Chủ quán báo tin khách lái xe khi đã uống rượu, bia: Cần xem xét tính thực tiễn
(DNTO) - "Không lái xe khi đã uống rượu, bia" là cuộc vận động nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân kể cả các chủ hàng, quán kinh doanh có bán rượu, bia. Tuy nhiên, yêu cầu chủ quán báo tin khách lái xe rời quán khi đã uống rượu, bia cần xem xét tính thực tiễn và hiệu quả của nó.
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin "Cảnh sát giao thông TP.HCM yêu cầu chủ quán nhậu phải báo tin cho công an nếu khách lái xe rời quán khi đã uống rượu, bia”. Quy định này xuất phát từ thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra làm thiệt hại về người và của do người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là “nhiệm vụ bất khả thi”. Người buôn bán sống nhờ “thượng đế”, thật khó để chủ quán chủ động “tố cáo” khách hàng của mình cho nhà chức trách xử phạt.
Tuy nhiên, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT - PC08) TP.HCM khẳng định không có chuyện chủ quán báo tin để CSGT đến xử phạt; không có yêu cầu hành chính, bắt buộc chủ quán mà chỉ vận động tuyên truyền, khuyến khích chủ cơ sở treo băng rôn phản ánh nội dung kêu gọi khách đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Khi nhận được tin báo từ các chủ nhà hàng, quán nhậu có khách lái xe rời quán sau khi đã uống rượu, bia, CSGT sẽ có mặt để kịp thời ngăn chặn, không cho người đã uống rượu, bia tự lái xe và tìm hướng xử lý. Đây được cho là một trong những giải pháp ngăn chặn từ gốc nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lái xe đã sử dụng bia, rượu.
Tuy nhiên, việc này thiếu tính thực tiễn. Khi hành khách đã uống rượu bia có ý định lái xe ra khỏi quán, thì chủ quán mới gọi cho CSGT. Trong khi chờ đợi, chủ quán không thể giữ khách lại. Không loại trừ khách say xỉn thường nóng nảy quá khích sẽ gây ra cãi vã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quán.
Một chủ quán lẩu ở quận 8, khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, dè dặt cho biết: “Là một người dân, bản thân tôi lúc nào cũng có ý thức chấp hành luật pháp. Một người kinh doanh quán nhậu như tôi càng có nhiều quy định buộc phải tuân thủ để “kiếm cơm”. Chị biết đó, vô quán nhậu tất nhiên là để… nhậu. Chị nhìn lượng xe máy trong bãi giữ xe của quán mà xem. Nếu khách có ý định đi taxi về thì họ đã đi taxi đến. Biểu tui kêu cảnh sát đến “bắt” khách, hổng khác nào kêu tui đóng cửa nghỉ bán, ra sông cạp đất ăn”.
Còn anh T.V.B., một “mối ruột” của quán, thì nói như đinh đóng cột: “Làm được tui đền!”. Anh chia sẻ, đời thợ hồ xa gia đình, xa quê, suốt ngày đội mưa nắng, hít khói bụi, sau một ngày quần quật, vài ba tối một lần, anh em rủ nhau tới quán “cải thiện”, kêu cái lẩu, mỗi người một hai chai bia “tâm sự”. “Tốn tiền nhậu rồi còn tốn tiền xe nữa, chịu gì thấu. Nên đành phó mặc hên xui”, anh B nói.
Trước đây, liên quan tới vấn đề này, các cơ quan hữu trách có liên quan, kể cả trên các diễn đàn mạng xã hội, mọi người đã đưa ra rất nhiều giải pháp: Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng rượu, bia; Tuyên truyền vận động nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng rượu, bia; Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu bia tham gia giao thông…
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến được nêu lên. Có sáng kiến rất thú vị như in hình phương tiện giao thông lên thân (ly) chai bia để nhắc nhở như là một “dụng cụ trực quan”.
Nhiều ý tưởng được đưa ra nhưng hầu như mọi giải pháp cho đến nay đều có những hạn chế nhất định. Cũng vậy, “sáng kiến” yêu cầu chủ quán báo tin cho CSGT nếu khách lái xe rời quán khi đã uống rượu, bia được cho là một biện pháp không mang tính thực tiễn và hiệu quả.
Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam, cho rằng thay đổi hành vi người tiêu dùng là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự cam kết lâu dài và can thiệp tác động từ ban đầu, để xây dựng ý thức “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Để ngăn chặn hành vi lái xe khi đã uống rượu bia, ngoài tăng cường chế tài xử phạt, điều quan trọng vẫn nằm ở ý thức của người tham gia giao thông. Về lâu dài, cần có biện pháp tuyên truyền hiệu quả, dần dần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia của người dân.