Tết Nguyên tiêu - ngày lễ hội đầu năm nhiều ý nghĩa

(DNTO) - Từ lâu, trong tâm thức người Việt, giá trị văn hóa, tâm linh mà ngày Rằm tháng Giêng mang đến quan trọng không kém gì Tết Nguyên đán. Sự sum họp, niềm tin vào đức Phật và lễ hội nghệ thuật đáo của ngày tết Nguyên tiêu giúp người dân vững tin bước vào một năm mới học tập, lao động, sinh sống với tâm thế lạc quan, phấn chấn, nhận được nhiều tài lộc, may mắn, an vui
Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là Tết Thượng nguyên, Rằm Tháng Giêng… được cho có khởi nguồn từ Trung Quốc. Một số quốc gia châu Á sau đó chủ động tiếp nhận những giá trị tích cực của Tết Nguyên tiêu, biến nó thành một sự kiện lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Có thể kể đến Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines…
Nếu lễ hội Nguyên tiêu ở Trung Quốc được gọi là Tết Trạng nguyên là ngày lễ thiêng liêng đầu năm mới với rất nhiều hoạt động văn hóa phong phú đa dạng thì thì Tết Nguyên tiêu ở Nhật Bản là nghi lễ cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu… Còn tại Hàn Quốc, lễ hội “Rằm tháng Giêng” là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính đối với sự linh thiêng của “mặt trăng”; Ai cũng mong muốn được nhìn thấy mặt trăng mọc đầu tiên trong năm như một sự may mắn, tốt lành.

Tết Nguyên tiêu với người dân có ý nghĩa thiêng liêng về mặt tình cảm rất lớn. Ảnh: internet
Nguyên tiêu: Tết "bù"
Tại Việt Nam, Tết Nguyên tiêu đã được tiếp nhận và biến đổi theo một cách riêng biệt độc đáo. Ngày này được xem là tết muộn hay tết “bù” cho những ai vào ngày tết Nguyên đán vì một lẽ gì đó không được về đoàn tụ cùng gia đình. Trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác mấy so với Tết Nguyên đán.
Ngày xưa, khi người dân còn sống quần cư trong lũy tre, bờ giậu, thì những người được trông chờ sum họp vào Rằm tháng Giêng thường là số ít người đi làm ăn xa và đông đảo các cô gái lấy chồng còn trong giai đoạn làm dâu, ba ngày tết phải lo lễ tết bên nhà chồng, đến rằm tháng Giêng mới được về nhà mẹ đẻ. Cho nên ngày này với người dân có ý nghĩa thiêng liêng về mặt tình cảm rất lớn.
Tuy không tuân thủ chặt chẽ theo các nghi lễ, phong tục như ngày Tết Nguyên đán, cũng không nhất thiết phải bày biện mâm cao cỗ đầy, tùy vào điều kiện kinh tế và thói quen mà mỗi gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng, đặc biệt là không thể thiếu bánh (chè) trôi nước. Sau đó mọi thành viên ngồi lại với nhau dùng bữa ăn sum họp trong không khí còn phảng phát hơi xuân, bên những cội mai, đào nở muộn, cầu mong một năm bình an, may mắn.
Nguyên tiêu: ngày Vía Phật
Theo sách "Phong tục thờ cúng của người Việt" (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin), Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) còn được gọi là Tết Thượng nguyên, bởi theo sau còn có Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười).
Trong dân gian, đây là ba ngày Rằm (15 âm lịch) lớn trong năm. Trong đó, Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm mới mang ý nghĩa khởi đầu tròn trịa, minh triết nên người Việt thường đi chùa lễ Phật hoặc các đền miếu, di tích lịch sử để cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.
Tương truyền, Rằm tháng Giêng là ngày chư Phật từ cõi Cực lạc giáng lâm chùa chiền để chứng độ lòng thành của tín đồ. Vì vậy ngoài ý nghĩa là tết muộn, tết “bù”, đây còn là ngày Vía Phật của người Việt. Có câu “Lễ Phật quanh năm, không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

“Lễ Phật quanh năm, không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Ảnh: Internet
Nguyên tiêu: Ngày Thơ Việt Nam
Kể từ năm 2023, năm Quý Mùi, Hội Nhà văn Việt Nam được sự đồng ý và chỉ đạo của Ban tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam, đã quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm làm Ngày Thơ Việt Nam - ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, ngày hội lớn của tất cả những người làm thơ và công chúng yêu thơ trong cả nước.
Ngày thơ Việt Nam đã trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên, một sân chơi nghệ thuật lành mạnh, tao nhã và trí tuệ được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng tổ chức. Ngày Thơ Việt Nam lấy mốc Rằm tháng Giêng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/Yên ba thâm xứ đàm quân sự/Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Được nhà thơ Xuân Thủy dịch: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Trình diễn trống khai hội Ngày Thơ Việt Nam tại Bến Tre lần thứ XXII. Ảnh: Báo Đồng Khởi
Đây là bài thơ và bản dịch được sử dụng nhiều nhất trong lễ khai hội Ngày Thơ Việt Nam ở các địa phương.
Ngày nay, cùng sự phát triển của xã hội, cách đón Tết Nguyên tiêu của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Nhưng giá trị văn hóa, tâm linh từ lâu ăn sâu trong trong tâm thức người Việt vẫn không hề thay đổi. Lễ hội Nguyên tiêu mang đến cho nhiều gia đình người Việt niềm tin vững bước vào một năm mới học tập, lao động, sinh sống với tâm thế lạc quan, phấn chấn.