Sống tối giản có đi ngược lại chiến lược kích cầu kinh tế và khuyến khích tiêu dùng?
(DNTO) - Sống tối giản ngày nay không chỉ gói gọn trong việc lược bớt những vật dụng sinh hoạt, tinh gọn không gian sống mà bao gồm cả tối giản các trạng thái tinh thần. Tuy nhiên, sống tối giản có mâu thuẫn gì với chiến lược kích cầu kinh tế và khuyến khích tiêu dùng?
Tối giản vật chất - tối giản tinh thần
Gần đây, xu hướng tiêu dùng tối giản (underconsumption), được cho là bắt nguồn từ Nhật Bản, đang nổi lên trong giới trẻ khắp thế giới, từ các nước ở châu Mỹ cho tới châu Á, trong đó có Việt Nam. Không ít hội nhóm dành cho người sống tối giản trên mạng xã hội có từ vài trăm đến vài chục nghìn thành viên ủng hộ, tham gia, chia sẻ.
Lối sống tối giản mới đầu chỉ là hành động lược bớt những vật dụng sinh hoạt, bày trí cho gọn nhẹ để đỡ tốn thời gian và công sức dọn dẹp. Bớt mua sắm để tiết kiệm trong tình hình kinh tế khó khăn.
Sau đó, không chỉ tối giản về vật chất, người ta còn quan tâm đến tối giản cuộc sống tinh thần, tối giản từ trong suy nghĩ; Tối giản thông tin tiếp nhận hằng ngày, hạn chế tiếp nhận thông tin rác; Tinh gọn các mối quan hệ, dành thời gian cho những mối quan hệ thật sự chất lượng; Bớt tải quá nhiều ứng dụng trên máy tính điện thoại ngoài công việc, sắp xếp lại các file, hình ảnh lưu trữ trên máy tính, điện thoại và xóa bỏ những gì không cần thiết; Bớt sân si, soi mói chuyện người khác…
Trong thực tế, nhiều người sau khi áp dụng sống tối giản cho biết, họ thấy cuộc sống thoải mái nhẹ nhàng, bớt lo toan, vất vả hơn, đặc biệt là “bơ” với thị phi.
Tối giản phù hợp với lối sống xanh
Ngày nay, ý nghĩa của sống tối giản được nâng cao hơn khi cho rằng: Nó còn phù hợp với xu thế sống xanh: Bớt mua sắm - ít vật dụng, ít rác thải. Đồng nghĩa với góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới lối sống bền vững, xu hướng này hợp với thời đại và nó sẽ còn phát triển thêm.
Sống tối giản là cách thể hiện tinh thần “tiêu dùng xanh” qua việc hưởng ứng các phiên chợ đồ cũ, đồ tái chế, sản phẩm thân thiện môi trường. Ưu tiên chất lượng tốt, ứng dụng cao, độ bền sản phẩm… hơn là chạy theo số lượng, giá rẻ mà nhanh hỏng. Hoặc thói quen mua đem về cất tủ rồi quên luôn hoặc nhanh chán lại vứt bỏ. Kỹ năng phối đồ tốt cũng cho ra nhiều bộ thời trang trên số lượng quần áo và phụ kiện có hạn.
Tuy nhiên, tối giản quan trọng là thoải mái không gượng ép, không bó buộc bản thân, chứ không phải là hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn. Tối giản là tiết kiệm chi phí, không gian, thời gian, tiền bạc để đầu tư vào những thứ mà ta cho rằng có giá trị hơn đối với bản thân như du lịch, trải nghiệm thực tế, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng.
Sống tối giản có đi ngược lại với xu hướng khích lệ tiêu dùng?
Ở phía ngược lại, có người cho rằng tối giản làm mất động lực làm việc và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xã hội; Tối giản có thể gây hại cho các nhà bán lẻ vì lợi nhuận của họ gắn chặt với chi tiêu của người tiêu dùng; Sống tối giản mâu thuẫn với mục tiêu kích cầu kinh tế và khuyến khích tiêu dùng…
Về vần đề này, nhà nghiên cứu Seshan Ramaswami (Đại học Quản lý Singapore) cho rằng sự nhạy bén, thông minh của các nhà hoạch định và thực thi khiến họ luôn biết cách tạo ra các cơ hội kinh doanh đáp ứng được trào lưu xã hội. Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của lối sống tối giãn sẽ khiến việc hưởng lợi rơi vào các công ty thuộc lĩnh vực sửa chữa, phục hồi, phụ tùng, phụ kiện thay thế….
Còn theo TS Lã Linh Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục thì: Lối sống tối giản trước mắt sẽ tác động đến những ngành kinh doanh sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu đúng, tối giản ở đây không phải là không sắm gì, mà là hướng tới những món đồ có chất lượng, bền, sạch, có kết cấu gọn nhẹ, nhiều công năng, dễ bảo quản, vệ sinh, thân thiện với môi trường. Đây mới là mục tiêu phát triển bền vững.
Cốt lõi của sống tối giản là tối ưu giá trị sống cho bản thân mình. Tùy môi trường, việc làm, điều kiện, mục tiêu, nhu cầu và đam mê mà mỗi người có thể chọn sống tối giản hay không.