao khát có được một cuộc sống giàu sang phú quý là mong muốn chính đáng của con người. Trong các câu chuyện cổ tích, chúng ta vẫn thường thấy các nhân vật đại diện cho cái tốt, cho chính nghĩa, thường xuất thân nghèo khó như cô Tấm, Thạch Sanh… cuối cùng phần thưởng cho họ cũng đều là cuộc sống giàu có vinh hoa.
Vậy mà đã có một thời, người Việt ta lại nhìn nhận sự nghèo khó đồng nghĩa với thanh liêm, trong sạch, lương thiện và đạo đức. Tuy có thở than nhưng không giấu sự tự hào. Một ông thầy đồ nghèo rớt mồng tơi, một bà mẹ quê mùa nghèo khó, một mái nhà tranh xiêu vẹo, mưa dột, nắng xiên đã từng là hình ảnh được cảm thương và trân trọng khiến tao nhân mặc khách đua nhau dệt thành nhạc, thành thơ.
Từ đó, xã hội ráp nhau chĩa mũi dùi, công kích sự giàu có, nhìn người giàu bằng con mắt hằn học, thiếu thiện cảm. Trong các truyện kể, tuồng tích và trong tâm lý xã hội, những người giàu có hiện ra như một kẻ độc ác, gian xảo, lưu manh, chuyên “hút máu” dân nghèo.
Luôn luôn khát khao cuộc sống vinh hoa phú quý nhưng lại có cái nhìn ác cảm với người giàu, coi “tiền tài như phấn thổ”. Chính sự bất cập này đã khiến người Việt có cái nhìn sai lệch, thiếu công bằng, ngần ngại, loay hoay, bí bách với các phương cách làm giàu nhất là làm giàu bằng sản xuất, kinh doanh.
Vài thập niên gần đây, do sự phát triển của xã hội cộng với những biến thiên thời cuộc, quan điểm về giàu nghèo ở ta đã có sự thay đổi. Các ngành kinh tế, dịch vụ “hái ra tiền” được xã hội tôn vinh và coi trọng. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” tiến tới một quốc gia hùng cường cũng được củng cố.
Thật vậy, trong thực tế, rõ ràng ai cũng phải công nhận, khi đất nước, xã hội, cộng đồng cần hỗ trợ, góp sức… thì lực lượng doanh nhân luôn đứng mũi chịu sào vì họ được xem là “thành phần giàu có”. Điều đó cho thấy, sự giàu có về của cải vật chất chính là một động lực của xã hội, tạo cơ sở vững chắc và làm phong phú thêm cho sự giàu có về tinh thần như sự thiện nguyện, lòng nhân từ, tinh thần tương thân tương ái, sự hiếu thảo… bởi: “Phú quý sinh lễ nghĩa”.
Đồng tiền liền khúc ruột, tiền là thứ mà chúng ta phải ra sức “kiếm” nó, nó gần gũi và quen thuộc đến nỗi, tay ta chạm vào nó, mắt ta nhìn thấy nó mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Cho nên không ai là không quý đồng tiền do mình đổ công sức, trí tuệ, thậm chí sức khỏe ra kiếm được. Tuy nhiên cũng nên nhìn nhận đồng tiền đúng bản chất của nó: Là một công cụ dùng để trao đổi các giá trị tương xứng. Đồng tiền không có đủ sức mạnh để làm chủ, điều khiển chúng ta. Cái làm chúng ta sa ngã chính là những tham vọng không chính đáng của con người.
Vía thần tài cũng chỉ là một trong những thói quen thuộc về truyền thống văn hóa dân gian. Ai cũng biết thần tài là một nhân vật hư cấu nhưng Ngày vía thần tài hằng năm vẫn được mọi người, đặc biệt là giới kinh doanh coi trọng bằng việc sắm sửa vật phẩm dâng lên thần tài để tạ ơn, tưởng nhớ và cầu xin tiền bạc, lợi tức, của cải, mua may bán đắt, sung túc cho cả năm.
Tất nhiên phú quý vinh hoa, giàu có sung túc không thể dựa hoàn toàn vào niềm tin và sự may mắn. Yếu tố quyết định chính là con người: Tinh thần hăng say, chăm chỉ lao động; Sự thông tuệ cùng với một cái tâm sáng mới giúp chúng ta có được một cuộc sống giàu sang.