46 nhà máy ở Bình Dương tổ chức công nhân ở lại
(DNTO) - Gần 7.000 công nhân của 46 nhà máy được tổ chức ở lại nơi làm việc ít nhất hai tuần để đảm bảo không đứt mạch sản xuất khi dịch bùng phát, xâm nhập.
Chiều 7/7, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho hay số công nhân nói trên chiếm gần 40% tổng số lao động của 46 nhà máy. Đây là các doanh nghiệp ghi nhận ca nhiễm, bị phong toả nhưng cũng có doanh nghiệp chưa bị dịch xâm nhập. Những công nhân đồng ý ở lại ngoài việc đảm bảo chỗ ăn nghỉ còn được hỗ trợ 1-2 triệu đồng mỗi người.
Trưởng ban quản lý Các khu công nghiệp Bình Dương Bùi Minh Trí cho hay, nhà máy tổ chức công nhân ở lại phải đảm bảo nơi ăn nghỉ, sản xuất theo các tiêu chí phòng chống dịch. Các nhà máy phải lắp thêm nhà vệ sinh, nhà tắm phục vụ công nhân. Tổ an toàn Covid-19 doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở lao động tuân thủ 5K. Công nhân phải được xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Người có kết quả âm tính mới vào khu lưu trú.
Ông Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH điện tử Foster (Khu công nghiệp VSIP II, TP Thủ Dầu Một) cho biết để cho 700 công nhân ở lại, nhà máy đã tách biệt khu nhà ở với các phân xưởng, trang bị máy lạnh, mùng mền, gối. Đơn vị y tế được thuê hàng tuần test Covid-19 cho lao động. Mỗi ngày công nhân được lo ba bữa ăn chính, hai bữa phụ; hỗ trợ 100.000 đồng...
Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Tính đến tối qua, tỉnh ghi nhận 918 ca nhiễm, hơn một nửa là công nhân. Khoảng 360 nhà máy bị ảnh hưởng; nhiều khu vực dân cư, nhà trọ bị phong toả.