sapo
la a nhen a le hap

A lê Hấp tọa lạc tại số 6 Kỳ Đồng phường 9, quận 3, khai trương vào một ngày  cuối năm 2021 khiến không ít người ngạc nhiên. Thời điểm này, không ít nhà hàng, quán ăn thu gọn, đóng cửa tạm thời hoặc trả mặt bằng, thậm chí đăng bảng sang đồ nghề, thì một quán ăn mới khai trương, thật bất ngờ, trước tiên là cái tên độc lạ của quán: A lê Hấp. 

Xét về phương diện đồng âm, A lê Hấp khiến người nghe nghĩ ngay đến từ “allez hop” của Pháp, trong đó, “allez” là “đi” còn “hop” là một từ đệm, giống như “thôi”, “nào”. A lê Hấp mang dáng dấp của một khẩu lệnh thôi thúc, hào hứng kiểu: “Đi nào”, "Bắt đầu thôi”…

hinh 1

Ông chủ Võ Quốc của A lê Hấp - một đầu bếp tài hoa không xa lạ với những ai quan tâm đến ẩm thực Việt, cười ngất: Đâu có “rắc rối” vậy. “Hấp” đơn giản là không phải nấu, nướng, chiên, xào… mà các món ăn của A lê Hấp được làm chín đặc biệt bằng phương pháp hấp cách thủy trong thời gian từ 3 - 6 tiếng. Khi hấp, đồ ăn sẽ chín từ từ bằng hơi nóng, không làm mất dinh dưỡng tự nhiên và hình dáng của thực phẩm, giữ được tối đa vitamin và khoáng chất sau khi chế biến. 

Trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh, Võ Quốc nhận ra sức đề kháng của cơ thể rất quan trọng trong việc giúp con người phòng ngừa và vượt qua Covid-19. Là một chuyên gia ẩm thực, anh hiểu rất rõ mối liên quan mật thiết giữa thức ăn và sức khỏe. Thế là A lê Hấp nhanh chóng ra đời ngay vào dịp thành phố vừa được “nới lỏng” với mong muốn mang đến cho mọi người những món ăn giúp bồi bổ sức khỏe.

Xưa nay, nói đến thức ăn bổ dưỡng, người ta thường nghĩ đến bào ngư, vi cá, yến xào, hải sâm… nhưng những món đó, ngày xưa là vua chúa, bây giờ là nhà giàu mới có cơ hội tiếp cận. Trong khi bệnh dịch lại không chừa ai, kể cả nhà nghèo. Làm thế nào để người ít tiền cũng có thể bồi bổ sức khỏe bằng các món ăn, Quốc rất trăn trở.

Bản sao của DSC02083

Ngoài những kiến thức được tiếp thu tại khóa học về dinh dưỡng và detox mà anh đã tham gia nhân một chuyến sang Hoa Kỳ, Quốc cặm cụi mày mò tìm hiểu thêm qua sách vở và kinh nghiệm thực tế. Anh nhận ra nếu biết cách kết hợp, xử lý nguyên liệu, chế biến đúng cách thì món thịt gà và bào ngư đều có giá trị dinh dưỡng ngang nhau. Vì thế A lê Hấp chọn nguyên liệu là heo, bò, gà kết hợp với bài thuốc Đông y cho ra thực đơn độc đáo riêng của mình. 

Trên thị trường ẩm thực Việt Nam, món ăn kết hợp bài thuốc Đông y không mới, cũng không lạ. Nhưng đặc biệt ở A lê Hấp, thực khách sẽ được thưởng thức hương vị thanh ngọt, nhẹ nhàng không hề “đắng như thuốc Bắc” hoặc nồng hăng mùi thuốc.

Giá cả là yếu tố hấp dẫn thứ hai: Trên dưới 70 nghìn đồng cho một món “bao” đủ chất và lượng. Như với nhân viên văn phòng thì có: Sườn non tiềm khổ qua, gà ác tiềm thuốc Bắc, hoặc gà tiềm đẳng sâm… thêm một chén cơm nhỏ là có bữa trưa vô cùng “sang chảnh”. A lê Hấp chấp nhận thu về lợi nhuận rất khiêm tốn để đáp ứng tiêu chí bổ, ngon kèm giá rẻ và an toàn cho khách hàng.

box 1
cua cung ra xoi

Mở đầu câu chuyện, Kim Thư nói với tôi: “Kim Thư đang rất hạnh phúc”, ngắn gọn nhưng đầy đủ để giải đáp cho những ai muốn biết về cuộc sống hiện tại của nữ diễn viên sau một thập niên. Vậy là đủ để mừng cho chị. Và phần còn lại của câu chuyện, chúng tôi “thao thao” không chán về món xôi cua “thần thánh” nhà Kim.

Nếu như các món hấp của đầu bếp Võ Quốc được trình làng với mong muốn ai cũng được tiếp cận những món ăn bồi bổ sức khỏe trong thời dịch bệnh, thì món xôi cua của Kim Thư có “số phận” đặc biệt hơn nhiều, bởi nó đánh dấu bước ngoặt đổi đời của chị - một diễn viên điện ảnh nổi tiếng, từng được coi là "ngôi sao phòng vé" một thời; từng sống trong nhung lụa, hưởng tất cả phú quý vinh quang khi ở đỉnh cao sự nghiệp, rồi bỗng chốc nếm trải bao đắng cay, cơ cực, tới tận cùng đói khổ khi chồng chị, nghệ sĩ Phước Sang, kinh doanh thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần.

xoi cua

Ở ngã rẽ giữa hào quang và bóng tối ấy, Kim Thư chợt nhớ, chị có một sở trường khác là kinh doanh và niềm đam mê ẩm thực đã bị bỏ quên đằng sau những vai diễn ở phim trường. Nhưng khi “xòe tay” ra, chị chỉ có hai bàn tay trắng. Thư quyết định… bán xôi. Những gói xôi mặn đầu tiên ra đời làm tiền đề cho món xôi cua “thần thánh” đóng dấu Kim quán, cho đến thời điểm này, “thị trường xôi” chưa ghi nhận đối thủ nào.

Từ “Thư xôi”, mà bạn bè gọi vui chị là “mụ bán xôi quyền lực”, cho đến bây giờ khi đã trở thành bà chủ nhà hàng chuyên hải sản, Kim Thư vẫn xem xôi là “món tủ của nhà em, đó chị”.

Nếu trước đây, trong những ngày lưng vốn ít ỏi, Thư xem xôi như một món ăn dân dã, chất phát giúp mọi người no dạ, thì xôi cua bây giờ đã kiêu sa bước vào thế giới ẩm thực bằng tầm vóc của nghệ thuật sáng tạo. Nguyên liệu chính làm ra món xôi cua là nếp nương Điện Biên và cua bể Cà Mau, đặc sản của hai vùng miền ở đầu và cuối bản đồ đất nước. Thư đã mang hình ảnh Tổ quốc đặt vào tình yêu và tâm huyết để sáng tạo ra món xôi cua đặc biệt từ cốt xôi, vỏ xôi đến hình thức trang trí.

Để làm nên món xôi cua độc lạ của riêng mình, Kim Thư áp dụng cách nấu xôi chị học được của một người phụ nữ dân tộc Thái nhân chuyến lên Điện Biên năm nào. Trước khi nấu, nếp phải được ngâm qua đêm cho no nước, để khi gặp hơi nóng, nếp sẽ mau nở, mềm dẻo, hạt nếp kết dính mà không bị nhão. Chỉ cần chõ xôi kín nắp và nếp ngon như nếp Điện Biên thì mất khoảng 15-20 phút là xôi chín đều. Sau đó, hấp thêm lần nữa để xôi giữ được độ mềm dẻo, cả ngày không bị khô. Kế đến là công đoạn nén và chiên vỏ xôi. Vỏ xôi đạt yêu cầu phải mỏng, giòn, màu vàng đẹp. Cuối cùng, không thể thiếu trong món xôi cua là… cua, tất nhiên. Cua sau khi hấp chín, gỡ thịt trộn với một lượng xôi vừa đủ, thêm chà bông, hành phi, mỡ hành rồi nén xôi vào vỏ.

Chiếc mai cua đỏ au được sử dụng để trang trí làm đĩa, xếp thêm hai chiếc càng, một cách hoa màu tím, xôi được úp tròn ở giữa. Xắn từng miếng, lớp vỏ giòn "rôm rốp" bên ngoài vỡ ra, bên trong là những miếng thịt cua trắng mỡ màng phối với màu xanh của mỡ hành, màu vàng của hành phi… Một mùi thơm đặc trưng dậy lên… chỉ có thể là món xôi cua “thần thánh” nhà Kim.

box 2