Bất chấp những khó khăn của dịch bệnh và giai đoạn giãn cách xã hội trong quý 3, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có một năm rực rỡ khi liên tục chinh phục những đỉnh cao.
Năm 2022 với nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội dành cho thị trường chứng khoán trong nước. Phóng viên Doanh nhân trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, VNDIRECT, nhằm mang đến cho bạn đọc những một góc nhìn về thị trường trong năm mới này.
PV: Nhìn lại thị trường một năm qua, theo bà, đâu là điểm tích cực nhất khẳng định “sự trưởng thành” của thị trường trong nước?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Thanh khoản bùng nổ là điểm nổi bật của TTCK trong nước năm qua. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 258% so với cùng kỳ, chủ yếu được yểm trợ bởi sự gia nhập của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Từ giữa năm, khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nâng cấp thành công hệ thống giao dịch đã giải quyết tình trạng tắc nghẽn thị trường, các phiên giao dịch trên 30 nghìn tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều, và thậm chí nhiều phiên đạt mức thanh khoản kỷ lục trên 50 nghìn tỷ đồng đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường sôi động nhất khu vực, vượt qua cả Singapore và chỉ xếp sau Thái Lan.
Môt tín hiệu tích cực nữa đánh dấu sự trưởng thành của TTCK là đã trở thành một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế. Tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 11 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 445 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (nguồn: UBCKNN).
* Yếu tố nào đã góp phần tạo nên sự thành công của thị trường, thưa bà?
- Theo quan điểm của tôi, những thành tích ấn tượng của TTCK Việt Nam trong năm 2021 được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất là Luật Chứng khoán mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc triển khai hệ thống giao dịch mới của HOSE từ giữa tháng 7 đã tạo ra hành lang pháp lý và nền tảng vận hành vững chắc giúp thị trường liên tiếp lập đỉnh.
Thứ hai là sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong năm 2021 bất chấp những khó khăn của dịch bệnh và sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo ước tính của Khối Phân tích VNDIRECT, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ ba nữa là sự thành công của chiến dịch tiêm chủng toàn quốc từ giữa năm đã đẩy tỷ lệ phủ vaccine của Việt Nam tiệm cận với các nước phát triển, giúp nền kinh tế bước sang vận hành ở “trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh”. Yếu tố này đã tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi mạnh vào những quý tới.
* Đã có giai đoạn, đầu tư chứng khoán được xem như đỏ đen bởi sự may rủi. Tuy nhiên hiện nay, chứng khoán được xem là kênh đầu tư tốt, khả năng sinh lời cao. Đặc biệt, nhà đầu tư cũng trẻ hóa hơn với sự tham gia ngày càng nhiều của thế hệ GenZ. Bà nghĩ sao về điều này?
- Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm, TTCK trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư cá nhân đang tìm kiếm một kênh đầu tư có lợi suất cao hơn. Năm 2021 đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường với hơn 1,3 triệu tài khoản được mở mới, gấp 3 lần so với năm 2020.
Tôi cho rằng, điều này là hợp lý và phù hợp với sự phát triển của đất nước khi đầu tư sẽ dần trở thành một kỹ năng thiết yếu của mỗi người dân. Trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, TTCK sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Tuy nhiên đầu tư thì không hề dễ dàng, đó là một quá trình liên tục học hỏi và trải nghiệm. Ở thời điểm này, nhà đầu tư sẽ dễ tiếp cận với kiến thức, với thông tin hay với nền tảng giao dịch. Do đó, các nhà đầu tư, đặc biệt là các bạn trẻ cần trang bị đầy đủ kiến thức, chuẩn bị tâm lý, cân đối được sức khỏe tài chính, để có thể lựa chọn những sản phấm đầu tư phù hợp trên TTCK.
Mỗi nhà đầu tư cá nhân cũng cần phải xây dựng cho mình một kỷ luật đầu tư nhất định, và tuân thủ theo những nguyên tắc này để hạn chế rủi ro cũng như bảo toàn lợi nhuận trong thời điểm thị trường biến động mạnh.
* Theo bà, những thuận lợi và khó khăn của thị trường trong năm 2022 là gì?
- Tôi cho rằng năm 2022 sẽ là năm ẩn chứa nhiều biến số bao gồm sự xuất hiện của các biến chủng virus mới, hay sự phát triển của thuốc chữa Covid-19 chẳng hạn… đều là những biến số tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các kênh tài sản nói chung. Nói riêng về TTCK Việt Nam thì tôi cho rằng năm 2022, thị trường được hỗ trợ bởi rất nhiều yếu tố.
Thứ nhất là nền kinh tế sau bước mất đà vào quý 3 đã tăng trở lại mạnh mẽ 5,2% trong quý 4, cao hơn mức 4,6% cùng kỳ năm ngoái. Bước sang năm 2022, nền kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi các động lực chính: hoạt động sản xuất và xuất khẩu lấy lại đà, Việt Nam vẫn là điểm sáng của dòng vốn FDI, và cầu nội địa phục hồi nhờ các gói hỗ trợ tài khóa sắp triển khai. Khối Phân tích VNDIRECT dự báo GDP tăng 7,5% trong năm 2022.
Thứ hai, tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022-23 là bệ phóng vững chắc cho thị trường. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt mức ấn tượng 53% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm. Kết quả này rất tích cực trong bối cảnh cả nước phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ trong quý 3 cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả nguyên vật liệu leo thang. Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận của toàn thị trường sẽ tăng khoảng 39% trong năm 2021 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 20% trong giai đoạn 2022-23.
Thứ ba, TTCK vẫn sẽ được yểm trợ bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam chỉ ở mức xấp xỉ 4% dân số, tương đối thấp trong nhóm ASEAN-6, thấp hơn nhiều do với tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng. Và đây là dư địa cho sự phát triển của TTCK VN trong nhiều năm tiếp theo.
Tất nhiên rủi ro chính đối với TTCK năm 2022 bao gồm những yếu tố bất ngờ của dịch bệnh và lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai, có thể đảo ngược đà tăng của chỉ số.
* Vậy nhóm ngành nào sẽ có diễn biến tích cực trong năm 2022 và ngược lại?
- Tôi cho rằng một số nhóm ngành sẽ tích cực hơn trong năm 2022, bao gồm:
Thứ nhất, cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, thực phẩm & đồ uống (F&B) và du lịch (bao gồm hàng không) tăng trưởng mạnh hơn các ngành khác. Đây là cơ hội tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp F&B cũng như một số cổ phiếu ngành hàng không có báo cáo tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn với định giá hấp dẫn.
Thứ hai, là câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên trong năm 2022, tôi cho rằng nhóm ngành phát triển hạ tầng năng lượng sẽ chiếm ưu thế chính.
Bên cạnh đó, nhóm năng lượng sạch cũng sẽ là lựa chọn thích hợp trong dài hạn. Với xu hướng ngày càng nhiều các quỹ đầu tư ESG (Environmental, Social, and Governance) nổi lên trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam cũng sẽ là một điểm đến của dòng vốn “xanh” này. Lúc đó, định giá của nhóm cổ phiếu năng lượng sạch, sẽ không còn rẻ như hiện nay nữa. Thứ ba là nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ sự thăng hoa của kinh tế số. Nhóm này bao gồm một số doanh nghiệp ở mảng bán lẻ, tiêu dùng, hoặc công nghệ, đã đầu tư và sẵn sàng đáp ứng cho sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch.
* Nói về những kỳ vọng năm mới với thị trường, bà sẽ nói gì.
- Trong năm, Khối Phân tích VNDIRECT chúng tôi dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.700-1.750 điểm trong năm 2022; trên cơ sở định P/E khoảng 16 -16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết khoảng 23%.
Nhìn dài hạn hơn nữa, TTCK Việt Nam vẫn còn những câu chuyện thu hút như khả năng được nâng hạng lên nhóm Thị trường mới nổi của MSCI, hoặc việc IPO của 1 số DN tên tuổi có khả năng thu hút dòng vốn quốc tế. Những thông tin này sẽ kích thích nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Hoàng Yến (thực hiện)