Đạo diễn Lê Văn Duy trong hồi ức của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng

(DNTO) - Thông tin NSUT, đạo diễn Lê Văn Duy qua đời khiến nhiều nghệ sĩ bàng hoàng, xúc động. Với nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn, Lê Văn Duy đã ghi dấu ấn không phai trong quá trình làm nghề, đã được nhắc nhớ với nhiều cảm xúc.
Là một trong những đạo diễn gạo cội, trưởng thành từ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NSUT, Đạo diễn Lê Văn Duy không chỉ được biết đến trong vai trò đạo diễn mà ông còn là một nhà văn, nhà biên kịch, để lại gia tài lớn với nhiều tác phẩm.
Đạo diễn Lê Văn Duy ghi dấu ấn qua các bộ phim truyện điện ảnh nổi tiếng: Phượng, Người không mang súng, Đời có tên tụi mình, Khoảng vượt, Bông lục bình, Ngoại ô, Trái đắng, Viên ngọc Côn Sơn...

Đạo diễn Lê Văn Duy và con gái -Nhà báo Dương Thảo Quỳnh Như. Ảnh: FBNV
Đặc biệt, bộ phim Phượng của ông đã nhận giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983.
Ngoài phim truyện điện ảnh, ông còn là đạo diễn phim tài liệu với các phim: Người về sau chiến tranh, Một vùng cổ tích, Thoại Ngọc Hầu, Giáo sư Trần Văn Khê; đạo diễn phim truyện truyền hình: Tình đất Củ Chi, Nắng đỏ hay vai trò biên kịch của các phim: Tiếng hát dọc đường, Những ngày ở Bảy Núi, Khúc ca mùa xuân, Sống với quê hương…

Đạo diễn Lê Văn Duy những năm cuối đời rất đam mê nhiếp ảnh
Cùng với người anh là nhà văn nổi tiếng Lê Văn Thảo, đạo diễn Lê Văn Duy cũng là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: Người đàn bà trong tôi, Chuyện tình ở Côn Sơn, Tuổi thơ tôi, Thời trốn nắng, Thủy triều đỏ, Hỏa châu xanh, Đồi Giáng hương, Sài Gòn mùa thu xanh…
Những năm cuối đời, ông đam mê chụp ảnh và luôn cầm máy trong các chuyến đi thực tế do Hội điện ảnh TP.HCM tổ chức. Trong hồi ức của nhiều người, hình ảnh vị đạo diễn tràn đầy sự lạc quan, ghi lại các tấm ảnh chân dung trở nên thân quen và để lại nhiều tình cảm.

Đạo diễn Lê Văn Duy cùng gia đình trong sự kiện ra mắt sách của ba ông -Nhà giáo Lê Văn Diêu
Vẫn luôn dành đam mê nghệ thuật, khát khao được cống hiến, nhưng do tuổi cao, mắc bệnh hiểm nghèo nên ông đã qua đời vào lúc 12g18 ngày 27/1/2024 tại nhà riêng. Rất nhiều nghệ sĩ, đạo diễn như NS Thành Lộc, Đạo diễn Trần Ngọc Phong, Đạo diễn Mỹ Khanh, Trịnh Kim Chi, Hạnh Thuý... đã bày tỏ tình cảm, lòng tiếc thương của mình với người anh, người chú đã dành nhiều sự giúp đỡ cũng như tình cảm với thế hệ đàn em.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi xúc động viết: "Vĩnh biệt chú NSUT- Đạo diễn Lê Văn Duy, người đạo diễn, người thầy đáng kính của thể hệ diễn viên chúng cháu… Con vẫn nhớ mãi hình ảnh chú chỉ dẫn diễn xuất trong bộ phim Thời thơ ấu. Cám ơn chú đã cho con thử sức với vai diễn quan trọng khi con mới bước chân vào nghệ thuật… chúng con nhớ thương chú… Nguyện cầu linh hồn chú an yên về cõi vĩnh hằng".

Lúc sinh thời ông luôn gắn bó với các anh em nghệ sĩ điện ảnh
Đạo diễn Mĩ Mỹ Khanh cho biết: "Năm 1991, sau khi tốt nghiệp diễn viên vài tháng, tôi nhận được lời mời tới Hãng phim Giải phóng gặp Đạo diễn Lê Văn Duy. Hồi đó ít phim được sản xuất lắm nên được mời là vừa mừng vừa lo sợ lẫn lộn. Sau một hồi hỏi đủ thứ, chú Duy đưa cho tôi kịch bản phim Đời có tên tụi mình, nói chú mời cháu đóng vai cô đào cải lương Mộng Thúy, cháu về đọc kịch bản cho kỹ, nếu nhận lời thì lên ký hợp đồng
Tôi nhìn chú Duy nghi nghi dò hỏi, sao chú mời con vậy? Chú thản nhiên trả lời vì cháu hợp vai. Thiệt tình là tui vẫn còn hoang mang lắm, nhưng rồi tự nhủ: cơ hội lớn đôi khi tới bất ngờ. Rồi tôi ký hợp đồng, đi quay, ra phim trường, chú bảo vệ tôi như bảo vệ đứa con gái nhỏ...
Khi hai chú cháu tập cảnh quay, chú Thế Anh kể lại, tôi mới biết là trước đó chú Duy kêu chú Thế Anh ra dặn riêng phải nương con nhỏ, chỉ cho nó đóng. Nhờ vậy mà tôi vào cảnh quay hết sức dễ chịu và an toàn. Điều này khiến một nữ diễn viên mới vô nghề như tôi xúc động, biết ơn, và nhớ mãi.

Đạo diễn Lê Văn Duy (giữa) luôn là người lạc quan, sống yêu đời
Phim đó, cùng với chú Thế Anh, chú Mạc Can, thầy Lê Dũng, chú Duy đã cho tôi một niềm tin rất lớn về sự tử tế, nghiêm chỉnh của những người làm phim, giúp tôi thoát khỏi những lời đồn thổi kinh khủng về đạo diễn.

Đạo diễn Lê Văn Duy và vợ
Khi tôi đi học đạo diễn, chú không chỉ khích lệ, động viên mà còn bày tỏ sự tin cậy rất lớn vào khả năng của tôi, chú thường khẳng định với mọi người, con nhỏ này có tố chất lại siêng năng học hành, nó sẽ làm đạo diễn được. Vậy đó, đôi khi con đường bạn đi sẽ tới đích nhanh hơn khi có ai đó hết lòng tin rằng bạn sẽ thành công. Tin vào khả năng của người khác cũng là một phẩm cách mà tôi cần học hỏi từ chú. Con xin tiễn biệt chú!".
Đạo diễn Trần Ngọc Phong xúc động: "Ông là một ân nhân của mình một người anh lớn thân thương luôn lạc quan yêu đời trong những chuyến về nguồn và trong những bộ phim mà mình làm phó cho ông. Bộ sưu tập những tấm hình mà ông chụp cho mình còn đầy trong bộ nhớ mà nay ông đã ra đi, vô cùng thương tiếc một nhà văn, nhà báo, nhà đạo diễn, nhiếp ảnh gia tài năng, một người anh lớn chân thành mộc mạc luôn tràn ngập tình yêu thương và quan tâm dẫn dắt thế hệ đàn em cùng tiến bước trong nghề nghiệp và cả phong cách sống…

Đạo diễn Lê Văn Duy thường chụp ảnh chân dung và phong cảnh khi đi thực tế
Vĩnh biệt anh về nơi cõi vĩnh hằng,dù anh đã đi xa nhưng những tác phẩm Điện ảnh, Văn học, những bài báo và cả những bức ảnh của anh vẫn còn đó trong lòng khán giả và cả những người em, người bạn thân thương sẽ còn mãi không phai nhoà trong những ký ức đẹp của mỗi người khi nhớ về anh…"
Đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy tên thật là Dương Ngọc Chúc, sinh ngày 15/9/1942 tại Long An. Ông là em trai của nhà văn Lê Văn Thảo (tên thật Dương Ngọc Huy) và là anh trai của nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM.
Năm 1962, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, ông tham gia hoạt động văn nghệ cách mạng và từng là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ông từng làm giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP.HCM.
Linh cữu ông được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp), lễ viếng diễn ra từ sáng 29/1.