Gạo ST25 'ngon nhất thế giới' có nguy cơ bị 'đánh cắp'
(DNTO) - Hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 của 4 doanh nghiệp Mỹ. Bên cạnh đó, một công ty khác ở Australia cũng nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.
Ghi nhận trên các hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ và Australia, các nhãn hiệu đang chờ bảo hộ đều ghi rõ "gạo ST25", "ngon nhất thế giới".
Nếu những doanh nghiệp này đăng ký thành công, phía ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống gạo này - và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25 sẽ không được sử dụng các cụm từ như gạo ST25 ngon nhất thế giới khi xuất khẩu sang Mỹ và Australia.
"Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới" bị Mỹ, Australia đăng ký bảo hộ
ST25 là giống gạo do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo, được công nhận là giống gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức ở Manila (Philippines). Đến năm 2020, giống gạo này tiếp tục đạt giải nhì.
Tuy nhiên, hiện tại có 6 nhãn hiệu liên quan đến gạo ST25 đang nộp đơn xin bảo hộ bên ngoài Việt Nam. Mới nhất, ngày 22/4, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25, nêu rõ "gạo ngon nhất thế giới".
Đến nay, Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia đang triển khai kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.
Trước đó, 4 doanh nghiệp khác ở Mỹ cũng nộp 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 với cụm từ "ngon nhất thế giới" trong nhãn hiệu.
Mặc dù vậy, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định các hồ sơ này đều ở trạng thái "đang kiểm tra". "Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hồ sơ đăng ký là bảo mật nên Cục Xúc tiến thương mại không biết các doanh nghiệp này nộp hồ sơ từ bao giờ. Theo quy trình, nếu sau 6 tháng không có khiếu nại thì chính phủ Mỹ sẽ cấp quyền bảo hộ.
“Cục Xúc tiến thương mại đã liên hệ trực tiếp với ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của gạo ST25, đồng thời giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, năng lực về vấn đề này”, ông Vũ Bá Phú nói thêm.
Để giữ được thương hiệu, theo ông Vũ Bá Phú, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng nhằm chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự.
Quan trọng nhất, doanh nghiệp phải có quyết tâm đòi lại thương hiệu, chấp nhận mất thời gian và chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền.
Hồi cuối tháng 4, ông Hồ Quang Cua cũng cho biết đã thuê một công ty luật ở Mỹ lo thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm gạo này. Tuy nhiên đến nay, chưa có thông tin gì thêm về diễn biến vụ việc.
"Câu chuyện của gạo ST25 không mới"
Trước sản phẩm gạo ST25, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng từng bất ngờ khi biết cà phê Trung Nguyên bị "chuyển hộ khẩu" sang Mỹ, hay mít sấy Vinamit bị đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc. Tình huống tương tự cũng xảy ra với nước mắm Phú Quốc, bia Sài Gòn, bánh phồng tôm Sa Giang, võng xếp Duy Lợi ở Mỹ, kẹo dừa Bến Tre...
Chậm chân trong bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp sau này phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để lấy lại "đứa con tinh thần". Như trong trường hợp của cà phê Trung Nguyên là hàng trăm nghìn USD và 2 năm ròng rã.
"Câu chuyện của gạo ST25 không mới"Trước sản phẩm gạo ST25, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng từng bất ngờ khi biết cà phê Trung Nguyên bị "chuyển hộ khẩu" sang Mỹ, hay mít sấy Vinamit bị đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc. Tình huống tương tự cũng xảy ra với nước mắm Phú Quốc, bia Sài Gòn, bánh phồng tôm Sa Giang, võng xếp Duy Lợi ở Mỹ, kẹo dừa Bến Tre...
Chậm chân trong bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp sau này phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để lấy lại "đứa con tinh thần". Như trong trường hợp của cà phê Trung Nguyên là hàng trăm nghìn USD và 2 năm ròng rã.
"Bảo vệ thương hiệu không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn rất cần sự chủ động của doanh nghiệp"
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
“Câu chuyện của gạo ST25 không phải mới mà phổ biến ở thương mại quốc tế. Ngay tại Việt Nam cũng đã từng có thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong nước bị đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài. Do vậy, bảo vệ thương hiệu không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn rất cần sự chủ động của doanh nghiệp”, ông Vũ Bá Phú nói.
Theo vị này, Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo hệ sinh thái xúc tiến thương mại, trong đó giới thiệu nhiều chuyên gia thương hiệu, luật sư và doanh nghiệp để cùng đồng hành xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhất là tại các thị trường nước ngoài.
Hàng năm, trong khuôn khổ các chương trình xúc tiến thương mại, thương hiệu quốc gia, Bộ sẽ đề xuất hoạt động quảng bá thương hiệu cho các ngành hàng.
"Chúng tôi cũng phối hợp với các hiệp hội ngành hàng liên quan đăng ký bảo hộ thương hiệu ngành hàng (cà phê, thực phẩm…) trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm và đưa ra khuyến nghị nên đăng ký nhãn hiệu thương hiệu ở thị trường này", ông Vũ Bá Phú cho biết.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, thí điểm giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm phù hợp quy định của WTO.
Đồng thời, cơ quan quản lý xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của thương hiệu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm trên thị trường. Trong đó, các khóa đào tạo, tập huấn về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm sẽ được triển khai thường xuyên.
Đặc biệt, ông Phú khẳng định hành vi xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường sẽ được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo đăng ký bảo hộ kịp thời.
Khi có nguy cơ xảy ra tranh chấp, xâm hại thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu thương mại, Bộ Công Thương thông qua hệ thống tham tán tại nước ngoài, hệ thống thông tin từ các chuyên gia quốc gia nắm bắt kịp thời nguy cơ xâm hại bảo vệ sở hữu trí tuệ và thương hiệu Việt Nam để cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp xử lý.