Trách nhiệm thức tỉnh du lịch Ninh Thuận
(DNTO) - Vùng đất Ninh Thuận như cô gái 18 tươi xinh đang chìm trong giấc ngủ. Làm sao tạo nguồn lực tổng hợp đánh thức “thiếu nữ”, đưa du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng “trời ban”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà là nỗi trăn trở của anh Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ninh Thuận.
Dù là kẻ ngoại đạo của ngành du lịch, nhưng chính anh lại được nhắc đến nhiều khi nói về du lịch Ninh Thuận những ngày gần đây
Cơ duyên anh đến với các dự án du lịch của tỉnh nhà vô cùng bất ngờ. “Khoảng vài tháng trước có một hội nghị xúc tiến du lịch giữa Ninh Thuận và Quảng Nam,mình đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, chủ động đề xuất các sản phẩm du lịch, đưa ra các chương trình hoạt động”, anh Hồng kể lại.
Sự nhiệt tâm cùng mong muốn đưa du lịch Ninh Thuận đi xa trong bản đồ du lịch nước nhà khiến anh được chú ý.
Làm thế nào để kêu gọi đầu tư, để du lịch Ninh Thuận thoát khỏi “vùng lặng”, bứt phá trong thị phần du lịch nội địa… những trăn trở ấy đã trở thành động lực để doanh nhân Nguyễn Thanh Hồng nỗ lực không ngừng.
“Nếu nói quá tải về công việc thì mình quá tải lâu rồi, từ giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nhưng mình phải luôn cố gắng làm hết mình, tâm huyết; không làm thì thôi, đã làm là chu đáo, cầu toàn đến cùng”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ninh Thuận tâm sự.
“Ninh Thuận còn hoang sơ và đẹp lắm. Dải bờ biển dài, xanh sạch đẹp; nhiều địa danh ít ai biết như Lưu Trữ, Cà Ná, Bình Sơn…, có khu dự trữ sinh quyển, văn hóa cộng đồng đa dạng với mấy chục dân tộc. Vị trí địa lý thuận lợi khid ễ dàng kết nối với các tỉnh như Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa. Ấy vậy mà tiềm năng ấy lâu nay bị bỏ quên”, anh Hồng chia sẻ.
Ninh Thuận đã có “thiên thời, địa lợi”, chỉ còn “nhân hòa” mà thôi. Lãnh đạo tỉnh cũng đã bật trạng thái từ “quản lý” sang “phục vụ”, “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Cuối cùng, “điểm nghẽn” vẫn là vốn, vẫn là làm sao thu hút, đánh thức tâm huyết nhà đầu tư dành cho vùng đất này.
Những trang trại nho, táo, cừu, cùng nền văn hóa các dân tộc đặc sắc cho phép Ninh Thuận phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết là nhỏ và vừa; dù họ rất yêu và hiểu vùng đất của mình nhưng “lực bất tòng tâm”. Một số doanh nghiệp lại chỉnhắm đến du lịch đô thị, xây căn hộ, chung cư.
“Rất khó có lợi nhuận ngay được, do đó cần nhà đầu tư tâm huyết, trường vốn, sẵn sàng sống chết với dự án. Nhưng, hiện nay tìm được nhà đầu tư như vậy vô cùng khó”, anh Hồng trầm ngâm.
Tuy nhiên, vị doanh nhân này cũng lạc quan cho biết: “Có thể muộn nhưng lại chính là cơ hội khi du khách muốn khám phá những vùng đất mới”.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Tháng 4 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Ninh Thuận, đại diện là anh Nguyễn Thanh Hồng đã ký kết "Chương trình hợp tác phát triển du lịch hai địa phương Ninh Thuận – TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025" với Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM. Chương trình khởi đầu cho hoạt động ký kết hợp tác du lịch giữa hai địa phương; tiếp theo sẽ diễn ra giữa Ninh Thuận và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Theo đó, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM hỗ trợ Hội Doanh nhân trẻ Ninh Thuận trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tư vấn về chuyển đổi số; thương mại điện tử và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận…
Ngoài ra, các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư, caravan từ thiện từ TP.HCM sẽ chọn Ninh Thuận là điểm dừng chân hoặc sẽ là đích đến.Hai hội đã có kế hoạch triển khai chương trình từ nay đến cuối năm.
Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnhcũng được hâm nóng tinh thần, tích cực “mang chuông đi đánh xứ người”, bước đầu thực hiện kế hoạch tổ chức tour đi các tỉnh như Khánh hòa, 6 tỉnh miền Tây, Indonesia, Thái Lan, Đông Bắc…, một mặt kéo doanh thu về, mặt khác quảng bá rộng rãi thêm tiềm năng du lịch tỉnh nhà.
Để hỗ trợ hoạt động du lịch, Hội Doanh nhân trẻ Ninh Thuận đã thành lập Câu lạc bộ Du lịch để tìm cách thúc đẩy các hoạt động xúc tiến du lịch, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp…
Giai đoạn tới, Ninh Thuận xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính gồm: 4 sản phẩm đặc thù (du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa), 4 sản phẩm mới lạ (du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát - Muối, du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe), 4 sản phẩm bổ trợ (du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; Thương mại du lịch). Ninh Thuận đặt mục tiêu đề ra trong năm 2022, ngành du lịch sẽ đón 1,9 triệu lượt khách; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.400 tỷ đồng. |