Công nghệ khiến cuộc đua của công ty chứng khoán ngày càng nóng
(DNTO) - Tình trạng căng margin trở lại và càng trở nên nóng hơn khiến nhiều công ty chứng khoán không chỉ rục rịch tăng vốn mà còn tăng chi đầu tư cho hạ tầng công nghệ để đón thêm nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Đường đua mới của các công ty chứng khoán
Trong đại dịch, liên tiếp những cơn sóng tiền của nhà đầu tư F0 đã khiến thị trường chứng khoán liên tiếp phá kỉ lục. Khối lượng khớp lệnh giao dịch bình quân trong năm 2021 đã tăng 2,5 lần so với năm 2020; trong đó có những phiên đạt giá trị trên 2 tỷ USD.
Chỉ số VN-Index thời điểm 30/6/2021 đạt 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 6,838 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, chiếm 108,7% GDP. Quy mô niêm yết, đăng kí giao dịch đạt 1.508 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2020 với 753 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 907 cổ phiếu đăng kí giao dịch trên UpcoM, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bên cạnh sự thúc đẩy từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, lãi suất, tình hình kiểm soát dịch bệnh… thì thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong năm 2021.
Với 6 văn phòng đặt tại 6 tòa nhà khác nhau, để ứng phó với tình huống các tòa nhà có thể phong tỏa vì có ca F0, ngay trong dịch, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã phải trang bị 100% hệ thống máy ảo để phục vụ cho nhân viên làm việc tại nhà. Do đó trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, VCSC vẫn có thể đảm bảo hoạt động cho 99% nhân viên làm việc từ xa, chỉ số lượng nhỏ nhân viên IT lên văn phòng để kiểm soát, kiểm tra sự cố máy móc. Ngoài ra, để phục vụ lượng truy cập vào hệ thống công ty tăng đột biến trong đại dịch, VCSC ngay lập tức nâng cấp đường truyền hệ thống.
“Khối lượng giao dịch tăng mạnh buộc công ty phải nâng cấp đồng bộ hạ tầng kĩ thuật, công nghệ thông tin. Hiện chúng tôi đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về điều này và liên tục triển khai trong năm sau”, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc công nghệ VCSC cho biết.
Coi chuyển đổi số là một yếu tố cạnh tranh cốt lõi, Công ty Chứng khoán Pinetree lựa chọn đầu tư hạ tầng công nghệ ngay từ đầu. Nói về điều này, ông Lee Jun Hyuk, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Pinetree đưa ra 2 lý do. Thứ nhất, nhìn từ những thị trường phát triển như Hàn Quốc, công nghệ số sẽ thay đổi mạnh mẽ lối sống tài chính, đem lại trải nghiệm tiện lợi cho nhiều nhà đầu tư. Thứ hai, trải nghiệm số cũng góp phần tăng tính cạnh tranh cho Pinetree, với khẩu hiệu không có chi nhánh, môi giới, chỉ có nền tảng số.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang cố gắng nâng cao chất lượng thông tin công bố từ các công ty niêm yết, thì theo ông Lee Jun Hyuk, công nghệ 4G hay 5G góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đáng tin cậy hơn, bằng cách cho phép nhà đầu tư nhận được thông tin nhanh chóng, kịp thời, từ đó đưa ra quyết định chính xác.
Ngoài ra, để thị trường chứng khoán phát triển một cách vững chắc thì hệ thống giao dịch nhanh, ổn định là yếu tố rất quan trọng. Bởi lẽ trong tương lai gần, số lượng giao dịch sẽ tăng rất mạnh, nên các công ty chứng khoán cần chuẩn bị để phục vụ sự tăng trưởng này.
“Giống như nhiều ngành nghề khác đang tăng lượng giao dịch trên nền tảng điện thoại, thì giao dịch chứng khoán trên điện thoại cũng sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Tại Hàn Quốc hiện nay, giao dịch chứng khoán trên điện thoại chiếm 50%, còn tại Pinetree là 40-45%. Vì vậy, đây là điểm mà các công ty chứng khoán nên tập trung để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin”, ông Lee Jun Hyuk cho hay.
Không để lặp lại tình trạng "giao dịch mù"
Theo ông Robert Trọng Trần, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn, Lãnh đạo mảng rủi ro công nghệ và an ninh mạng, E&Y Việt Nam, tấn công ddos (tấn công từ chối dịch vụ) vốn được xem là nỗi kinh hoàng với tất cả các công ty chứng khoán trên thế giới. Vì hiện các đối tượng có thể dễ dàng thuê hacker núp dưới bóng web đen để tấn công các công ty chứng khoán.
Trong khi đó, hạ tầng kĩ thuật của phần lớn công ty Việt Nam chưa được đầu tư đầy đủ, nhất là hệ thống bảo mật. Vì vậy, với số lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng, việc vừa đảm bảo hoạt động giao dịch tốt, vừa đảm bảo bảo mật là bài toán làm đau đầu các công ty chứng khoán.
“Hệ thống chứng khoán là miếng mồi rất tốt cho những kẻ xấu lợi dụng”, ông Robert Trọng Trần nói và cho biết nếu không có nền tảng hạ tầng kĩ thuật tốt và bảo mật chặt chẽ, các công ty chứng khoán sẽ đối diện với sự sụt giảm, công việc đình trệ, thiệt hại thương hiệu, mất khách hàng, mất tài sản trí tuệ, giao dịch trên thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thực tế trong năm 2021, rất nhiều lần hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán và sàn HoSE phát sinh sự cố, khiến thông tin thị trường bị nhiễu loạn, nhà đầu tư luôn trong tình trạng "giao dịch mù" vì không thể xác định được lệnh mua bán. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường.
Cũng sớm nhận ra vai trò của công nghệ với thị trường chứng khoán, trong 8 giải pháp để phát triển, chuyên nghiệp hóa thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển các giải pháp về công nghệ để tăng cường khâu quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ nhà đầu tư….
“Đến nay, có hơn 2.000 công ty đại chúng đăng ký và thực hiện công bố thông tin điện tử qua hệ thống IDS. Thông tin nhanh chóng được xử lý và công bố công khai trên thị trường giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và công bằng; kịp thời nắm bắt được các thông tin về các doanh nghiệp, đưa ra những quyết định chính xác và phù hợp”, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.