Vụ 36 container hạt điều mất kiểm soát: Trách ai, doanh nghiệp hay ngân hàng?
(DNTO) - Thương trường quốc tế phức tạp trong khi doanh nghiệp thường mập mờ về đối tác, ngân hàng thả lỏng thiếu giám sát hỗ trợ… là nguyên nhân khiến câu chuyện doanh nghiệp Việt bị lừa trên thương trường khó có hồi kết.
Đánh vào điểm yếu của doanh nghiệp
Vụ 100 lô hạt điều xuất đi nước ngoài của hơn 10 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 36 lô (tương đương khoảng 130 tỷ đồng) bị mất kiểm soát bộ chứng từ giao hàng, đang gây xôn xao dư luận thời gian qua. Điều đáng nói là chiêu thức của kẻ lừa đảo không phải là mới nhưng đây lại là thương vụ lừa đảo có giá trị lớn nhất từ trước đến nay.
“Bài học thì nhiều lắm, nhưng doanh nghiệp Việt “rút” mãi vẫn bị dính, ông Nguyễn Trọng Thùy, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Sóng Thần, hiện là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết khi trao đổi với PV Doanh Nhân Trẻ.
“Bọn lừa đảo luôn tìm cách đánh vào điểm yếu của doanh nghiệp. Sau giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó về xuất khẩu, giờ tìm được khách hàng thì mừng quá. Kẻ lừa đảo nhân đây đánh vào sự 'nhẹ dạ cả tin' của con người: thứ nhất, cố ý tạo niềm tin từ một vài lô hàng trước; thứ 2, bất ngờ đưa ra mức giá hấp dẫn, điều kiện giao hàng, thanh toán thuận lợi. Nếu doanh nghiệp đang tồn kho lớn, lại đang rất cần vốn kinh doanh sau đại dịch thì kiểu gì cũng bán”, ông Thùy chia sẻ.
Tuy nhiên, thật sơ suất khi doanh nghiệp không chịu tìm hiểu, nghiên cứu đối tác để đảm bảo họ thiện chí, chân thật, mà chỉ ký hợp đồng thông qua môi giới.
“Trước đây có nhiều doanh nghiệp đã bị lừa từ hải sản, gỗ; có doanh nghiệp bị lừa hàng triệu đô tiền gạo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đành ngậm ngùi im lặng, sợ mang tiếng 'vạch áo cho người xem lưng'”, ông Thùy nói tiếp.
Ngân hàng có sơ suất?
Phương thức thanh toán nhờ thu chứng từ (Documents against Payment - D/P) mà các doanh nghiệp sử dụng trong các thương vụ lần này đều có sự tham gia của ngân hàng bên người mua và ngân hàng bên người bán. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Trọng Thùy, không phải cứ có chứng từ qua ngân hàng là doanh nghiệp có thể yên tâm.
Thứ nhất, doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận phương thức D/P là quá rủi ro, trong khi giá trị hàng lớn, khách hàng không được điều tra kỹ càng. Nếu chúng ta chỉ đồng ý thanh toán bằng L/C (Letter of Credit) thì câu chuyện đã khác.
“Không rõ các lô hàng này có được ngân hàng tài trợ không? Nếu doanh nghiệp đã vay và dùng lô hàng đó làm tài sản đảm bảo trả nợ thì rủi ro lớn thuộc về ngân hàng. Như vậy, trách nhiệm của bên tài trợ trong việc giám sát từ khâu ký hợp đồng, áp dụng phương thức thanh toán, thiết lập bộ chứng từ… là cần xem xét”, ông Thùy nhấn mạnh.
Một điểm cần lưu ý là trong lập chứng từ cần phải thể hiện vai trò ngân hàng trong việc thu hộ tiền hàng. Nếu vận tải đơn (B/L) lập thể hiện: “người nhận hàng: theo lệnh ngân hàng thu hộ” (consignee: to order of … bank) thì dù người mua sở hữu bộ chứng từ hàng hóa cũng không thể nhận hàng nếu không được ngân hàng ký hậu B/L. Mà ngân hàng chỉ ký hậu và chuyển giao chứng từ để nhận hàng khi người mua (hoặc người nhận hàng) thể hiện trên B/L đã trả tiền.
Thông thường, các ngân hàng thương mại tài trợ theo hợp đồng xuất khẩu từ 50-70% giá trị lô hàng và đảm bảo thu nợ từ chính lô hàng đó. Họ sẽ chịu rủi ro chính nếu doanh nghiệp bị gian lận hoặc lừa đảo không thu được tiền. Do vậy vai trò tư vấn giám sát của nhà tài trợ xuất khẩu không những tạo sự kết gắn “máu thịt” với khách hàng mà còn tự cứu mình trong tình huống xấu nhất.
Tuy nhiên, theo ông Thùy, vụ việc lần này may mắn đã được chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương bằng nhiều con đường. Đại diện VIAC cho hay: “Bây giờ chúng ta phải có được phán quyết của tòa về xử lý các lô hàng, hiện nay mới chỉ là giải pháp khẩn cấp, tạm thời. Tuy nhiên có được phán quyết của tòa nước sở tại không dễ và không nhanh được bởi luật của các nước có sự khác biệt. Quan trọng là sự vào cuộc quyết liệt của phía Việt Nam, chính sách ngoại giao và mối quan hệ về thương mại giữa ta và nước đó như thế nào?”.
Được biết, kẻ gian đã lợi dụng sơ suất, mất cảnh giác của nhà xuất khẩu để sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu tiền chứng từ (D/P). Sự việc vỡ lở khi tất cả các bộ chứng từ gốc của lô hàng 36 container hạt điều đã được phía ngân hàng Việt Nam gửi thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, nhưng các ngân hàng tại Ý phản hồi chỉ nhận được bản chứng từ photo hoặc giấy trắng. Hiện nay, các container hạt điều đã được cơ quan cảnh sát Italy ra lệnh phong tỏa, không cho bất kỳ ai ra cảng lấy hàng để doanh nghiệp Việt củng cố chứng cứ nắm lại quyền sở hữu hàng hóa. |