TOP 10 và TOP 100 Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024 gặp gỡ Tập đoàn FPT
(DNTO) - Sáng 9/8 tại FPT Software Hòa Lạc, TP. Hà Nội, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Tập đoàn FPT đồng chủ trì tổ chức Chương trình Giao lưu, Chia sẻ cùng lãnh đạo Tập đoàn FPT. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ trao Danh hiệu Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024.
Tham dự chương trình có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa I, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT; các Phó Chủ tịch Hội: Ông Hoàng Công Đoàn, ông Đỗ Hữu Huỳnh cùng đại diện CLB Đầu tư & Khởi nghiệp DNT Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tập đoàn FPT và TOP 10, TOP 100 Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024.
Mở đầu buổi gặp mặt, ông Trương Gia Bình đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình và Tập đoàn FPT. Ông nhấn mạnh rằng khởi nghiệp không chỉ là con đường dẫn đến thành công tài chính mà còn là quá trình học hỏi không ngừng nghỉ, vượt qua những thử thách và rào cản để đạt được những mục tiêu lớn lao.
"Khởi nghiệp là một hành trình dài hơi, đòi hỏi doanh nhân trẻ khởi nghiệp phải luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn và thất bại. Chỉ có sự kiên trì và tinh thần học hỏi mới giúp họ vượt qua những thử thách và đạt được thành công", ông Bình nói.
Chia sẻ về câu chuyện thành công và thất bại của mình, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư & Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh rằng, sự kiên trì và quyết tâm là yếu tố then chốt để vượt qua mọi thử thách.
“Cách đây 8 năm, khi đạt danh hiệu TOP10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, tôi mới được tiếp cận các doanh nhân kì cựu. Bên cạnh việc tự học, khi gặp gỡ các anh chị doanh nhân lớn hơn, tôi không ngần ngại xin họ lời khuyên trong khởi nghiệp, kinh doanh. Nhờ vậy, tôi có thể trưởng thành như hôm nay. Vì vậy, các doanh nhân trẻ đừng ngần ngại, hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, dù chưa vĩ đại ngay nhưng bắt đầu từ ngành, vùng nhất định để phát triển sẽ đạt được những thành tựu lớn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng chia sẻ về những chiến lược đầu tư khởi nghiệp hiệu quả, từ việc phân tích thị trường, lựa chọn lĩnh vực đầu tư đến việc xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư và đối tác chiến lược.
Các diễn giả đều cho rằng các doanh nhân trẻ hãy luôn giữ vững đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Theo họ, thành công bền vững chỉ đến khi doanh nghiệp biết cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, trong thế giới kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh, sự sáng tạo và đổi mới là yếu tố sống còn. Doanh nhân trẻ cần luôn tìm kiếm những ý tưởng mới, không ngại thay đổi và thử nghiệm những điều mới mẻ để tạo ra sự khác biệt và dẫn đầu thị trường.
Một số câu hỏi của doanh nhân trẻ gửi tới Chủ tịch FPT Trương Gia Bình:
* Doanh nhân trẻ: Làm thế nào để biến việc cũ trở nên vĩ đại?
- Ông Trương Gia Bình: Tôi muốn nói đến câu chuyện công ty sản xuất máy nghe nhạc ở Nhật Bản vào năm 1979. Họ nói với khách hàng: Chúng tôi tôi không giới thiệu sản phẩm mới mà giới thiệu thói quen mới, có thể nghe nhạc bất cứ nơi nào. Đó là chiếc máy nghe nhạc (thay cho đài với băng cối). Họ đã làm mới thói quen cũ bằng cách đưa con chip vào sản phẩm điện tử.
Chúng ta phải nghĩ đến đột phá. Việc vẫn cũ mà thôi nhưng đưa khái niệm đột phá nhờ công nghệ vào sản phẩm.
* Làm sao để giữ hiền tài trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp còn khó khăn?
- Những nhà sáng lập FPT là dân chuyên Toán,học cùng nhau từ lớp 7. Chúng tôi đã biết mặt, biết tên nhau, cùng nhau thi cử, ra nước ngoài học với nhau 5-10 năm. Chúng tôi may mắn cùng nhau thành lập doanh nghiệp và dành rất nhiều thời gian cho công việc.
Nhưng trong quá trình nuôi dưỡng FPT, tôi cũng không biết bao lần tâm sự, thuyết phục những nhân sự giỏi làm cùng mình. Tôi vẽ ra ước mơ lớn để chinh phục trái tim và trí óc của họ. Như Steve Jobs từng nói với cộng sự: “Anh về với tôi thay đổi thế giới hay đi bán nước pha đường”.
Khi làm bất kể kiểu gì, chúng tôi luôn tâm niệm không bỏ nhau vì coi nhau là gia đình. Tôi quan điểm, lãnh đạo phải yêu thương nhân viên, người tài bằng trái tim của mình, yêu quý họ như người thân. Tiền không giữ được người tài vì họ muốn làm thứ đáng kể cho đời.
* Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được xây dựng như thế nào?
- VHDN đến với FPT tự nhiên, vì chúng tôi vốn dĩ là bạn bè. Khi quyết định xây dựng VHDN, tôi đi gặp mọi người nói chuyện, trao đổi và thống nhất 6 chữ: Tôn đổi đồng, Chí gương sáng (Tôn trọng – Đổi mới – Đồng đội; Chí công – Gương mẫu – Sáng suốt). Đây được xem là một phần không thể thiếu kiến tạo nên bộ GEN của FPT, là Tinh thần FPT, là sức mạnh thúc đẩy lãnh đạo, CBNV của Tập đoàn không ngừng nỗ lực, sáng tạo vì lợi ích chung của cộng đồng, khách hàng, cổ đông và các bên liên quan khác.
* Khi thất bại, ông Bình nghĩ đến cái gì? Nghĩ đến ai?
- Ban đầu là chấp nhận và nhắc mình giữ lấy gốc yêu thương. Tôi đã đọc rất nhiều về Jack Ma. Khi gặp Jack Ma, tôi hỏi: Tôi biết anh thất bại nhiều lần, có lúc 24 người xin vào KFC chỉ mình anh không được nhận, làm cách nào để đứng dậy?
Jack Ma trả lời: Tôi thất bại liên tục, không đứng dậy biết làm gì tiếp theo?
Quan trọng nhất là giữ tình yêu và chấp nhận.
* Đâu là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ của Việt Nam đi ra toàn cầu?
- Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, công nghệ ra đời, Việt Nam có cơ hội lớn là nguồn nhân lực. Đây sẽ là đòn bẩy để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt đi ra toàn cầu.
CEO Nvidia từng nói với tôi: Việt Nam có 1 triệu người làm CNTT, nửa triệu người làm phần mềm nếu chuyển sang làm AI, Chip thì Việt Nam có cơ hội đứng vào hàng ngũ các quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Vô tình, những quốc gia ăn đũa nằm trong hệ sinh thái chip toàn cầu. Quan trọng là do yêu thích, yêu học và có những phẩm chất phù hợp làm chip.