Làm mới ca khúc: Sáng tạo hay gây thảm họa?
(DNTO) - Việc làm mới các ca khúc nổi tiếng gần đây được nhiều ca sĩ trẻ theo đuổi để dễ dàng chinh phục khán giả. Tuy nhiên, việc làm này được xem là "con dao hai lưỡi", không phải cứ thích là làm. Mới đây, ca sĩ trẻ Han Sara làm mới ca khúc Cô gái mở đường, vấp phải chỉ trích mạnh từ khán giả.
Trong chương trình The Heroes 2021 phát sóng ngày 6/11 vừa qua, phần trình diễn của Han Sara với tiết mục "Cô gái Zen Z" được làm mới từ ca khúc "Cô gái mở đường" đã vấp phải sự tranh cãi của khán giả.
Đa số chỉ trích gay gắt nữ ca sĩ và team sáng tạo đã không tái hiện được tinh thần, nội dung ca khúc của nhạc sĩ Xuân Giao ca ngợi các cô gái thanh niên xung phong làm công tác mở đường cho xe bộ đội vào chiến trường, trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Điều đáng nói, ca khúc phái sinh này được phối lại trên nền nhạc điện tử hiện đại, thay đổi phần lời không phù hợp với nguyên bản, kèm phần đọc rap nhắc đến nhiều nhân vật lịch sử như: Mẹ Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Hồ Xuân Hương... như một cách ca ngợi nữ quyền, tuy nhiên, nội dung liên kết gượng ép, không đúng tinh thần ca khúc cách mạng nổi tiếng được nhiều người yêu thích.
Bên cạnh đó, cách ăn mặc của ca sĩ và các vũ công hở hang, phản cảm khi đặt trong bối cảnh nội dung ca khúc, càng khiến người xem bức xúc. Cộng đồng mạng sau khi xem chương trình không chỉ lên tiếng phê bình ca sĩ, mà nhiều người cũng lên tiếng với cách tán dương khen ngợi của các giám khảo có mặt.
Đại diện chương trình đã lên tiếng giải thích, cho rằng nữ ca sĩ Han Sara sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, không hiểu rõ về văn hoá Việt Nam. Vì thế, tiết mục chú trọng về tính giải trí, song chưa phù hợp chủ đề tôn vinh hình ảnh các nữ anh hùng của đêm thi.
"Ca khúc hào hùng về cách mạng lại biến tấu đến kinh dị. Lời hát thì bị thay đổi, ăn mặc thì hở hang, nhảy múa thì phản cảm. Thật xấu hổ với thế hệ cha anh đi trước, quá thất vọng", một khán giả gay gắt.
Trước sự phản đối, phê bình của khán giả, phía team T-Sa ( gồm Han Sara cùng producer T.R.I) đã chính thức lên tiếng xin lỗi khán giả, nhận thiếu sót, đồng thời cho biết gỡ bỏ tất cả các dữ liệu của tiết mục này trên các nền tảng của chương trình.
"Sau khi lên sóng, team T-Sa nhận được nhiều ý kiến cho rằng sự sáng tạo lần này chưa phù hợp với nguyên bản ca khúc Cô gái mở đường. Đây là một thiếu sót lớn của team nên rất mong quý khán giả thông cảm bỏ qua", nữ ca sĩ viết trên trang cá nhân.
Trường hợp này một lần nữa cho thấy, việc các ca sĩ làm mới ca khúc xưa, thật sự khá mạo hiểm. Lằn ranh giữa sáng tạo và gây phản cảm khá mong manh, đòi hỏi những người thực hiện phải có sự hiểu biết, cũng như nắm được tinh thần bài hát và sáng tạo để được chấp nhận.
Thời gian qua, có không ít ca sĩ đã chọn làm mới ca khúc xưa, nổi tiếng. Nam ca sĩ Đức Tuấn cũng từng công bố một loạt sản phẩm làm mới nhạc xưa như nhạc của Trần Thiện Thanh, Trịnh Công Sơn… bằng cách pha trộn khéo léo giữa pop truyền thống, soul, jazz, orchestral,...
Nam rapper Hà Lê với dự án Trịnh Contemporary không chỉ làm mới ở việc hát lại nhạc Trịnh, mà thêm vào đó các yếu tố đương đại để tạo sự mới mẻ như âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh.
Trước đó, nhiều ca sĩ cũng từng có dự án làm mới nhạc xưa như Tùng Dương với "Tùng Dương hát tình ca", Hà Trần hát "Tình ca qua thế kỷ"... nhận được sự ủng hộ của khán giả. Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hơp vấp phải sự phản đối như ca khúc Cô gái mở đường mà Han Sara tái hiện. Hay trước đây, ca sĩ Bùi Lan Hương làm mới các ca khúc Mưa hồng của Trịnh Công Sơn và Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã bị nhiều khán giả và giới chuyên môn cho là "thảm họa" âm nhạc.
Thực tế, với các ca khúc cũ đã quá nổi tiếng, quen tai nhiều người, trở thành kinh điển, việc làm mới là một thách thức không nhỏ. Một số đông khán giả trẻ tuổi, thích cái mới hào hứng với sự làm mới về cách phối hiện đại trẻ trung, bổ sung các đoạn rap đầy ngẫu hứng.
Tuy nhiên, với những người đã từng có thời gian yêu thích và gắn bó với ca khúc sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi, nếu không dựa vào những chuẩn mực nhất định. Bởi sự phá cách không hợp lý sẽ khiến bài hát không còn là chính nó. Trường hợp Bùi Lan Hương cũng từng bị cho là phá hỏng, thậm chí "giết chết" tác phẩm nổi tiếng, đi cùng năm tháng.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã bức xúc cho rằng, đây chính là hành động "tuỳ tiện, vô văn hoá". Ca sĩ nếu có tài thì tự sáng tác chứ không thể tuỳ tiện mượn lời, mượn nhạc rồi thêm bớt được. Đó không phải là sự sáng tạo. Hành động này không lịch sự, không có đạo đức nghề nghiệp. Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lên tiếng với báo chí nhiều lần về vấn đề này.
Thực tế, việc làm mới ca khúc đã có từ lâu, không chỉ có ở nước ta, mà các ca sĩ nước ngoài cũng từng áp dụng.
Tuy nhiên, điều này cần phải tuân theo những chuẩn mực nhất định, các ca sĩ trẻ cần phải thẩm thấu và nắm bắt được tinh thần cũng như cảm xúc, bối cảnh của ca khúc nổi tiếng, từ đó có những sáng tạo hợp lý. Khán giả luôn hoan nghênh đón nhận cái mới, nhưng không phải hoàn toàn chấp nhận ca sĩ muốn tự ý thêm thắt, thay đổi với ý chí chủ quan của cá nhân.