Tết – thanh âm thân thương, gắn liền với tất cả người Việt Nam ngay từ khi mới chào đời. Cuộc sống dù bao vất vả lo toan thì người người, nhà nhà cũng mong có được cái Tết đủ đầy bên gia đình. Những chuyến hành trình về nhà mỗi cuối năm chính là minh chứng rõ ràng nhất cho mong ước Tết đoàn viên trong trái tim chúng ta. Giữa thời khắc thiêng liêng nhất của đất trời, dù tất bật lo chu toàn cho đêm Giao thừa đón Tết Nhâm Dần nhưng các chị em đã dành vài phút chia sẻ ý nghĩa Tết với Doanh Nhân Trẻ

Tết là kể chuyện… “hồi đó”

Có ai lớn lên mà không biết về Tết. Từ bộ quần áo mới, chiếc phong bao lì xì, bánh chưng, bánh tét, bánh mứt và cả mùi khói bếp và hương hoa. Rồi một ngày nào đó, ký ức Tết lại hiển hiện và hồi tưởng theo thời gian.

ACCF730B-FE42-458B-AABE-0039E313C8CE
 
Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những gì mình đang cùng thừa hưởng, mà con ngang nhiên góp phần tàn phá”.

Thầy Minh Niệm

Chị Phạm Ngô Bảo Thy, Giáo viên dạy văn, Q.9, TPHCM, chia sẻ: “Với tôi, Tết là khoảng thời gian kết nối quá khứ và ấm áp nhất để sum vầy, để kể chuyện “ hồi đó” và nấu các món ăn có hương vị của Mẹ mà cả nhà thích. Vì vui nên chẳng thấy mệt như mọi người thường nói là tự làm khổ mình”.

Còn chị Lucia Tu, đang sống cùng chồng tại Dorset, Anh, thì nhớ lại: “Tết ý nghĩa nhất là dịp để mình nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ: Được mặc đồ mới, được nhận lì xì, được chơi bầu cua, được ăn bánh trái, được ba mẹ chở đi thăm họ hàng, được thức khuya làm bánh cùng mẹ mà không phải làm bài tập, không phải ra đồng làm việc. Tết có ý nghĩa khi cả nhà người lớn trẻ nhỏ tập trung làm bánh, kể chuyện xưa, nghe nhạc xuân và nhớ về quê hương miền Trung thời tiết mưa phùn, se se lạnh. Cầm bao lì xì chạy khắp xóm”.

E9A2FACC-4B17-434D-8DB7-35A63252E4CF

“Tết gắn liền với tuổi thơ nên mỗi lần tới Tết đều nhớ lại ngày nhỏ thích ăn gì, thích ngửi mùi gì. Tới Tết là nhớ Việt Nam da diết. Tết của mình là mùi hương của quê, là tiếng bếp lửa tạch tùng, là quây quần bên cả nhà chỉ để hít ngửi "mùi Tết". Tết quá xa xỉ cho những người con xa nhà như mình. Nên mỗi lần đến Tết, mình nhặt nhạnh từng cành hoa miếng bánh để vơi bớt sự nhớ nhung tròn đầy đó”, Mai Khanh – nhân viên Xã hội bang Minnesota, Mỹ, bộc bạch.

4077EB96-5296-414E-8E6B-708756996DDB

“Ngày xưa thì Tết là dịp duy nhất để tôi được mua đồ mới, được ăn ngon trong năm. Tết cực kỳ quan trọng với tôi, tối ngủ tôi đếm từng ngày đợi Tết, tới 30 Tết thôi đã lo sợ Tết trôi đi” - chị Sasa Cao, đang sống và làm việc tại Pyrénées Atlantiques, Pháp nhớ lại. 

Tết là tạo dựng “nếp nhà”

Nếu không có Tết, không ai trở về, không còn những câu chuyện để kể, thì liệu “nếp nhà” xưa nay có còn.

E1FAECB2-9666-402D-8E60-DA878BA789A4

Theo Hoa hậu Hương Giang: “Mọi người thường so sánh Tết nay với Tết xưa, nhưng với tôi thì chính chúng ta tự tạo ra ý nghĩa cho Tết bằng cách dựng “nếp nhà”: gia đình cùng dọn dẹp, nấu nướng, trang hoàng nhà cửa, thăm hỏi bạn bè, họ hàng…và luôn cầu mong một năm mới mọi người trong gia đình đều có sức khoẻ, an vui là đủ”.

36841F4C-89FD-49EB-BEFB-D80BA642A857

Chị Dzung Nguyễn (Country Manager - Enterprise Ireland - Vietnam ofice) thì chia sẻ: “Tết với tôi là đoàn viên, là những ngày người đi xa nôn nao trở về nhà, người ở nhà thì đợi cửa chờ đón người thân. Cùng nhau quây quần bên mâm cơm, kể nhau nghe năm qua đã trải qua những gì, rồi ôn lại chuyện cũ”.

955C8D37-B52F-443A-BEAB-4349F7C8E3CE

Vài phút nữa đón Giao thừa, chị Hiền Nguyễn (sống và làm việc tại Tây Úc) xúc động: “Tết là nhớ nhà, thèm bánh chưng của Bố. Đây là thời điểm dễ xúc động nhất trong năm”. Chị kể về những ngày chuẩn bị đón Tết, các gia đình Việt ở khu chị ở gặp gỡ nhau, tự tay làm bánh chưng, bánh tét, thậm chí còn khắc chữ trên trái dưa hấu. Trẻ em thì háo hức nhận lì xì. Truyền thống Tết được gìn giữ dù ở bất kỳ đâu.

A6FB4BF6-4234-4681-8E69-322659B46ADF

Cũng một niềm thương với Tết, chị Lê Ngọc Minh Châu - nhân viên tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM nhớ lại: “Hồi đó, mới ra trường thất nghiệp, tôi xin bán quần áo cho một cửa hàng thời trang, và được yêu cầu làm đến hết 30 Tết. Buổi trưa đi làm qua ngang chợ Tết đông vui, tấp nập, bỗng dưng tôi chợt nhớ nhà, buồn, tủi thân muốn khóc. Tôi chỉ muốn về cùng Mẹ nấu cơm cúng. Từ đó trở đi, tôi không đi đâu vào ngày 30 Tết. Với tôi, sum họp bên gia đình trong ngày Tết là quan trọng nhất, và dù có bao nhiêu tiền, tôi cũng không bao giờ đánh đổi điều đó”. 

Tết là điều tốt đẹp được gìn giữ và trao đi

Tất cả chúng ta đều chịu đựng vài năm tang thương dịch bệnh, nhưng không phải vì thế mà không đón Tết. Tết vẫn nguyên vẹn với tất cả những điều tốt đẹp.

5CECD137-59D8-4CFF-9501-3A200F65D8A6

“Tết là thời gian được dành cho gia đình con cái trọn vẹn, có cơ hội quan tâm đến người thân, tri ân những người đã giúp mình trong cuộc sống. Mặc dù bây giờ, người ta hay bảo ngày nào vui là ngay đó Tết nhưng với em thì Tết vẫn đặc biệt”, chị Trịnh Hồng Vân, sống tại Hà Nội trải lòng về Tết.

7FC5CD8F-F750-48DB-AE70-9AE6A778DDB6

Đối với chị Phạm Thị Ngọc Tuyền, PGS.TS Kinh tế tại Ohio University, Ohio, Mỹ, một thế hệ trẻ sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng chị nghĩ: “Tết là đoàn viên, sum vầy. Tết là lúc để những đứa con xa xứ có khoảng thời gian nhìn lại, tự hào và biết ơn nơi mình sinh ra, lớn lên. Tết nhắc lại cho tôi nhớ nguồn gốc và văn hoá của dân tộc, những thứ tốt đẹp mình cần gìn giữ”.

Và truyền thống đẹp về Tết vẫn in đậm trong tâm trí chị Lucia Tu, Dorset, Anh: “Bây giờ ai cũng bận rộn thì Tết là dịp nghỉ ngơi, anh em gia đình cha mẹ gặp nhau nói chuyện, dọn dẹp nhà cửa, cũng là dịp mỗi người bỏ qua những chuyện không hay, những việc không tốt và cầu mong điều tốt lành".

271858375_343828777747713_4809360859825353608_n

Chị Đỗ Ánh, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Đỗ Ánh, nhớ lại trước đây chỉ chờ Tết để đi du lịch đó đây, nhưng “hai năm trở lại đây vì ảnh hưởng dịch nên tôi hạn chế đi du lịch. Tôi về với ba mẹ và chợt nhận ra, Tết thật bình yên khi có gia đình. Đưa Mẹ đi sắm Tết, cùng Bố trông nồi bánh chưng. Háo hức nhìn cả nhà chuẩn bị cơm cúng ông Ba Mươi. Được ngồi hàn huyên tâm sự cùng bố mẹ và các em. Được nghe tiếng cười giòn tan của cả đại gia đình. Điều mà cả năm tôi không làm được".

9A758F66-112E-4BE3-8E7E-BF756F2AF8F6

Riêng chị Lê Ngọc Hường (Q.7, TPHCM), Tết có cảm xúc khác biệt hơn: “Sau khi ba mẹ mất, đến nay cũng hơn 9 năm rồi, tôi không còn thấy Tết, không còn cảm thấy đầy đủ ý nghĩa Tết nữa. Rồi sau một năm biến cố vì dịch dã, nhưng nhìn nhà nhà, người người vẫn tươi vui đón Tết, cái gì đã qua thì cho qua, tôi nghĩ Tết là thời gian nghỉ ngơi để khởi động lại”.

Cùng chung quan điểm đó, Hoa hậu Hương Giang cho biết: “Với tôi, thời khắc giao thừa là một nhịp dừng để mỗi người cùng nhìn lại 1 năm đã qua và đặt kế hoạch, tự cổ vũ bản thân mình trong thời gian sắp tới”. 

2839BA25-E91C-4988-8FB2-7A56C09D8916

Có ai đó kêu gọi bỏ Tết vì tốn kém, có ai đó than vãn sao lại Tết vì vất vả lo toan, có ai đó rời nhà dịp Tết để đỡ nhọc thân xác… thì đó là lựa chọn của họ, còn Tết vẫn nguyên vẹn trong trái tim và tâm khảm bao người. Trong cuốn “Hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm có viết: “Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những gì mình đang cùng thừa hưởng, mà còn ngang nhiên góp phần tàn phá”, vậy nên Tết không phải là một bài toán kinh tế, mà Tết là một tình yêu thiêng liêng, không Tết sẽ không còn nơi để trở về.