Nhiều doanh nghiệp Việt tăng đầu tư vào Mỹ, cơ hội ở thị trường này ra sao?
(DNTO) - Mỹ hiện đứng đầu danh sách quốc gia nhận đầu tư từ Việt Nam, đây được xem là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt có thể phát triển.
Đầu tư Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, đứng đầu danh sách này là Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,3 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là doanh nghiệp góp tỷ lệ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, với tuyên bố sẽ chi một khoản đầu tư khổng lồ (tới 2 tỷ USD) để VinFast xuất khẩu xe sang Mỹ, đồng thời mạnh tay chi tiền để điều chỉnh vốn đầu tư dự án công nghiệp ô tô tại Hoa Kỳ thêm 300 triệu USD.
Ngoài Vingroup, nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng đang có dự án đầu tư tại Mỹ như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Phần mềm FPT, Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty Cổ phần Công nghệ Mobifone Toàn cầu…
Đánh giá về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư tại Mỹ, GS.TS Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ cho hay, với các doanh nghiệp đã thành công tại thị trường Việt Nam, khi đầu tư sang Mỹ, tỷ lệ thành công rất cao do Mỹ là quốc gia phát triển từ rất sớm nên môi trường kinh doanh, đầu tư ở Mỹ thông thoáng, cởi mở và minh bạch.
Ngoài ra, với kinh nghiệm hoạt động phát triển đầu tư và kinh doanh bất động sản tại Mỹ từ năm 2002, bà Hoàng Yến cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ dễ dàng phát triển sản phẩm tại Mỹ, do người Mỹ tư duy theo chủ nghĩa thực dụng, nên họ dễ dàng bị thu hút bởi các sản phẩm mới, chất lượng, giá thành hợp lý.
“Người Mỹ không quá khó tính và họ sẵn sàng thử cái mới, dù chỉ có một chút lợi ích hơn các sản phẩm cùng loại. Sau khi thử, họ có ở lại hay không thì phụ thuộc vào chất lượng và phục vụ. Vì vậy, doanh nghiệp phải tìm tòi đưa ra chính sách PR, marketing đánh vào tâm lý thực dụng này để phát triển sản phẩm” - bà Yến cho hay.
Mặc dù trong ngắn hạn, chưa có nhiều kỳ vọng về sự tiến triển trong quan hệ Việt – Mỹ do chính quyền Tổng thống Biden còn phải dồn lực tập trung xây dựng nguồn lực của họ, tuy nhiên, theo GS.TS Đặng Thị Hoàng Yến, mục tiêu chung của nước Mỹ vẫn là giữ vị thế cường quốc hàng đầu thế giới, do đó, Mỹ vẫn phải tiếp tục coi trọng mối quan hệ với các nước đối tác, trong đó có Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để kinh doanh tại Mỹ.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi đến Mỹ?
GS.TS Đặng Thị Hoàng Yến cho hay, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư sang Mỹ, đầu tiên phải nghiên cứu kỹ lưỡng để chọn địa điểm kinh doanh phù hợp, không thể lựa chọn theo cảm tính (có người quen, khí hậu tốt…), nếu không sẽ rất khó khăn.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong ngày đầu khởi nghiệp tại Mỹ, bà Yến cho hay, những năm 1995, bà sang Mỹ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, lúc đó đã phải đi rất nhiều bang và cuối cùng dừng lại ở Texas.
Năm 2002, bà Yến thành lập Công ty Cổ phần US Southern Homes, bắt đầu con đường phát triển hạ tầng và bất động sản khu dân cư. Bà Yến cho biết mình rất may mắn khi chọn bang Texas để phát triển doanh nghiệp vì chính quyền tại bang này tạo điều kiện và hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp, việc hoàn thiện thủ tục hành chính, giấy phép, duyệt quy hoạch rất nhanh.
Thế nhưng, khi doanh nghiệp bắt đầu mở rộng sang các bang khác, bà Yến bắt đầu gặp khó khăn khi thể chế mỗi bang khác nhau. Cụ thể, tại bang California, cũng với dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư, doanh nghiệp của bà Yến mất tới 6 năm vẫn chưa hoàn thành thủ tục.
“Mỗi ngày họ thêm một yêu cầu, mình hoàn thiện yêu cầu này lại phát sinh yêu cầu mới” - bà Yến nói và nhấn mạnh việc chọn nơi “đất lành” rất quan trọng với sự phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vị doanh nhân này cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp Việt phải nghiêm túc tuân thủ pháp luật, chính sách về thuế, lao động… của Mỹ khi kinh doanh tại đây, vì sẽ không có chuyện doanh nghiệp có thể “đi đường tắt”, hay thực hiện các hành vi “lách luật”.
“Nếu doanh nghiệp gặp trở ngại khi kinh doanh thì phải vận dụng tất cả những gì luật pháp cho phép và xử lý bằng trí tuệ, sự sáng tạo và hiểu biết của mình. Nước Mỹ có rất nhiều công ty giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng thuế, tức làm sao để nộp thuế ít nhất chứ không phải trốn thuế" - bà Yến nhấn mạnh.