Hơn 6 năm xây dựng và hình thành, bắt đầu từ cột mốc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã đạt được những dấu ấn quan trọng.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện xếp thứ 5 Đông Nam Á và 54 trên thế giới, theo StartupBlink.
Số lượng startup đang hoạt ước tính lên tới 3.800, trong đó có 3 kỳ lân (startup có giá trị tỷ USD) là VNG, VNLife và MoMo. Năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam đạt kỷ lục với 1,4 tỷ USD, bất chấp đại dịch. Năm 2022, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến dòng vốn mạo hiểm giảm còn 855 triệu USD, nhưng thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn (theo Nextrans).
Hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, thu hút tới 208 quỹ đầu tư mạo hiểm (trong đó có 40 quỹ đầu tư nội địa). Số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy còn ít nhưng cũng đang tăng dần (theo Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia tổng hợp năm 2022).
Ở giai đoạn hiện tại, Đề án 844 giai đoạn chú trọng tạo sự kết nối bền chặt hơn các thành phần trong hệ sinh thái bộ từ các bộ ngành, địa phương, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước… để hỗ trợ cho thành tố trung tâm của hệ sinh thái là startup.
Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ), về vấn đề này.
* Phóng viên Huyền Trang: Dòng vốn mạo hiểm vào Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 855 triệu USD, sụt giảm 41% so với năm trước. Ông nhận định gì về điều này?
- Ông Phạm Hồng Quất: Những năm tới cũng không thể kỳ vọng gì sáng sủa hơn trong thị trường vốn, vì hậu quả của Covid-19 còn kéo dài. Chúng ta phải tạo những nguồn vốn mới, ngay cả trong nội địa, nội sinh, những cơ chế để lấy vốn từ dân, doanh nghiệp, cộng đồng để giúp đỡ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc biệt đổi mới sáng tạo vượt qua “thung lũng chết”. Đây cũng là điều mà các nước đang làm.
Các nguồn lực bên ngoài cũng cần có phương thức mới để kêu gọi. Chúng ta nâng cao năng lực bản thân, tiếp cận với mạng lưới kiều bào, tạo hành lang pháp lý, tạo các sàn giao dịch vốn cởi mở hơn, cơ chế thuế cho nhà đầu tư cá nhân tốt hơn như các nước làm, thì chúng ta có thể tranh thủ được những nguồn vốn đang sẵn có trong nước và khu vực. Đây là một thách thức lớn cho nền kinh tế khu vực và thế giới. Chúng ta tranh thủ được bao nhiêu trong nguồn hạn chế đó là do sáng kiến, kiến tạo của những người làm chính sách, người hỗ trợ khởi nghiệp và bản thân các startup.
*Cuối năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra khái niệm “đổi mới sáng tạo mở”, với mục đích kết nối đa dạng thành phần vào trong hệ sinh thái. Trong 2022 vừa qua, bài toán kết nối nguồn lực được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Khái niệm kết nối trong đổi mới sáng tạo mở xuất phát từ khái niệm liên kết 3 nhà: nhà trường – doanh nghiệp – nhà nước (Triple helix); bên cạnh đó là các tổ chức trung gian, hỗ trợ cung cấp vốn, công nghệ…
Ở phương Tây, khái niệm Triple helix đang phát triển theo xu hướng mở. Có nghĩa doanh nghiệp không chỉ sử dụng lực lượng R&D (nghiên cứu và phát triển) ở trong doanh nghiệp, mà còn sử dụng lực lượng tri thức, nghiên cứu ở các trường, viện và startup để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp.
Nhà nước cũng không chỉ sử dụng năng lực nội tại mà đặt bài toán quản lý chính quyền, quản lý thách thức xã hội cho doanh nghiệp, viện trường, startup giải quyết, tức mở vấn đề của mình cho xã hội giải quyết. Nhờ vậy sẽ tìm được giải pháp tối ưu nhất mà không cần nghiên cứu lại, chỉ cần tìm cách ứng dụng.
Các viện trường cũng mở cánh cửa của mình cho doanh nhân bước vào để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm trí tuệ của mình.
Khái niệm đổi mới sáng tạo mở liên kết các thành phần trong hệ sinh thái chặt chẽ hơn. Theo truyền thống, mọi người rất ngại “mở” và hay sử dụng nguồn lực tự có. Nhưng trong thời đại 4.0, ý tưởng không còn quá quan trọng, mà vấn đề là phải thực hiện càng nhanh càng tốt, tức ý tưởng phải thành sản phẩm và giải quyết bài toán cụ thể mới là điều quan trọng.
Hiện các nước trên thế giới đang có xu hướng “mở” rất mạnh mẽ, giúp họ tối ưu hóa nguồn lực cùng với cách mạng 4.0, những nền tảng kỹ thuật số, các phần mềm, không gian mạng, làm cho không gian địa lý dần mờ nhạt, thậm chí mất đi, trở thành một thế giới phẳng. Các trường, viện, cơ quan quản lý đều đưa chung bài toán lên các nền tảng để các nước trong khu vực và toàn cầu giải quyết vấn đề chung, giảm chi phí và tìm được giải pháp nhanh hơn và giải pháp khi tìm ra lan tỏa nhanh hơn.
Singapore trong đại dịch tìm ra rất nhiều giải pháp trong quản lý về thanh toán, ngân hàng số, xây dựng, bảo trì, logistics… Họ đều đưa những bài toán chung và những tập đoàn trao giải thưởng cho startup, viện trường để tìm ra giải pháp nhanh nhất chứ không chỉ dựa vào nghiên cứu của họ như trước đây. Thậm chí các kho sáng chế cũng được họ mở ra để startup, nhà sáng chế tự do khai thác và cùng chia lợi nhuận đem lại. Trước đây, khi đăng kí độc quyền, người ta bảo vệ bí mật những phát minh nhưng nay người ta sẵn sàng trao quyền sử dụng với sáng chế.
Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trương thông qua đề án 844 để thúc đẩy các startup, các lực lượng tinh hoa mới tham gia giải quyết các bài toán của xã hội, chính quyền, doanh nghiệp. Cũng mong muốn các địa phương, doanh nghiệp mở bài toán, thách thức, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được tiếp cận và từng bước giải quyết thách thức đó. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều giải thưởng không chỉ là tiền mặt, không chỉ là động viên khuyến khích mà có các bài toán cho chính địa phương, các tập đoàn đưa ra.
Qualcomm Việt Nam là ví dụ đầu tiên đi cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, mỗi một năm thường có khoảng 30-40 bạn trẻ đưa ra những giải pháp, sáng kiến giải quyết những vấn đề rất cụ thể của tập đoàn, không chỉ ở Việt Nam mà là những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.
Sau đó, chúng tôi nhân rộng mô hình này, kêu gọi nhiều tập đoàn đi cùng đưa ra những bài toán, mentor (cố vấn) để đi cùng đào tạo các bạn giải quyết thách thức của doanh nghiệp, địa phương. Các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB cùng các tập đoàn như Shinhan Group, gần đây là Vingroup, Trung Nguyên Legend, Thaco, các ngân hàng, trường đại học, viện nghiên cứu tham gia.
Singapore hay Hàn Quốc là thực tiễn rất gần Việt Nam, giải quyết khá tốt bài toán này. Các nước châu Âu như Phần Lan, Hà Lan, Anh, Thụy Điển đang giải quyết rất tốt. Mối quan hệ quốc tế cũng rất quan trọng trong xu hướng mở. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh mối quan hệ quốc tế trong thời gian tới, giúp startup Việt Nam giải quyết các bài toán toàn cầu.
* Vậy ngay trong năm 2023, các startup đã được hưởng lợi từ sự kết nối này chưa?
- Lợi ích có thể nhìn thấy ngay được là các mentor từ các tập đoàn, trường đại học lớn trên thế giới tích cực hỗ trợ startup nâng cao kiến thức, năng lực, kĩ năng, do đó cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của startup chắc chắn được cải thiện.
Còn những giải pháp đó có thể gọi được vốn, nhân rộng, tăng trưởng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những công cụ, điều kiện cụ thể trong nước và các kiều bào ở nước ngoài liên kết với chúng ta. Hay những cơ chế thí điểm thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực truyền thống được thúc đẩy sẽ giúp đổi mới sáng tạo đi nhanh hơn.
* Ở cấp độ địa phương, ông nhận định các địa phương đã cởi mở hơn trong việc hỗ trợ startup chưa?
- TECHFEST 2021 (Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia) trong trạng thái bình thường mới cũng thúc đẩy theo hướng đổi mới sáng tạo mở. Tức những bài toán ở TECHFEST 2021 là những mô hình đã được khẳng định ở phạm vi quốc gia và quốc tế được chuyển cho các địa phương để tạo “cú hích” cho các địa phương nhận dạng vấn đề và giải quyết vấn đề bằng những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới.
Các địa phương sử dụng hệ thống mentor có sẵn mà chúng tôi gọi là các làng công nghệ, những người tình nguyện viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kết nối nguồn lực cho các startup của địa phương.
Với sự vào cuộc của 34 làng công nghệ của TECHFEST quốc gia, các địa phương rất hào hứng đón nhận các mô hình kinh doanh mới. Đã tổ chức thành công hơn trăm sự kiện diễn đàn, cuộc thi TECHFEST, kết nối kinh doanh, đầu tư.
Tôi tin rằng việc lan tỏa này sẽ được làm mạnh mẽ hơn trong năm tới, khi đã có những lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo hiệp hội và tổ chức chính trị xã hội vào cuộc. Triển khai sớm giúp chúng ta xác định những vấn đề và có thể mở ra cho startup, cộng đồng các trường, viện, vườn ươm cùng giải quyết với các doanh nghiệp dẫn đầu các vấn đề của địa phương.
Các địa phương rất quan tâm và khá nhạy bén với những vấn đề mới. Những địa phương vừa qua tổ chức TECHFEST, ban đầu cũng gặp khó khăn vì niềm tin chưa đủ mạnh, chưa nghĩ rằng các bạn trẻ có thể giải quyết được những vấn đề, thách thức lớn như vậy. Nhưng khi tổ chức xong sự kiện, các lãnh đạo địa phương đều rất lạc quan, đặt niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ và chung tay xây dựng hệ sinh thái.
Chúng tôi tin rằng tinh thần đó tiếp tục được nuôi dưỡng vì đây là sự nghiệp lâu dài, sự nghiệp trồng người, chăm sóc trí tuệ, một thế hệ doanh nhân mới, không thể một sớm một chiều đòi hỏi ngay những kết quả rõ nét, nhưng từng bước chúng ta đào tạo thế hệ doanh nhân dám chấp nhận rủi ro và dám đột phá, tiên phong, thì 3-5 năm, chúng ta sẽ nhìn rõ kết quả đó.
* Ông có lo ngại rằng cơ chế xin – cho còn tồn tại ở nhiều địa phương sẽ cản trở sự tham gia của startup?
- Khi dịch vụ công được cải thiện thì sẽ thay đổi rất nhiều. Cách tiếp cận hiện nay là các địa phương đều mang tinh thần kiến tạo, phục vụ, giống như chính tinh thần của TECHFEST.
Chúng tôi cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương, các sở ban ngành phục vụ tối đa các trưởng làng công nghệ khi về địa phương tổ chức Techfest, mời các viện trường, hiệp hội, tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ… cùng tổ chức các sự kiện để kết nối những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới cho chính địa phương mình.
Các sở ban ngành ngồi chủ tọa, hỗ trợ hội trường, tạo điều kiện tổ chức, còn nguồn lực huy động từ xã hội. Cách làm này các địa phương rất hào hứng, các sở ngành tham gia thấy được rõ hiệu quả. Từ đó tạo ra không khí thân mật, tương tác, hỗ trợ, đồng hành chứ không còn khái niệm xin – cho hay phải trông cậy vào quá nhiều nguồn lực của nhà nước.
Nhà nước sử dụng đúng thế mạnh và nguồn lực của mình là uy tín và danh nghĩa, còn doanh nghiệp và tổ chức xã hội cung cấp nguồn lực, chủ động tổ chức các nội dung, thậm chí tài trợ cho các sự kiện, giúp chúng ta hợp lực được cả khu vực công và tư. Cách làm như vậy rất hiệu quả và chúng tôi tin nó sẽ lan tỏa.
* Sau 6 năm là một nấc thang mới của hệ sinh thái khởi nghiệp. Chắc chắn chính sách hỗ trợ ở giai đoạn mới sẽ phải có nhiều đột phá để thúc đẩy thị trường phát triển?
- Giai đoạn tới sẽ cần làm sâu hơn những lĩnh vực cụ thể, những lợi thế, thách thức cụ thể của địa phương. Các chương trình, cuộc thi sẽ dài hơn, các chương trình đào tạo cũng phải sâu hơn với sự đồng hành của các huấn luyện viên, sự tham gia của các vùng, các địa phương trong vùng để giải quyết chung.
Không thể một thách thức của địa phương lặp đi lặp lại ở địa phương khác vì sẽ không tối ưu hóa được nguồn lực. Sắp tới, chúng tôi hình thành một hành lang đổi mới sáng tạo, tức liên kết vùng giống như các nước đang làm rất tốt. Có một thị trường lớn hơn để giải quyết vấn đề lớn hơn, huy động nguồn lực lớn hơn, vừa sâu, vừa rộng hơn. Đó là cách TECHFEST sẽ đồng hành cùng chính quyền các vùng, hiệp hội, doanh nghiệp và startup.
* Trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài, ông có lời khuyên gì dành cho startup?
Startup buộc phải kiên trì, tiên phong, không bỏ cuộc và học cách thất bại. Tương tự như vậy, với những người hỗ trợ startup, cũng phải kiên trì, bền bỉ và luôn đổi mới sáng tạo, luôn nghĩ ra những cách làm mới và không bỏ cuộc. Vì chính những vườn ươm, những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng thăng trầm, cũng thất bại như startup thôi.
Bản thân những người hỗ trợ startup như các sở ban ngành, các tổ chức hiệp hội cũng vậy, phải có niềm tin lớn hơn, niềm tin với nhau và với các đối tác trong nước và quốc tế. Khi các nhà đầu tư nhìn thấy ý chí, quyết tâm như vậy, họ sẽ đầu tư vì họ đầu tư vào con người.
Cũng không nên kì vọng vào những kết quả phải có ngay như khi chúng ta làm các công trình xây dựng, hay trồng một vườn cây, khi trồng một thế hệ doanh nhân công nghệ mới của hệ sinh thái, đòi hỏi sự bền chí và những bước đi phù hợp với thực tiễn trong nước và quốc tế.
* Xin cảm ơn ông!
BÀI VÀ THIẾT KẾ: Huyền Trang