Khát vọng về một Việt Nam hùng cường!
(DNTO) - Ngày 13/10, ngày Doanh nhân Việt Nam. 77 năm qua doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, đất nước, luôn tỏa sáng và thấm đẫm truyền thống “Tâm – Tài – Trí – Tín”, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 20/09/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định số 990/QĐ-TTg về ngày Doanh nhân Việt Nam, hàng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.
Nhớ lại 77 năm trước – ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới công thương, Người nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Lời kêu gọi của Bác là lời hiệu triệu của non sông, đất nước. Đồng thời cho thấy "tầm nhìn xa, trông rộng” của thiên tài Hồ Chí Minh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, giới công thương và nhiều doanh nhân đã có những nghĩa cử vô cùng cao đẹp, đóng góp cho quỹ “độc lập” và “tuần lễ vàng”, đảm bảo cho hoạt động chính quyền cách mạng non trẻ ngày đầu mới thành lập.
Với truyền thống tốt đẹp đó, trong những năm tháng đất nước có chiến tranh và sau khi đất nước thống nhất liền một dải, ngành công thương có vai trò quan trọng, nhất là trong giai đoạn muôn ngàn khó khăn chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị (khóa XI), Ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và đảm bảo độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân”.
Đảng, Nhà nước và cả hệ thống Chính trị đã chăm lo và tạo điều kiện cho lực lượng doanh nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng vào việc phát triển chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, mà còn tạo ra công ăn việc làm, cũng như an sinh xã hội, phục vụ cho xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cạnh tranh của nền kinh tế, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Hiện nay, theo con số thống kê có khoảng hơn 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, 15,3 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Cả nước có hơn 7 triệu doanh nhân. Việt Nam có 6 doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD” toàn cầu năm 2021; 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia; một số thương hiệu có tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới.
Trong thời gian qua, trong quá trình hoạt động kinh doanh, tham gia vào đời sống kinh tế - xã hội của cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc phát triển doanh nghiệp về chất lượng và số lượng còn hạn chế. Chưa có nhiều sản phẩm thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trên thị trường khu vực và toàn cầu.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục được phục hồi, phát triển nhanh và ấn tượng, đặc biệt GDP quý III/2022 tăng cao, đạt 13,67 % góp phần đưa tăng trưởng của 9 tháng đạt 8,83% (cao nhất từ 2011 đến nay). Kinh tế tăng trưởng ở cả ba khu vực chủ chốt. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; Công nghiệp và Xây dựng tăng 97,63%; Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng 10,57%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp được thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt 163 nghìn, tăng 38,6% so với cùng kỳ, gấp 1,44 lần doanh nghiệp rút lui.
Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về kinh tế - xã hội Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2022 và 2023, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á. Đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng, phải kể đến sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, nhất là những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm “nghẽn” trong cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế. Trong đó có sự nỗ lực của các ngành, các cấp, tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân để đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu mang tinh khát vọng của dân tộc, khẳng định và hướng tới mục tiêu đầu năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, khu công nghiệp cao; đến năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.
Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam trong bối cảnh mới là hết sức cấp thiết dưới tác động sâu rộng của quá trình hội nhập, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ.
Nhân kỷ niệm 77 năm, ngày Doanh nhân Việt Nam, giới doanh nhân bồi hồi, xúc động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, doanh nhân văn hóa thế giới với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc.
“Nguyện cùng Người vươn tới mãi”, giới Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc một khát vọng cháy bỏng về một Việt Nam hùng cường!