'Đánh sập' nhiều điểm sản xuất, kinh doanh quần áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Uniqlo, Adidas
(DNTO) - Trong 3 ngày từ 1-3/10, Đội Quản lý thị trường số 3 và Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Thái Bình, đã đồng loạt kiểm tra đột xuất các kho hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh quần áo, hàng may mặc.
Đợt kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường Thái Bình nằm trong đợt cao điểm thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021.
Trong 3 ngày kiểm tra, đoàn phát hiện và tạm giữ gần 800 bộ quần áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu UNIQLO, ADIDAS; 560kg áo len và 2.061 kg vải các loại chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa.
Cụ thể, ngày 3/10, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp - Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất kho hàng của Công ty TNHH may xuất khẩu Bình Lan, địa chỉ: Thôn Tân Hoá, Xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ đang sản xuất, kinh doanh vải cuộn các loại.
Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện có 92 cuộn vải các loại, tổng trọng lượng 2.061 kg, Công ty chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hoá trên. Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa để thẩm tra, xác minh, làm việc tiếp để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 2/10, sau khi nhận được nguồn tin từ người dân, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng quần áo "Nết Hoàng", do bà Nguyễn Thị Nết làm chủ, địa chỉ: Xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đang kinh doanh quần áo các loại có dấu hiệu vi phạm về nhãn, nhãn hiệu hàng hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 700 bộ quần áo trẻ em gắn nhãn hiệu “UNIQLO” và 80 bộ quần áo thể thao nam gắn nhãn hiệu “ADIDAS” có nhãn nhưng không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa là 25.800.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa để thẩm tra, xác minh, làm việc tiếp để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng từ nguồn tin của người dân, ngày 1/10, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành khám nơi cất giấu hàng hoá tại Cơ sở sản xuất, buôn bán hàng dệt may Hương Hiền, địa chỉ: Xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình do ông Vũ Văn Hương làm chủ.
Tại thời điểm khám, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất, kinh doanh 30 bao áo len các loại, tổng trọng lượng là 560 kg có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hoá. Ông Hương - chủ cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hoá trên. Đội Quản lý thị trường số 5 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa để thẩm tra, xác minh, làm việc rõ.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thái Bình cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường triển khai tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định.
Đồng thời sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao ý thức hiểu biết quy định pháp luật của chủ cơ sở. Tổ chức kiểm tra, tuyên truyền tại các chợ truyền thống để người tiêu dùng nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết về hàng hóa, có khả năng phân biệt hàng thật- hàng giả, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.