Tốt nghiệp cử nhân tiếng Trung, làm biên/phiên dịch cho công ty may mặc liên doanh Mỹ-Đài Loan tại Đà Nẵng, nhưng cô gái khuyết tật bé nhỏ Nguyễn Hải Yến quyết định chọn ngã rẽ khác: Chinh phục tiếng Anh, giành học bổng toàn phần Master ngành Nhân viên Xã hội (Social Workers) của Chính phủ Úc.

Kết thúc khoá học 2 năm, trở về khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng điều đó không ngăn được Hải Yến quyết tâm khởi nghiệp vì cộng đồng người khuyết tật (NKT).

Đầu năm mới Nhâm Dần 2022, Doanh Nhân Trẻ có cuộc trò chuyện cùng Nguyễn Hải Yến.

DC43BB63-7358-4F1D-8D9A-65E506F72798

Doanh Nhân Trẻ: Chào Hải Yến, tôi rất muốn biết chương trình Master về Social workers tại Úc, Yến được học gì?

Startup Nguyễn Hải Yến: Social workers đào tạo chuyên nghiệp về các công tác xã hội mà công việc chính là kết nối các dịch vụ với mục đích góp phần tích cực vào cải thiện, tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng bao gồm cả cá nhân, nhóm. Tôi tập trung về nhóm người khuyết tật (vận động, tự kỷ, khiếm thính, khiếm thị) và trẻ em. 

* Nghe có vẻ khó nhằn, Yến chọn ngành này vì yêu thích hay vì lý do gì khác?

- Con đường vào ngành này thật sự ngẫu nhiên, tôi học chuyên ngành Cử nhân tiếng Trung, ra trường làm đúng chuyên ngành là biên/phiên dịch cho công ty may mặc liên doanh giữa Mỹ và Đài Loan, tuy nhiên quá trình làm việc liên quan đến nhân sự, tham gia các hoạt động cộng đồng về NKT… và ngã rẽ đã đến. 

Tôi vô tình biết đến học bổng toàn phần của Chính phủ Úc, cơ duyên đã chắp cánh cho tôi tiếp tục hành trình như chị thấy bây giờ. 

777C37BC-6410-4704-82E4-6A8A47B5F7E8

* Trong suốt 2 năm học tại Úc, Yến cảm nhận cuộc sống ở đó thế nào? Tại sao bạn chọn về lại quê hương? 

- Người Úc hướng về truyền thống và luôn tìm cách giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống, thân thiện, yêu thiên nhiên. Ở Úc, các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng khá phong phú và cung cấp dịch vụ tận cửa nhà cho tất cả các cá nhân, cộng đồng. Do đó, ngành Công tác Xã hội khá phổ biến trong xã hội Úc. Từ trường học, bệnh viện, tổ chức cá nhân hoặc chính phủ đều có nhân viên công tác xã hội.

Thật ra, yêu cầu của học bổng Chính phủ Úc là phải trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khoá học thạc sĩ 2 năm. Tôi thiết nghĩ cần phải tuân thủ quy định và cần ứng dụng kiến thức đã học với môi trường thực tế của mình, dù biết trước rằng điều đó không hề dễ dàng. Có quá nhiều điểm khác biệt giữa hai hệ thống an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ khác.

 
Chân: chân thật với chính mình trong từng suy nghĩ bởi suy nghĩ cũng là dạng vật chất tồn tại trong đầu não mình, mình nghĩ xấu mà mình không nói ra thì cũng đã là xấu. Thiện: luôn đối đãi thiện tâm và không toan tính. Nhẫn: lùi một bước trời cao biển rộng.

Startup Nguyễn Hải Yến

* Công việc hiện tại của Yến thế nào? Ý tưởng xin tài trợ lớp học 0 đồng bắt nguồn từ đâu?

- Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu, tôi cũng từ Úc trở về và được một doanh nghiệp tư nhân nhận vào công tác. Tuy nhiên, sau thời gian thử việc, dịch bệnh bùng phát, công ty buộc phải giảm nhân lực và tôi ở trong số đó.

Tôi bắt đầu với công việc sư phạm cũng khá tình cờ, do có người bạn điện thoại nhờ tôi dạy tiếng Trung và ôn lại tiếng Anh. Tôi đồng ý. Tôi mở lớp dạy ngoại ngữ trực tuyến 0 đồng.

Từ lớp học, tôi nhận ra, dịch bệnh đợt này ảnh hưởng đến tâm lý người lao động và nhất là người NKT. Trước kia, để hỗ trợ NKT, tôi cùng các tổ chức địa phương chỉ đơn giản dùng hình thức quyên góp và sau đó tặng hiện vật. Việc tặng quà định kỳ cho NKT đem lại sự không ổn định và không định hướng được cho họ có cuộc sống độc lập như cách mà các dịch vụ cộng đồng bên Úc thực hiện.

Với những suy nghĩ như vậy, tôi quyết định đăng ký khoá học “Nghiệp vụ Sư phạm” theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và chứng chỉ Tesol để chuẩn bị tốt cho công việc mà bản thân đã nhận ra đường đi và quyết định dấn thân. 

Sau khi đã có đầy đủ các chứng nhận và bằng cấp đạt chuẩn trong tay, tôi mạnh dạn tìm kiếm những bạn thanh niên khuyết tật có nhu cầu học ngoại ngữ để nói chuyện và tham vấn. Cuối cùng, tôi liên lạc với Hội NKT Thành phố Đà Nẵng để được kết nối và giới thiệu.  

6D9A487F-E2FF-4811-879C-FF2B8BB6C027

* Tự mình trang bị kiến thức cần thiết cho công việc, nhưng tôi đang lo là làm sao Yến có đủ tiền vì bạn còn có gia đình nhỏ của mình?

- (Cười) Ai cũng đặt câu hỏi khoá học 0 đồng vậy bản thân mình lấy gì để lo chi phí. Thật sự là các bạn học viên tham gia học là 0 đồng, nhưng bản thân tôi liên hệ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp để gây quỹ, tài trợ cho các khoá học đó.  

* Đối tượng nào trong xã hội (XH) chúng ta khiến Yến nghĩ là cần giúp đỡ và cần được quan tâm nhất?

- Các cộng đồng trong XH đều cần sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau, theo Yến thì nhóm trẻ em chính là nhóm cần được quan tâm và giúp đỡ nhất. Tuy nhiên, tôi tập trung hỗ trợ cho NKT bởi xuất phát từ bản thân. Trong nhóm NKT thì khiếm thính và khiếm thị đang cần được cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ để các bạn ấy hoà nhập tốt hơn.

Bản thân tôi cũng đang theo học lớp ngôn ngữ ký hiệu để mình có thể tương tác với học viên khiếm thính. Đối với học viên khiếm thị, sự hỗ trợ về công nghệ rất cần thiết và tôi cũng tìm hiểu để có thể đồng hành cùng các bạn ấy.

Năm ngoái tôi đã bắt đầu thử nghiệm lớp tiếng Trung với 1 bạn khiếm thị. Việc nghe, nói, đọc thì không vấn đề nhưng cả đôi bên đang vướng về vấn đề viết chữ, tôi đã liên hệ các mối quan hệ bên Đài Loan để tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp thực sự.

Tôi hứa nhất định sẽ tìm ra cách thức để giúp các bạn khiếm thị tiếp cận được ngôn ngữ hình tượng và nền văn hoá thần truyền này. Đây cũng chính là mục tiêu và tâm huyết trong năm 2022 này của tôi.  

84353982-5FDE-4F71-BC04-CCDFF9DDF90E

* Là người khuyết tật, nhưng thật sự bạn có nỗ lực phi thường, thông thạo 2 ngoại ngữ Anh-Hoa, đứng lớp truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ khác nhau, rồi tự mình đi xin tài trợ cho các lớp học. Yến lấy đâu ra nhiều năng lượng vậy?

- Ban đầu, tôi làm với suy nghĩ mình cũng là người trong cuộc. Tôi đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng. Nay tôi có kỹ năng và kiến thức thì lại mong muốn cống hiến và đóng góp chút sức nhỏ này.

Ngoài những trang bị về kiến thức chuyên môn, bản thân tôi cũng quan tâm việc duy trì sức khoẻ. Sức khoẻ ở đây là cả tâm lẫn thân và tôi đã chọn phương pháp tập môn khí công cổ xưa của Trung Quốc, vì học tiếng Trung nên càng có cái nhìn sâu sắc hơn về "kho tàng" cổ truyền và thần truyền của người Trung Quốc cổ đại.

Thực sự mỗi ngày tôi bắt đầu từ lúc 3g kém 15 và đọc sách, luyện khí công đến 7g30, sau đó là làm việc đến 9g đêm. Trong đó có cả việc cơm nước, đón đưa con cái. Nhưng cuối tuần thì tôi nghỉ ngơi hoàn toàn cùng gia đình.  

1A8CA00C-43CC-4148-990F-142C7AD938B7

* Trong công việc xã hội, bạn tiếp xúc với nhiều NKT, theo bạn thì những bạn ấy còn thiếu những gì? Làm sao để khắc phục?

- Trong cộng đồng NKT tại địa phương, hầu như các bạn bị hạn chế thông tin về dịch vụ hỗ trợ, giáo dục, học bổng ưu tiên. Ngoài ra, khá nhiều bạn KT còn hạn chế về tư duy và nhận thức do quan niệm văn hoá truyền thống của vùng miền, địa phương.

Tôi nghĩ, để khắc phục, chúng ta cần nhân lực nguồn vừa có trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ (từ 2-3 ngoại ngữ trở lên). 

* Quan niệm của Yến về cuộc sống này?

- Thế giới thật sự cần “Chân – Thiện – Nhẫn” và bản thân tôi luôn sống theo nguyên lý này, từng giờ từng khắc đều luôn nhắc nhở bản thân để không đi lệch khỏi nó.

Chân: chân thật với chính mình trong từng suy nghĩ bởi suy nghĩ cũng là dạng vật chất tồn tại trong đầu não mình, mình nghĩ xấu mà mình không nói ra thì cũng đã là xấu.

Thiện: luôn đối đã thiện tâm và không toan tính.

Nhẫn: lùi một bước, trời cao biển rộng. 

8BFC0959-9418-4A88-AA06-72EF686FDF72

* Sắp tới Yến có nghĩ sẽ mở rộng thêm mô hình tạm gọi là Công tác xã hội trong kinh doanh này không?

- Yến sẽ mở rộng mô hình này cho NKT cả nước và có thể kết nối với các nhóm, cộng đồng NKT tại Úc. Ngoài ra, tôi đang nghĩ đến việc mở lớp 0 đồng trực tiếp cho đối tượng là trẻ cấp 1 và cấp 2 là con em của NKT tại Đà Nẵng. 

* Cảm ơn và chúc Yến thành công! 

Kim Thanh (thực hiện)