Càng vội, càng thương doanh nghiệp nội
(DNTO) - Chỉ vài ngày sau khi Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Nanocovax phòng chống Covid-19 kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ ủng hộ để sớm cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến trụ sở công ty.
Theo ông, “trăm nghe không bằng một thấy, cuộc làm việc hôm nay là để tận mắt chứng kiến nơi sản xuất và kiểm tra về tiến độ, năng lực sản xuất của công ty”.
Bày tỏ, “mong mỏi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế sâu sát hơn nữa, cử một đội chuyên hành động lo về vấn đề sản xuất vaccine để tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực tế hiện nay quy trình thủ tục rất nhiều khâu và gần như là xin - cho, phải chịu áp lực, chờ đợi”, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, ông Hồ Nhân cho biết hiện đơn vị có 4 nhà máy sản xuất vaccine và với năng lực hiện tại, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vaccine phòng Covid-19 trong nước.
Nhấn mạnh rằng Nanogen đã chủ động đi thẳng vào vấn đề đất nước đang cần là nghiên cứu sản xuất vaccine chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt khi diễn ra dịch Covid-19, Nanogen đã mạnh dạn đầu tư, tập trung nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thế giới để bắt tay vào nghiên cứu vaccine, Thủ tướng lắng nghe tối đa mọi đề nghị của công ty này và yêu cầu cần lập tổ hành động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine do một Bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách để thúc đẩy vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. Phải cắt giảm tối đa thủ tục hành chính ngăn trở quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine. Phải hỗ trợ doanh nghiệp về các quy định, quy chế và Bộ Y tế phải cùng với công ty làm nhanh nhất để giải quyết các vấn đề cấp bách về vaccine hiện nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, "trong lúc nước sôi lửa bỏng thì phải chạy, nhưng dù đẩy nhanh tiến độ, vẫn phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, an toàn, khoa học, hiệu quả (ngăn dịch, chi phí cạnh tranh) để bảo vệ sức khỏe người dân”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công nghệ sản xuất của Nanogen đang làm là cơ bản tốt, tất nhiên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Ông Long khẳng định sẽ cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề chuyên môn.
Theo thông lệ quốc tế, tất cả vắc-xin phòng Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn, đảm bảo 3 yếu tố gồm an toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ. Bộ Y tế đã đề nghị Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia cho triển khai thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3 theo phương thức gối đầu lên giai đoạn 2, tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy quá trình thử nghiệm nhưng phải bảo đảm an toàn cho sinh mạng của con người.
Thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước qua hàng loạt cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19, làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty Vabiotech.
Thời gian tới, Thủ tướng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ sở chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, các nhà khoa học, nhà quản lý để giải quyết các ách tắc, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động này theo hướng tổng thể, bài bản, chiến lược hơn.
Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm có đủ 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm phủ 70% dân số, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. Theo các kịch bản của Bộ Y tế thì con số này là hoàn toàn khả thi. Dù vậy, cũng theo Bộ này, nguồn cung vaccine trên thế giới từ nay đến tháng 9 vẫn còn hết sức khan hiếm, do đó số lượng vaccine chắc chắn về Việt Nam chỉ mang tính tương đối. Trong khi đó, tình hình ở Việt Nam đang rất vội, khẩn cấp cần có ngay và luôn vaccine. Bởi vậy, lúc càng vội này, càng phải thương doanh nghiệp nội.