Ngân hàng chuyển đổi số 'bứt tốc' cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ
(DNTO) - Liên tục đưa ra các sản phẩm và gói tài chính hỗ trợ đồng thời chú trọng phát triển các giải pháp công nghệ số, hướng đến gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng, Sacombank đã và đang khẳng định vị thế tiên phong hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam.
Đồng hành cùng SMEs phát triển bền vững
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42% so với cùng kỳ 2021. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận trước dịch Covid-19. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 110.000 doanh nghiệp; trong đó, số thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp cao nhất từ trước đến nay.
Đây là một tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế sau hơn 2 năm ảm đạm vì đại dịch Covid-19. Để có được những kết quả như trên, là sự nỗ lực rất lớn từ chính cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời cũng là kết quả từ những quyết sách kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các Ngân hàng Thương mại đã “tiếp sức” cho các doanh nghiệp trong cả giai đoạn bùng phát và hậu Covid-19. Trong đó, Sacombank là ngân hàng tiên phong với nhiều giải pháp, chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của các doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số khách hàng SMEs mà Sacombank phục vụ đạt trên 182.000 lượt. Đây là minh chứng cho việc không ngừng cải tiến các sản phẩm dịch vụ của Sacombank, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của phân khúc này theo từng giai đoạn. Điển hình, khi thị trường đang chịu các tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Sacombank đã tung ra nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4%/năm, đồng thời triển khai các hoạt động giảm lãi vay, các chương trình khuyến mãi với quy mô lớn đồng hành cùng doanh nghiệp “vượt bão”.
Mới đây, Sacombank đã ký biên bản ghi nhớ với NAPAS và NextPay hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp SMEs. Theo đó, các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ của NextPay có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Sacombank thông qua việc mở thẻ tín dụng liên kết Sacombank NAPAS.
Chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, không chỉ có các khách hàng cá nhân đã hình thành thói quen giao dịch thanh toán, vay tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến. Mà ngay cả các doanh nghiệp cũng dần tìm đến các kênh giao dịch số để tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Từ việc thực hiện chuyển dịch toàn bộ sản phẩm, dịch vụ dành cho doanh nghiệp lên các kênh trực tuyến, Sacombank xây dựng một quy trình số song song giữa trực tiếp và trực tuyến (O2O), tiến tới xây dựng ngân hàng hợp kênh (Omni-Chanel Banking), tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng.
Theo đó, Sacombank liên tục cải tiến các dịch vụ ngân hàng hiện đại dành cho doanh nghiệp với các tính năng mới, nổi bật như: Dịch vụ đăng ký vay trực tuyến; Mở tài khoản trực tuyến bằng định danh điện tử (eKYC) và giao dịch ngay mà không cần đến quầy; Dịch vụ giao dịch điện tử qua email với chữ ký số giúp giao dịch từ xa mọi lúc, mọi nơi; 100% chứng từ điện tử, an toàn và bảo mật nhờ đa dạng phương thức xác thực: chữ ký số, advance token, mSign cùng mô hình phê duyệt từ đơn đến đa cấp,…
Một trong những dấu ấn nổi bật nữa của Sacombank là việc ra mắt của bộ sản phẩm Thẻ Doanh nghiệp Sacombank Mastercard đầu tiên trên thị trường gồm 2 dòng thẻ thanh toán, thẻ tín dụng nhân kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ngày 21/12/2021. Đây là các sản phẩm thẻ cao cấp mang đến cho doanh nghiệp những quyền lợi ưu việt nhất hiện nay. Tính đến tháng 6/2022, số lượng thẻ doanh nghiệp đạt hơn 38.000 thẻ, tăng 23% so với cùng kỳ, và đạt doanh số giao dịch đến 1.852 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Nhờ những cải tiến vượt bậc này, 6 tháng đầu năm 2022, hơn 27.000 khách hàng doanh nghiệp giao dịch thanh toán qua Sacombank eBanking, tăng 19% so với cùng kỳ, với tổng doanh số khoảng 530.000 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ.
Chiến lược phát triển gia tăng giá trị cho hệ khách hàng SMEs
Trong giai đoạn tới, SMEs tiếp tục là một trong những phân khúc khách hàng trọng tâm mà Sacombank định hướng ưu tiên với những chính sách thông thoáng và sản phẩm vượt trội nhằm gia tăng thị phần, đồng thời giúp sức, đồng hành cùng nền kinh tế phát triển bền vững.
Với mục tiêu đạt 5% thị phần khách hàng doanh nghiệp trên thị trường vào năm 2025, Sacombank đẩy mạnh phát triển sâu rộng vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp SMEs. Đồng thời, gia tăng gắn kết và tận dụng cơ hội phát triển hệ khách hàng doanh nghiệp hiện hữu thông qua 2 mũi nhọn: tập trung các kênh phát triển khách hàng và thu hút doanh nghiệp SMEs thuộc các ngành nghề trọng tâm, cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ, trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng SMEs. Ngoài ra, chính sách chăm sóc và khai thác sâu hệ khách hàng hiện hữu sẽ được tăng cường nhằm gia tăng giá trị lâu dài đến với các nhóm khách hàng doanh nghiệp.