Bài học nào đọng lại sau lùm xùm về những phát ngôn của hoa hậu Ý Nhi?
(DNTO) - Hơn mười ngày qua, cái tên Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã làm “khuynh đảo” cộng đồng mạng bởi loạt phát ngôn của cô sau khi đăng quang. Cũng giống bất kỳ vụ lùm xùm nào xảy ra, sự việc “Ý Nhi và những phát ngôn của cô” cũng đọng lại nhiều bài học đến từ nhiều phía.
Loạt phát ngôn của hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi sau khi đăng quang đã vấp phải nhiều ý kiến phê phán, chỉ trích từ công chúng, tạo thành một làn sóng tẩy chay thậm chí đòi đơn vị tổ chức tước vương miện hoa hậu của cô. Trên Facebook, group anti nhanh chóng được lập ra với con số thành viên tham gia tăng lên từng phút đến chóng mặt, với con số ghi nhận ước lượng nửa triệu người. Trên trang cá nhân của Ý Nhi và đơn vị tổ chức, dư luận phản ứng gay gắt và liên tục gây sức ép. Các thành viên trong ban giám khảo cuộc thi cũng bị khán giả phản ứng gay gắt, chỉ trích dữ dội.
Một số câu nói của Ý Nhi đã trở thành câu nói đu trend mang tính chất châm biếm, hài hước phủ khắp mạng xã hội.
Đã hơn 10 ngày “sóng gió”, có vẻ như tình hình phần nào đã lắng dịu với kết quả là “người nói” đã nói hết, “người nghe” đã nghe rõ và lĩnh hội một cách thấm thía cùng với động thái biểu lộ sự hối hận, dù ly nước đổ đi không sao hốt lại cho đầy như cũ.
Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ vụ lùm xùm nào xảy ra, sự việc “Ý Nhi và những phát ngôn của cô” cũng đọng lại nhiều bài học đến từ nhiều phía.
Bài học thứ nhất dành cho Ý Nhi và các bạn trẻ về việc rèn luyện tính cách và trang bị kiến thức cơ bản và kỹ năng sống thật vững vàng trước khi bước vào đời.
Đó là bài học về sự khiêm tốn, về tâm lý “ảo tưởng sức mạnh” - tâm lý học gọi là Dunning – Kruger. Vấn đề gặp phải ở các bạn trẻ có tính cách phổ biến hiện nay là chỉ cần đạt được một thành công vượt trội nào đó hơn các bạn cùng trang lứa là tự cho mình “xuất chúng”, tuôn ra những phát ngôn đao to búa lớn mang tính triết lý rất “ất ơ”, rồi bắt đầu tập lối sống của một “thiên tài”, xem thường mọi người xung quanh, có khi dẫn đến vùi lấp tương lai, tiêu tan sự nghiệp. Thực tế chứng minh đã có nhiều trường hợp như thế.
Sự ảo tưởng sức mạnh của giới trẻ ngày nay được hình thành có sự “đóng góp” không nhỏ của các bậc cha mẹ. Chạy theo thành tích, khoe thành tích và dùng những lời lẽ tâng bốc có cánh, ca ngợi quá mức về một thành tích đạt được của con em mình; Cộng thêm các phương tiện báo chí truyền thông nhằm lan tỏa những giá trị sống tích cực, nhưng lại để sa vào cường điệu hóa mức cần thiết sự ca ngợi cá nhân trong bài viết, dẫn đến các bạn trẻ ảo tưởng đề cao bản thân một cách thái quá.
Bài học thứ hai dành các cơ quan hữu quan về những quy định, giới hạn, điều kiện cần nghiêm ngặt hơn để tránh dẫn đến việc “nở rộ” các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi không cần thiết và xứng tầm. Đồng thời Ban tổ chức cuộc thi nên chuẩn bị tốt hơn, tập huấn kỹ lưỡng hơn với các thí sinh, nâng cao trách nhiệm trong đào tạo và quản lý hoa hậu sau cuộc thi. Khi xảy ra sự cố cần biết cách xử lý truyền thông sao cho nhanh chóng kịp thời và khôn ngoan, tinh tế.
Cuối cùng, nghĩ cũng cần thiết là lời nhắn nhủ dành cho lực lượng đông đảo “quần chúng nhân dân” với những đánh giá khắt khe dành cho hoa hậu trước sự xuất hiện như nấm mọc sau mưa các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian gần đây.
Theo đó, sự đòi hỏi của công chúng về một hoa hậu không chỉ đẹp về sắc vóc mà còn phải có trí tuệ, tài năng và phẩm hạnh là một đòi hỏi chính đáng và có cơ sở.
Tuy nhiên, con dại cái mang, mũi vạy thì lái chịu đòn… là những đúc kết từ thực tiễn cuộc sống của người đi trước mà ngày nay vẫn còn được công nhận. Cá nhân Ý Nhi buộc phải chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình là điều tất nhiên. Từ sự cố này cô phải lấy đó làm bài học xương máu để tu dưỡng bản thân. Tuy nhiên, nếu như từ trong gia đình, ngay từ nhỏ, cô được quan tâm rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, đặc biệt là trước khi xác định trở thành người của công chúng; Về phía đơn vị tổ chức, song song với sự trao chuốc hình thể đi đứng, ăn mặc, việc thẩm định kiến thức, khả năng ứng xử để uốn nắn, bổ sung cho thí sinh của mình nếu được cân bằng thì có thể sẽ có một Ý Nhi biết cẩn trọng hơn trong lời nói của mình.
Có câu kẻ thù của giới trẻ là sự thành công. Đằng sau ánh hào quang của thành công là thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Sau những thiếu sót và biết nhận lỗi của mình, Ý Nhi cũng rất cần nhận được sự rộng lượng, bao dung của công chúng để em có cơ hội khẳng định mình trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Hơn mười ngày qua, chỉ trích, phê phán, tức giận, rầy la gì cũng đã được mọi người biểu lộ, phân tích cặn kẻ và đầy đủ các khía cạnh rồi. Thôi thì, người Việt Nam ta không có thói quen đuổi cùng diệt tận, chúng ta cũng nên khép lại vụ việc trong tinh thần "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". “Giơ cao đánh khẽ” cũng là nêu bật tính bao dung của dân ta bao đời nay. Điều thứ 12 trong 14 lời răn của Phật ghi: “Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung”. Tương tự, trong 8 câu Kinh thánh nói về lòng khoan dung của Thiên Chúa có câu “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”…
Còn một điều chắc ít người biết Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) lần đầu tiên đã quyết định tổ chức “Ngày Quốc tế về khoan dung” vào 16/11/1996.