Mỹ nhân Payal Kadakia và cuộc cách mạng ngành công nghiệp thể hình
(DNTO) - Gượng dậy từ đại dịch, ClassPass, công ty hướng dẫn tập thể dục tại nhà của Paypal Kadakia đã hồi phục nhờ nhanh chóng sửa đổi mô hình để phục vụ khách hàng, hình thành cuộc cách mạng trong ngảnh công nghiệp thể hình
Ở tuổi 37, cô nàng vũ công Ấn Độ Payal Kadakia đầy bình tĩnh, tự tin và nhận định rõ thách thức của các thay đổi thời cuộc, để chỉ trong một thập kỷ đã vượt qua chúng để tạo ra ClassPass, một công ty hướng dẫn tập thể dục tại nhà có giá trị hơn 1 tỷ đô la. Sự thật là không có doanh nhân nào đưa sản nghiệp của mình lên mức định giá 10 con số chỉ bằng một câu chuyện ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu. Truyện cổ tích của Kadakia cũng thế!.
Là con gái của hai vợ chồng nhập cư Ấn Độ, Harshad và Geeta, Payal Kadakia lớn lên ở Randolph, New Jersey và tham gia vào đội cổ vũ của trường trung học thành phố. Nhờ xuất sắc trong môn toán và khoa học, Payal Kadakia trở thành nữ sinh của trường giành được giải thưởng vật lý rồi theo học lên cao tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Tốt nghiệp năm 2005, Payal gia nhập Bain & Company, một công ty tư vấn quản lý, và 3 năm sau chuyển sang Warner Music Group với tư cách là phó giám đốc chiến lược. Chính trong thời gian này cô đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, khởi đầu cho truyền thuyết ClassPass.
Lúc ấy Kadakia 27 tuổi, đang ngồi tại văn phòng cuối ngày làm việc, tinh thần mệt mỏi nhưng cảm xúc lại bồn chồn khi nhìn xuống đôi giày ba lê nằm trong túi để dưới chân bàn. Khiêu vũ là mối tình đầu đầy đam mê, ngập niềm vui, thứ tạo ra con người của Kadakia giữa xứ lạ. Là con gái của những người nhập cư Ấn Độ, Kadakia lớn lên trong một khu dân cư New Jersey, nơi không có ai giống gia đình cô. Chỉ đến khi được làm quen với múa Ấn Độ, cô mới nhận ra mình đã nắm bắt được một khía cạnh di sản quê hương, biến nó thành của riêng để quên đi sự khác biết ấy.
Ở trong lớp học tạm bợ tại tầng hầm chung cư, Usha Patel, một người bạn thân của mẹ cô, từng học tại một số trường nghệ thuật biểu diễn uy tín nhất ở Ấn Độ đã bắt đầu dạy cho Kadakia mới 3 tuổi các điệu múa đầy truyền thống thông qua chuyển động và diễn tả nét mặt. Tuy nhiên khiêu vũ Ấn Độ không phổ biến ở Hoa Kỳ như nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Các lớp học khiêu vũ cổ điển Tây phương thì vẫn có đầy nhưng múa kiểu Ấn tìm mỏi mắt chẳng thấy. Thời thơ ấu đi qua, cô Patel đã mất, tìm lại những lớp học khiêu vũ như thế quá khó cho những cô nàng nhân viên gốc Ấn như Kadakia để theo nghiệp nhảy mua. Chính thời điểm trăn trở ấy ý tưởng về ClassPass đã ra đời, một nguồn dịch vụ cung cấp cho các thành viên quyền truy cập vào một loạt các phòng tập thể dục thể hình độc đáo gồm đủ mọi thứ, từ khiêu vũ, đấm bốc, cắm trại ngoài trời đến yoga... tất cả đều có cốt lõi từ truyền thống xứ Ấn. Năm 2008, Kadakia đi bước đầu bằng việc thành lập Sa Dance Company, cung cấp một sân khấu chuyên nghiệp hơn cho các cô nàng Ấn Độ xuất thân múa phục vụ các sự kiện giải trí như đám cưới, khánh thành, mừng công, với các động tác được lấy cảm hứng từ ba lê, jazz và hip-hop. Sau khi chính thức ra mắt vào năm 2013, đến nay ClassPass của Payal Kadakia và người đồng sáng lập Sanjiv Sanghavi đã trải qua hai vòng xoay mô hình kinh doanh để ngày càng nổi bật.
Với những trang web của ClassPass, Kadakia xem đây là một sứ mệnh giúp mọi người đam mê tập luyện, vận động và kết nỗi sở thích ấy với nhau. Theo cô, chăm chút sức khỏe thể hình sẽ tạo ra sự thay đổi trong cách tiếp cận những nỗi sợ hãi và khó khăn từ rào cản ngăn cách màu da, tiếng nói. Sự biến chuyển ấy không dễ đạt, là một cánh cửa khó mở nhưng luôn chứa nhiều điều thú vị phía bên trong. Để thể hiện sức mạnh ấy, Paypal Kadakia đã lấy mình làm điển hình. Là một phụ nữ, lại thuộc lớp di dân thiểu số tới Mỹ, nơi xem chừng là thế giới đầu tư mạo hiểm dành cho nam giới da trắng, cô không hề sợ hãi. Đến với một số cuộc họp lớn nhất, người ta vẫn thấy cô mặc quần legging Lululemon chẳng chút tự ti, ngại ngùng...
Năm 2015, Classpass đã mở rộng đến mọi thành phố ở Hoa Kỳ và Kadakia được Tạp chí Marie Claire vinh danh là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở Mỹ. Tính đến đầu năm 2017, công ty được định giá khoảng 470 triệu USD, với 173 triệu đô la từ các nhà đầu tư bên ngoài đổ vào. Còn riêng Kadakia có tài sản ròng cá nhân hơn 50 triệu USD. Trước thời điểm Covid-19 tấn công Hoa Kỳ nói riêng và châu Âu nói chung, ClassPass đã có gần một triệu thành viên, hơn 700 nhân viên, mở rộng ra 30 quốc gia trên khắp năm châu lục với khoảng 2.000 khách hàng là công ty và doanh nghiệp. Tất nhiên, lúc dịch vừa đổ bộ, không có gì ngạc nhiên khi một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên khả năng kết nối khách hàng thị dân qua các buổi tập luyện trực tiếp như ClassPass phải chịu ảnh hưởng bất lợi lớn bởi cách ly phong tỏa xã hội. Kadakia thú nhận công ty đã mất ngay 95% doanh thu và buộc phải sa thải đến 31% nhân viên vì hoạt động kinh doanh giảm sút.
Để xoay chuyển tình thế, ClassPass nhanh chóng sửa đổi mô hình phục vụ khách hàng. Với ý đồ tập trung giữ chân đối tác, công ty đã hoàn thành một số việc, từ trải nghiệm phòng tập thể dục ngay tại nhà ở phòng khách và các không gian mở thông qua video phát trực tuyến, một phương cách vừa riêng tư mà lại rất an toàn mùa dịch, đến thực hiện kho clip khách hàng tự đóng góp cho studio các đối tác để cùng chia sẻ tập luyện không thu chút hoa hồng nào. Gượng dậy từ đại dịch Covid-19, thương hiệu của cô mau chóng lấy lại thành công. Đến nay, ClassPass đang cung cấp 50.000 lớp học thể hình kỹ thuật số theo yêu cầu và phát trực tiếp mỗi tuần để khách hàng trải nghiệm thực tập.
Về cuộc sống riêng tư, năm 2016, hơn hai năm hẹn hò, Payal Kadakia đã kết hôn với luật sư Nick Pujji. Sau 4 năm, cô sinh cậu con trai đầu lòng, Zayn. Với ClassPass đang hồi phục và mái ấm nhỏ, cứ xem đó là cái kết hoàn hảo của câu chuyện cổ tích mà Kadadia tạo ra trong ngành công nghiệp thể hình đương đại ngày nay.
Hải Ngư