Sau khi nắm giữ cổ phần chi phối trong Vinacafe Biên Hòa, hồi tháng 5, Masan thông qua The Sherpa (công ty con của Masan Group) bắt tay với chuỗi trà cà phê Phúc Long mở loạt kiosk trong VinMat+. Nhiều người thắc mắc, liệu Masan sẽ đi xa đến đâu trong thị trường này.

Liệu Masan sẽ chi phối mạnh lên hệ thống trà, cà phê Phúc Long, hay dành những quân bài cho một chiến lược tổng hợp?

Masan định giá Phúc Long ra sao?

Trên nhiều kênh truyền thông hồi tháng 5, nhiều người bất ngờ khi biết Masan, thông qua công ty con là The Sherpa, đã chi 15 triệu đô la để có 20% cổ phần Phúc Long.

Thật ra, số tiền chỉ là một phần của thương vụ, phần quan trọng không kém đó là những điều kiện đi kèm trong hợp đồng.

Nhiều nhà đầu tư đều biết Masan chính là nhà đàm phán lão luyện với nhiều kinh nghiệm qua các vụ mua bán sát nhập (M&A) trước đó (mua cổ phần kiểm soát mỏ Núi Pháo; thâu tóm Vinacafe Biên Hòa; Vĩnh Hảo; mua cổ phần Thực phẩm Cholimex; đầu tư vào Proconco và ANCO; mua kiểm soát NETCO; 3F Việt).

1111

Theo tìm hiểu của Doanh Nhân Trẻ, cách để Masan định giá dựa trên cơ sở lợi nhuận sau thuế của Phúc Long. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty Phúc Long năm 2020 đã được Masan nhân lên gấp 50 lần. Lý do là hiện tại, mức định giá trung bình cho các doanh nghiệp cùng ngành trong khoảng từ 25-30 lần lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, Masan thấy được giá trị gia tăng vượt trội từ việc nhân rộng mô hình kiosk Phúc Long tại VinMart+.

4

Cơ sở này càng vững hơn khi Masan đã có được kết quả thử nghiệm triển khai các kiosk Phúc Long trong Vinmart+. Doanh thu  8 kiosks tại VinMart+ sẽ tương đương với 1 cửa hàng Phúc Long, do vậy, khi Masan mở thành công 1.000 kiosks sẽ giúp Phúc Long nhân 3 quy mô doanh thu và lợi nhuận hiện tại.

Vậy nên, nếu tính đúng và đủ bài toán này thì Masan đưa mức định giá gấp 50 lần vẫn là một thỏa thuận win-win cho cả hai phía.

Tuy nhiên, chuyện định giá để có 20% cổ phần trong Phúc Long Heritage vẫn chỉ là một phần của kế hoạch chinh phục thị trường trà, cà phê của Masan. Điều nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn chính là làm sao và cách nào để Masan có thể lấn sâu và thành công nhiều hơn trong thương vụ này. Cách mà Masan, The Sherpa và Phúc Long sẽ “phân vai” ra sao trong định hướng phát triển Phúc Long sắp tới có thể sẽ hé mở chiến lược của Masan với thị trường này.

Chưa chi phối, chỉ tăng cường sức mạnh thương hiệu

3

Theo tìm hiểu của Doanh Nhân Trẻ, hiện nay, ưu tiên chính của Thỏa thuận Hợp tác chiến lược giữa VinCommerce và Phúc Long là phát triển mô hình kiosk Phúc Long tại hệ thống VinMart+. Theo đó, hai bên cùng phát triển mô hình “kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Với kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của đội ngũ Phúc Long trong lĩnh vực điều hành chuỗi bán lẻ F&B, việc vận hành kiosk Phúc Long sẽ do đội ngũ Phúc Long chịu trách nhiệm để phát huy tối đa thế mạnh này.

Trong khi đó, hệ thống VinMart+ sẽ phụ trách chuẩn bị mặt bằng, sắp xếp quầy kệ để các kiosk Phúc Long hoạt động hiệu quả nhất. Đồng thời, VinMart+ sẽ cung cấp những hiểu biết và dữ liệu để lựa chọn điểm bán phù hợp cho các kiosk.

Phần thử nghiệm của Phúc Long và VinMart+ cũng được chứng minh dựa trên kết quả kinh doanh trong 3 tháng vừa qua. Theo đó, hai bên đặt mục tiêu mỗi kiosk Phúc Long sẽ đạt doanh thu ít nhất 5 triệu đồng/ngày khi tiếp tục mở rộng mô hình.

Và theo thỏa thuận, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+, tương đương 1 triệu đồng mỗi ngày. Như vậy, mỗi tháng mỗi kiosk Phúc Long mang lại cho cửa hàng VinMart+ doanh thu 30 triệu, tương ứng tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.

Như vậy có thể thấy trong giai đoạn trước mắt, Masan không can thiệp quá nhiều vào việc điều hành của Phúc Long. Việc ưu tiên của Masan cho Phúc Long chính là gia tăng độ phủ cho Phúc Long cũng như tối ưu hóa việc sử dụng mặt bằng của VinMart+ và vẫn giúp tăng doanh thu cho cả hai thương hiệu này.

"Miếng bánh" trà, cà phê hấp dẫn cỡ nào?

Một số nghiên cứu gần đây được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cho thấy tiềm năng thị trường nội địa của Việt Nam có thể tiêu thụ cà phê tới 70.000 tấn/năm. Nghĩa là, với sản lượng cà phê hàng năm thu hoạch được 700.000 – 800.000 tấn thì lượng cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam ở mức xấp xỉ 10%.

Theo ước tính của Masan, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam là khoảng 2,3 tỷ đô và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm.

Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25%, bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), Viva Star Coffe (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).

Nếu nhìn vào việc Masan Beverage đã có cổ phần chi phối tại Cà phê Biên Hòa và The Sherpa có 20% trong Phúc Long, có thể nghĩ Masan đang quan tâm đến thị trường này.

Với tiềm năng dân số trẻ và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, Masan và Phúc Long cùng có niềm tin rằng chuỗi cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.

Đại diện truyền thông của Masan Group nói rằng: “Với kết quả thử nghiệm thành công của 4 kiosk Phúc Long tại TP.HCM trong 3 tháng qua, hai bên tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu 1.000 kiosk Phúc Long trong 18-24 tháng tiếp theo”.

2

Bên cạnh đó, sự kết hợp của hai thương hiệu này, về lâu dài còn hứa hẹn nhiều sự thay đổi đáng kể trong ngành đồ uống này bởi văn hóa thưởng thức trà và cà phê đang phát triển mạnh ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Việc này được kiểm chứng bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của Starbucks trong những năm gần đây. Do vậy, không loại trừ khả năng trong một tương lai gần, Masan và Phúc Long cũng sẽ cân nhắc việc tham gia thị trường quốc tế sau khi đã chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam.

Và để chiếm thị phần lớn trước khi “cân nhắc bước vào thị trường quốc tế” thì không gì thuận lợi hơn là kết hợp với hệ thống sẵn có của Masan.

Hiện thực hóa điều này, trước đây, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group từng đề cập rằng mục tiêu của VinCommerce trong năm 2021 là chuyển từ điểm mua sắm thuần túy thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online đến offline. Ông Nguyễn Đăng Quang gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ.

Và Masan đặt mục tiêu đến năm 2025, chuỗi bán lẻ F&B đóng góp doanh thu 500 triệu USD.

Bên cạnh đó, Masan cũng không ngần ngại nếu có sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các chuỗi đồ uống khác. Cả Masan lẫn Phúc Long đều cho rằng sự cạnh tranh giữa các chuỗi đồ uống là yếu tố tích cực giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

5

“Khi đặt người tiêu dùng làm trọng tâm, không ngừng cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ, chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ và tin yêu của khách hàng. Sự kết hợp các sản phẩm thương hiệu Phúc Long cùng mạng lưới trên 2.200 cửa hàng VinMart+ hôm nay và 10.000 cửa hàng trong 5 năm tới, sẽ giúp 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội thưởng thức những thức uống trà và cà phê tươi ngon.

Chúng tôi tin tưởng sẽ biến mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi từ các bạn trẻ đến các cô, chị nội trợ trên khắp Việt Nam" - đại diện truyền thông Masan Group khẳng định.

Như vậy, việc dùng các công ty con đẩy mạnh chuỗi bán lẻ F&B của Phúc Long cùng với việc phát triển chuỗi VinMart+ chính là con đường rộng hơn để Masan dễ dàng tính toán các bài toán đầu tư hoặc M&A của mình sau này.